Dạy con an nhiên trong mùa dịch

Chia sẻ

Thạc sĩ Nguyễn Thu Hương hiện đang làm việc tại Sở Giáo dục hạt Buncombe, bang Asheville, North Carolina, Mỹ. Chị đồng thời là đồng sáng lập viên Tổ chức Giáo dục IDEA Hoa Kỳ và các khoá học “Nuôi con an nhiên” cho các bậc cha mẹ tại nhiều quốc gia.

Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã phỏng vấn thạc sĩ Nguyễn Thu Hương về phương pháp nuôi dạy con mà theo chị, có thể sẽ giúp quan hệ của cha mẹ và các con trở nên gắn kết, hài hòa hơn nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

- Thưa chị, thời gian vừa qua, chị đã tổ chức nhiều buổi chia sẻ về phương pháp nuôi con an nhiên cho cộng đồng qua mạng xã hội. Vì sao chị lại đặt tên cho các buổi nói chuyện này là “nuôi con an nhiên”?

- Tôi không cho rằng mình đã sáng lập ra một phương pháp nuôi dạy con mới mà đơn giản, tôi mong muốn xây dựng một cộng đồng, nơi cha mẹ cùng chia sẻ các cách nuôi dạy con một cách tự nhiên nhất, sử dụng chính nội lực và tài năng bẩm sinh của con, không tạo ra bất cứ một áp lực nào cho cả cha mẹ và con cái mà chỉ mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho cả gia đình và sự phát triển vững chắc cho các con. Thông qua đó, mỗi cha mẹ sẽ tìm ra cho mình một con đường nuôi dạy con phù hợp nhất, bình yên và hạnh phúc nhất cho con và cả gia đình.

- Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều cặp cha mẹ tâm sự, họ gặp khó khăn khi xây dựng quan hệ “an nhiên” với các con. Không gian chật hẹp, áp lực cuộc sống, nỗi lo dịch bệnh khiến các thành viên trong nhà dường như đều cảm thấy bị stress, và xung đột cha mẹ-con cái là khó tránh khỏi.

Trong các buổi trò chuyện “Nuôi con an nhiên” tôi có nhấn mạnh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng. Nếu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tốt thì các con chắc chắn sẽ tự nguyện nghe và làm theo lời cha mẹ. Nhưng đáng tiếc nhiều người chúng ta đã không để ý đến việc xây dựng và bồi đắp mối quan hệ này. Chúng ta vẫn cứ nuôi con theo bản năng, vẫn cứ nghĩ rằng thỉnh thoảng mắng con một vài câu, tạt tai con một vài cái là bình thường. Lúc nào cáu lên, chúng ta gọi con là “Mày/ông/bà/anh/chị” và tưởng điều này là vô hại. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh lời nói, cử chỉ, hành động của cha mẹ hàng ngày ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não của một đứa trẻ ở bất cứ lứa tuổi nào. Những đứa trẻ luôn sống trong tình yêu thương và sự tôn trọng của bố mẹ, khi trưởng thành sẽ tự tin hơn, bao dung hơn và sống có trách nhiệm hơn.
Đại dịch Covid-19 cộng thêm giãn cách xã hội đã khiến các thành viên trong một số gia đình ở nhà nhiều hơn, ăn uống sinh hoạt tại nhà cũng nhiều hơn. Điều này không tránh khỏi việc nhà cửa luôn bừa bộn, bát đũa bày ra nhiều hơn, sinh hoạt trong gia đình cũng đảo lộn hơn so với trước kia.

Dạy con an nhiên trong mùa dịch - ảnh 1

Điều này đôi khi khiến chúng ta bị stress vì chúng ta luôn muốn nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, con cái phải có ý thức gọn gàng. Song con chúng ta lại chưa làm được những điều mà chúng ta mong đợi. Chúng có thể để sách vở bừa bộn, thức ăn vương vãi ra nhà. Thế là chúng ta nổi điên lên quát tháo la mắng chúng. Nhưng chúng ta hãy dừng lại và nghĩ đi, chúng ta đang muốn một căn nhà sạch hay mối quan hệ giữa chúng ta và con cái bị rạn nứt? 10 – 20 năm sau, chúng ta vẫn muốn là căn nhà sạch hay chúng ta muốn một mối quan hệ tuyệt vời và bền vững giữa chúng ta và con cái. Với cá nhân tôi, tôi sẽ chọn mối quan hệ với các con tôi. Tôi sẵn sàng chấp nhận nhà có thể chưa được sạch như ý của mình, nhưng thay vì quát tháo mắng mỏ tôi sẽ cùng các con lau chùi dọn dẹp nhà cửa hàng ngày, có thể con tôi quét nhà vẫn còn chút rác, lau nhà vẫn chưa được sạch, xếp bát đũa chưa được gọn gàng như tôi vẫn làm nhưng chả sao cả vì bù đắp lại là nhà tôi luôn đầy tiếng cười vui vẻ hạnh phúc.

- Vậy, từ sự nhận thức về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa cha mẹ và các con, các bậc cha mẹ có thể làm gì để xây dựng mối quan hệ này trở nên tốt đẹp?

Tôi xin chia sẻ một số cách như sau:

1. Hãy chấp nhận cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của con. Hãy để con là chính mình và cố gắng đừng lúc nào cũng chỉ dẫn bảo ban con. Ví dụ khi con chơi lego, con không lắp ghép hình trong tờ hướng dẫn mà thích lắp ghép theo cách của con, không sao cả, hãy để con được thoải mái làm theo ý của mình, đừng bắt ép con phải làm theo cách của bố mẹ hay theo sách hướng dẫn.

2. Cố gắng không đưa ra phán xét bất cứ những gì con làm, con làm sai hướng dẫn con làm lại và luôn động viên con.

3. Hãy “Nghe nhiều hơn nói”. Hãy thực sự lắng nghe con nói, nghe cảm xúc của con và chia sẻ cảm xúc với con.

4. Hãy luôn thể hiện tình cảm với con hàng ngày như ôm, hôn con, nói yêu con. Ví dụ khi bạn nấu ăn trong bếp, có thể con bạn đi loanh quanh trong bếp mà không nói gì nhiều, bạn hãy dừng lại và nghĩ xem con bạn đang định nói điều gì với bạn. Có thể chúng chỉ muốn ở gần bạn, bạn có thể dừng lại ôm con hoặc nói với con giúp bạn nấu ăn và hỏi chuyện con trong lúc cùng nấu ăn. Khoa học đã chứng minh rằng: Những đứa trẻ thường xuyên nhận được những cái ôm, những nụ hôn và lời nói "Yêu con" của cha mẹ có hệ miễn dịch tốt hơn, học tập năng suất hơn, ít căng thẳng và lo âu hơn. Biết bao nhiêu lợi ích như vậy, vậy thì tại sao chúng ta không làm việc đó thường xuyên?

5. Luôn mỉm cười và giao tiếp bằng mắt với con để con bạn biết rằng bạn đang quan tâm đến con và chú ý đến con khi nói chuyện. Chỉ những thứ nhỏ như vậy sẽ giúp con bạn thấy yên tâm và xây dựng được sự tự tin cho chính bản thân mình.

6. Dành thời gian “chất lượng” cho con: Tạm bỏ điện thoại/máy tính và dành thời gian cho con có khi chỉ là những câu chuyện tán gẫu, những tiếng cười, giao tiếp bằng ánh mắt, những cái ôm ấp là cách giúp bạn tìm hiểu về suy nghĩ, cảm xúc và những thay đổi của con. Điều này cũng đặc biệt cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh này. Thay vì thấy việc ở nhà thật bí bách, cha mẹ hãy biến quãng thời gian này là cơ hội để cùng ở bên con.

7. Khi bạn nói sai hoặc làm sai điều gì với con, hãy thẳng thắn xin lỗi con, điều này sẽ giúp con bạn học cả tính trách nhiệm biết nhận trách nhiệm về việc làm của mình.

8. Luôn thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng cảm xúc và ý kiến của con sẽ khuyến khích con bạn tiếp tục chia sẻ với bạn. Khi con có quan điểm khác với bạn, hãy lắng nghe, đừng phán xét hay tỏ ra khó chịu.

9. Hãy thiết lập một số nội quy trong gia đình để con bạn tin tưởng rằng bạn công bằng và nhất quán trong cách đối xử với các con.

Thạc sĩ Nguyễn Thu Hương và con gái.Thạc sĩ Nguyễn Thu Hương và con gái.

- Vậy trước khi chia tay, chị có thể chia sẻ điều gì đó với các bậc cha mẹ đang theo dõi bài phỏng vấn này?

Trước khi dừng lời, tôi muốn nói cha mẹ muốn nuôi dạy con an nhiên thì trước tiên, hãy sống an nhiên, vui vẻ, hạnh phúc. Khi chúng ta không hạnh phúc thì không thể truyền năng lượng tích cực đến cho các con. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thay vì để cho những lo lắng làm cuộc sống của chúng ta trở nên tiêu cực, buồn bã, cha mẹ hãy cùng con lạc quan.

Tôi xin chúc cho tất cả chúng ta đều được bình an, có sức khỏe, bình tĩnh bước qua đại dịch.

- Xin cảm ơn chị.

HOÀNG LAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.