Tổng Kết Diễn đàn gia đình “Để lại tài sản thừa kế cho con”

Chia sẻ

Tài sản thừa kế của cha mẹ để lại cho con là bệ đỡ để cuộc sống con cái bớt vất vả, nhưng đây cũng chính là ngòi nổ của những cuộc chiến tranh giành tài sản khiến tình thân tương tàn. Vì thế, cha mẹ để lại tài sản cho con phải thấu tình đạt lý.

Chi thừa kế phải thấu tình và đạt lýChi thừa kế phải thấu tình và đạt lý
Thay đổi quan điểm về tài sản thừa kế

Hầu hết cha mẹ Việt đều có quan niệm phải tích lũy tài sản làm "của để dành" cho con, dù nhiều hay ít. Họ xem đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với con cái. Do vậy, nhiều bậc cha mẹ suốt đời tích cóp, không dám chi tiêu cho bản thân, chỉ với một mục đích là để dành tài sản cho con. Song cũng chính vì tài sản thừa kế của cha mẹ mà nhiều gia đình, con cái nảy sinh bất hòa, huynh đệ tương tàn. Từ thực tế của cuộc sống, nhiều câu chuyện, ý kiến của đọc giả gửi đến diễn đàn cho rằng đã đến lúc cha mẹ cần thay đổi quan điểm về tài sản thừa kế.

Độc giả Nguyễn Thị Huyền Anh (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) đặt câu hỏi: Phải chăng cha mẹ đã sai khi chỉ nghĩ cho con mà "bất nhẫn" với cuộc đời của mình, biến mình thành "ngân hàng tích lũy" cả đời cho con? Tại sao, họ có tài sản nhưng lại không dám tiêu dùng cho cuộc sống của mình, thậm chí chấp nhận ốm đau không chữa trị, sống nghèo khổ? Đành rằng cha mẹ thương con, nhưng có cần thiết phải hi sinh đến cạn kiệt như thế không?

Phần đông bạn đọc đưa ra quan điểm mới trong vấn đề này. Đó là cha mẹ hãy dừng việc để lại tài sản thừa kế cho con. Thay vì, dùng tài sản để ràng buộc con cái với trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ cuối đời, thì bản thân cha mẹ hãy dùng số tài sản đó cho bản thân, tự lập tuổi già. Hiện nay, mô hình gia đình nhiều thế hệ cùng sinh sống đã dần thay bằng gia đình 1 thế hệ; việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già không chỉ phụ thuộc vào con cái, mà nhờ vào người giúp việc, hay hệ thống dịch vụ nhà dưỡng lão.

Của cho không bằng cách cho

Bàn luận về vấn đề cha mẹ để lại tài sản cho con, nên hay không? Nếu nên thì như thế nào, không nên thì ra sao?... Nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến diễn đàn cho rằng trước khi để lại tài sản cho con, cha mẹ cần biết "cách cho", còn con cái phải học "cách nhận". Bởi chỉ khi cả cha mẹ và con cái đều nhận thức đúng đắn về vấn đề tài sản thừa kế thì họ mới có những ứng xử đúng đắn với nó.

Nếu cha mẹ có tài sản để lại cho con nhưng cho không đúng cách thì sẽ gián tiếp làm hại con và khơi nguồn cho các bi kịch gia đình đau lòng. Nhiều câu chuyện thực tế từ trong chính gia đình, người thân của mình mà các độc giả gửi đến diễn đàn đã chứng minh điều đó. Cha mẹ yêu thương con, dùng tài sản để bảo bọc cho con cái cả đời đã khiến nhiều đứa con trở nên "yếu ớt", không có khả năng tự lập trong cuộc sống, mất đi ý chí vươn lên, khả năng sinh tồn khi lâm vào tình cảnh khó khăn. Thậm chí, có những đứa con nhận khối tài sản thừa kế kếch xù cha mẹ để lại, nhưng thay vì sống tốt đẹp hơn, họ lại trở thành một kẻ "ăn tàn phá hại". Nếu không biết cách cho, cha mẹ còn biến tài sản thừa kế của mình trở thành nguồn cơn khiến con cái bất hòa, thậm chí là "đổ máu" để tranh giành lẫn nhau.

Ngược lại, nếu cha mẹ biết cách cho, họ cũng sẽ biết cách dạy cho con cái cách nhận tài sản thừa kế sao cho ý nghĩa, thiết thực nhất với cuộc đời mình. Câu chuyện con nhận tài sản thừa kế gắn liền với trách nhiệm của anh Vũ Đình Quang (Lương Thế Vinh, Hà Nội) gửi đến diễn đàn đã minh chứng cho điều đó. Thừa kế tài sản hàng trăm tỷ cha mẹ để lại, anh Vũ Đình Quang nêu "bài học kinh nghiệm" trong vấn đề này. Đó là: "Nhờ cách cho đúng đắn của bố mẹ mà tôi biết cách nhận tài sản thừa kế, để nó thật sự có ý nghĩa cho cuộc đời mình. Bài học cho con cái tài sản của bố mẹ đã được tôi vận dụng lại từ khi sinh ba đứa con. Ai nhìn vào cũng bảo, con cái của tôi sau này không cần làm cũng có ăn nhờ số tài sản bố mẹ để lại. Nhưng, tôi quán triệt với các con từ nhỏ đến lớn, rằng sẽ không có chuyện không làm việc mà vẫn có tài sản sẵn để hưởng thụ. Tôi định hướng các con học các kiến thức để sau này về tiếp quản cơ ngơi của gia đình, gieo vào lòng chúng lòng yêu cơ nghiệp của tổ tiên để lại. Và điều quan trọng nhất là chúng tôi rất công bằng trong việc để lại tài sản cho các con, không để chúng so bì tỵ nạnh, để làm những việc làm khiến tình thân tương tàn".

Bình đẳng quyền lợi tài sản thừa kế

Thực tế cho thấy sự bất bình đẳng trong việc để lại tài sản thừa kế cho các con của cha mẹ đã làm nảy sinh những bi kịch gia đình đau lòng. Những bản di chúc chia tài sản thừa kế của cha mẹ lại biến thành nguyên nhân để con cái oán hận đấng sinh thành, ghét bỏ, từ mặt anh/chị/em ruột thịt. Thậm chí là khởi nguồn của những thảm án gia đình thảm khốc.

Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" cũng khiến cha mẹ có ứng xử không thấu tình đạt lý khi phân chia tài sản thừa kế cho con trai và con gái. Điều này không chỉ khiến con gái bị thiệt thòi quyền lợi, mà còn làm cho tình trạng bất bình giới trong gia đình không thể xóa bỏ.

Phải khẳng định rằng, việc để lại tài sản cho con đều xuất phát từ cái tình của cha mẹ. Nhưng để vẹn toàn trong việc này, cha mẹ không chỉ cần "thấu tình" mà còn phải "đạt lý" khi phân chia tài sản thừa kế cho các con, không phân biệt trưởng hay thứ, trai hay gái. Bởi về pháp luật, quyền lợi của các con đều bình đẳng như nhau. Có như vậy thì vấn đề để lại tài sản thừa kế cho con mới không còn là câu chuyện cần phân định: Nên hay là không nên.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.