Lan toả nghĩa cử nhân ái, tiếp sức vượt qua đại dịch

Chia sẻ

Từ những ngày cuối tháng 7, TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Ở lần giãn cách xã hội thứ 2 này, diễn biến dịch rất phức tạp với tác động nặng nề đến những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cam go và đầy thử thách, lòng nhân ái và bao dung của người Hà Nội lại toả sáng, mang lại niềm tin và hy vọng…

Chắt chiu tình cảm, gửi gắm yêu thương

“Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch” là tài khoản mới thành lập trên mạng xã hội facebook trong những ngày tháng 7 khi Hà Nội đối mặt với diễn biến nhanh của dịch bệnh Covid-19. Vài ngày sau đó, số lượng thành viên gia nhập nhóm tăng lên rất nhanh và “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch” đã và đang trở thành địa chỉ kết nối những con người xa lạ “xích” lại gần nhau hơn để cùng viết lên những câu chuyện nhân văn, ấm áp yêu thương, lay động trái tim, xua đi những mệt mỏi, căng thẳng trong những ngày Hà Nội đang gồng mình “chiến đấu” với dịch bệnh.

“Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch”, đúng như tên gọi, đây là nơi những người dân có hoàn cảnh khó khăn tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời, các cá nhân và tổ chức có tấm lòng nhân ái góp công sức, thực phẩm hỗ trợ người yếu thế trong xã hội; nơi các bác sỹ, chuyên gia y tế tự nguyện nhận việc tư vấn miễn phí cho các thành viên khi gặp vấn đề cấp bách về sức khoẻ; nơi các “bác tài” sẵn lòng vận chuyển bệnh nhân theo yêu cầu hỗ trợ của các bệnh viện, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch… Tất cả các hoạt động trên đều thực hiện tự nguyện và miễn phí với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Quản trị nhóm (admin) là những nghệ sỹ, bác sỹ, doanh nhân, nhà báo, nhà khoa học… có nhiều kinh nghiệm tham gia và tổ chức các hoạt động xã hội. Trong đó, có admin Nguyễn Phan Huy Khôi đã quen thuộc với nhiều người dân Thủ đô, gắn liền chương trình “Ai cần cứ đến lấy - Cùng nhau vượt qua đại dịch” được tổ chức thành công vào tháng 4 năm 2020. Đó là thời điểm Hà Nội lần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Với cách tổ chức bài bản, công khai, minh bạch, Nguyễn Phan Huy Khôi đã phối hợp rất tốt với chính quyền cơ sở để chuyển hơn 100 tấn gạo, lương thực, thực phẩm tới người dân có hoàn cảnh khó khăn ở hơn 60 phường, xã thuộc 15 quận huyện ở Hà Nội. Trong đợt dịch lần thứ 4 này, admin Nguyễn Phan Huy Khôi và gia đình, bạn bè đã hỗ trợ gần 20 tấn gạo cho người dân khó khăn tại một số địa bàn của thành phố. Để kết nối rộng rãi hơn những tấm lòng nhân ái và sự sẻ chia, cuối tháng 7 vừa qua, Nguyễn Phan Huy Khôi và những người bạn cùng chí hướng đã thành lập nhóm “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch” trên mạng xã hội facebook.

Những hoạt động nghĩa tình của các thành viên nhóm “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch” đã hỗ trợ nhiều người lao động nghèo.Những hoạt động nghĩa tình của các thành viên nhóm “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch” đã hỗ trợ nhiều người lao động nghèo.

Sau 3 ngày hoạt động, nhóm kết nối được hơn 6.000 thành viên và 1 tuần sau đó, con số này đã lên đến hơn 23,7 ngàn thành viên. Hàng ngày, hàng giờ, trên cộng đồng “ảo” ấy, những dòng tin liên tục được cập nhật, hoàn toàn không vô tri vô giác mà trong đó có những mảnh đời cần được giúp đỡ. Một cánh tay giơ tay, rất nhiều cánh tay cùng hoà nhịp để tạo nên “những khúc nhạc của tâm hồn”.

Xúc động trước thông tin về bác gái 65 tuổi, thuê trọ trong ngõ nhỏ ở khu vực Mỹ Đình có hoàn cảnh thương tâm: thu nhập không ổn định, vừa bị tai nạn ngã xe, đang nuôi một người con bị tâm thần và một cháu nhỏ bị tăng động; nhóm thiện nguyện Hà Nội tìm gặp, kết nối đến 3 lần, chờ đợi gần 1 tiếng đồng hồ dưới trời nắng để trao tận tay bác gái phần quà là những nhu yếu phẩm thiết yếu. Người trao - người nhận chưa từng quen biết nhau, cũng không trò chuyện được nhiều để đảm bảo yêu cầu phòng dịch nhưng cả hai đều cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc vì được san sẻ và giúp đỡ. Hay đọc dòng tin của một số công nhân xây dựng đang cần hỗ trợ gạo cho những bữa cơm hàng ngày, một thành viên nữ đã mua vội 2 túi gạo, sẵn có mấy cân thịt lợn trong tủ lạnh được gói bọc cẩn thận cùng một chút tiền nhỏ để người cần hỗ trợ mua thêm rau thêm dưa…

Vào mạng xã hội để cập nhật tin tức trên nhóm “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch” đã trở thành thói quen của nhiều người bởi ở đó, tình yêu thương con người đang được lan toả mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều cá nhân thiện nguyện “mời” những người khó khăn nhận gạo, mỳ, rau hay các suất cơm được chế biến ngon lành; có gia đình sẵn lòng mở cửa nhà đón người khó khăn vào ở cùng để giảm bớt nỗi lo chi phí thuê nhà. Thậm chí, có thành viên là lái xe công nghệ hiện tạm nghỉ việc, thu nhập không có, cuộc sống đầy chật vật nhưng sẵn lòng nhận chuyển đồ từ thiện, vận chuyển người bệnh theo đề nghị của bệnh viện… Mọi sự giúp đỡ trong ngôi nhà chung đó dường như không có giới hạn và đa phần đều thật tâm, hướng đến mong muốn duy nhất: cùng nhau vượt qua đại dịch.

San sẻ lo âu, giảm bớt nhọc nhằn

Ở ngoại thành Hà Nội, thời điểm này, trong những khu vườn, trên những cánh đồng, nhãn lồng và nhiều loại rau củ đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ. Những năm trước, thương lái về tận vườn thu gom và tiêu thụ nông sản cho bà con; nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội, nông sản khó tiêu thụ, thương lái không bao tiêu, nguy cơ ùn ứ, mất trắng công sức và vốn đầu tư hiển hiện khiến nhiều bà con nông dân lo lắng.

Trước thực tế đó, tại các địa phương có diện tích trồng nhãn, trồng rau lớn như Đan Phượng, Ba Vì… Hội LHPN đã kêu gọi các cơ sở Hội kết nối, hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm. Những ngày giãn cách xã hội, chị em vừa đảm nhiệm tốt công việc hậu cần (chăm lo bữa ăn cho lực lượng phòng dịch, các gia đình ở khu vực cách ly y tế), tham gia hỗ trợ công tác chống dịch tại địa phương theo phân công vừa là đầu mối kết nối cơ sở Hội và hội viên với bà con nông dân, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Hội LHPN xã Phương Đình, huyện Đan Phượng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sảnHội LHPN xã Phương Đình, huyện Đan Phượng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Từ sáng sớm đến tối muộn, thời gian của chị em đều dành cho công việc, ai cũng thấm mệt dưới thời tiết 36 -370C; song nụ cười và niềm hạnh phúc vẫn nở trên môi. Chị Vũ Thị Phượng - Chủ tịch Hội LHPN xã Phương Đình, huyện Đan Phượng cho biết: Hội viên và nhân dân đã ủng hộ rất nhiệt tình. Các đơn hàng chủ yếu được các chi hội phụ nữ chốt qua mạng xã hội và nhóm zalo. Tuy nhiên, số lượng hàng đặt là rất lớn. Ngày 30/7, Hội LHPN xã bắt đầu kêu gọi hội viên hỗ trợ tiêu thụ, đến ngày 2/8, bà con đã đặt mua hơn 3 tấn; có người đặt mua 50-60kg nhãn/lần; đến mức, có thời điểm, nhà vườn còn không kịp hái để giao hàng. “Xã Phương Đình khá rộng với 10 thôn và hơn 13.000 dân.

Một ngày nhà vườn trẩy nhãn vào buổi sáng và chiều, giao hàng vào buổi trưa và tối. Mặc dù đây là thời gian nghỉ ngơi và dành cho gia đình nhưng chị em ở các chi hội không nề hà. Trên chiếc xe máy, chị em lắp thùng đựng hàng lớn, xếp từng túi nhãn gọn gàng và giao về tận cửa các gia đình trong điều kiện đảm bảo nghiêm ngặt yêu cầu phòng chống dịch. Đến giờ này, các vườn nhãn đã được hỗ trợ tiêu thụ khá lớn, chị em lại tiếp tục chuẩn bị hỗ trợ tiêu thụ củ quả như các loại cà, mướp hương”. Với sự hỗ trợ kịp thời và trách nhiệm, tính chung trên địa bàn huyện Đan Phượng, trong đợt này, cán bộ hội viên phụ nữ đã hỗ trợ tiêu thụ gần 30 tấn nhãn, 15 tạ ổi, 2,2 tấn cà tím, khoai sọ và hơn 1.000 bó rau các loại.

Trong thời gian này, các cấp Hội Phụ nữ huyện Ba Vì đang kết nối, chung tay hỗ trợ bà con nông dân xã đảo Minh Châu tiêu thụ số lượng lớn rau xanh nhãn lồng. Đến hết ngày 3/8, theo chị Lê Thị Tuyến - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn đã triển khai tới toàn thể cán bộ, hội viên và người dân tham gia hỗ trợ tiêu thụ được gần 12 tấn rau xanh và 1 tấn nhãn, chung sức cùng cộng đồng giảm bớt nhọc nhằn cho bà con.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.