Áp lực vô hình trên đôi vai bé nhỏ

Chia sẻ

Nếu là phụ nữ, tôi sẽ cảm thấy bình thường khi chứng kiến sự thành công của những người bạn bằng cách tự an ủi: Thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, so sánh làm gì cho mệt. Nhưng, là một người đàn ông, tôi không khỏi ngỡ ngàng và có chút hổ thẹn trước những gì mà những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” đã làm được.

Họ năng động, mạnh mẽ và biết nhìn xa trông rộng hơn cả cánh đàn ông chúng tôi. Vậy mà, sau những suy nghĩ đầy trân trọng, ngưỡng mộ về họ, tôi chợt nhận ra, trên vai họ bấy lâu nay đang có một gánh nặng vô hình, gánh nặng đặt lên vai từ hoàn cảnh sống, gánh nặng buộc họ phải tự gồng mình vươn lên.

Hôm rồi, lướt facebook thấy chị họ con bác tôi đăng khá nhiều mẫu thiết kế nhà mái Thái, kiểu nhà dành cho những gia đình ở nông thôn có mặt bằng rộng, nhà nhiều mặt thoáng và không cần xây cao tầng. Thấy lạ, tôi nghĩ bụng: hay bà chị chán cảnh phố xá với nhà ống mặt tiền ba, bốn mét nên lại định bán nhà mua đất ở ngoại ô xây nhà vườn cũng nên. Định nhằm lúc nào chị em gặp nhau để hỏi thì mấy hôm sau tôi lại thấy một bài viết khác của chị đăng ảnh mấy người thợ đang tháo gỡ ngôi nhà ngói ba gian của bố mẹ chồng chị ở quê. Thế là tôi đã hiểu, thêm một lần nữa, gánh nặng lại chất lên đôi vai người chị của tôi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực ra bấy lâu nay, tôi đi đâu cũng khá “mát mặt” vì được là em của chị. Người ta khen chị tôi giỏi giang, hai vợ chồng chỉ làm công chức nhà nước, con lớn lại đang đi học đại học, con út đang học cấp III mà xây được nhà, sắm sửa được đủ thứ chẳng thua kém ai.

Ngày chưa đi lấy chồng, chị tôi ở nhà được hai bác chiều chuộng vì là con gái út. Tuy chỉ là con nhà giáo nhưng mỗi khi chị muốn mua gì các bác đều cố gắng lo, không để chị tủi thân vì thua chị, kém em. Cái biệt danh “công chúa” gắn với chị tôi suốt những năm tháng ấy cho đến khi chị lấy anh rể tôi-một người có vẻ ngoài hiền lành, ít nói nhưng đồng thời cũng có cách sống an phận với đồng lương “còm”. Tưởng cuộc sống chỉ có thế, nhưng dần dà, chị tôi nhận ra anh luôn có ý thức muốn vun vén cho gia đình ở quê. Hình như mỗi khi vợ chồng anh sắm sửa được vật dụng gì từ cái quạt máy, cái tivi, cái máy giặt, tủ lạnh… thì đám em ở quê đều hùa vào gây sức ép để anh phải mua cho bằng được những thứ ấy.

Ban đầu, chị họ tôi cũng phản ứng ra mặt, chị không thể chấp nhận được kiểu tị nạnh như thế vì nghĩ rằng mình có quyền lo cho gia đình nhỏ của mình.Chị cho rằng với bố mẹ chồng, anh em chồng chỉ cần duy trì một mức độ quan tâm vừa đủ. Nhưng cuộc sống đâu có đơn giản thế, anh rể tôi là con cả, mỗi lần về quê lại phải nghe vô số lời qua, tiếng lại. Có lẽ từ ngày còn chưa kết hôn với chị tôi, anh luôn là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho cả nhà. Tôi nghe loáng thoáng ngày đó cả làng có mỗi anh thi đỗ đại học, khi anh đi làm có đồng lương, từ chiếc đài của ông cụ đến từng quyển sách, quyển vở, cái xe đạp cho mấy đứa em… đều một tay anh lo. Thế nên, điều đó đã thành một lối mòn không dễ gì thay đổi được.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đúng như các cụ vẫn nói: “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, chị họ tôi-cô dâu cả của gia đình ấy-phải lo toan không biết bao nhiêu công việc. Nào là hỗ trợ, bù trì cho từng đứa em đi học, lo cho chúng cuộc sống ban đầu khi mới đi làm, lo cho sức khỏe bố mẹ chồng và giờ đây là cả ngôi nhà… đôi vai bé nhỏ của chị phải gánh từng ấy trách nhiệm mà một người đàn ông như tôi không thể làm nổi. Tôi nhớ có lần ăn cơm ở nhà chị, thấy tôi quá chén, chị gọi taxi cho tôi về, lúc ra cổng chị bảo: “Cậu lo làm, lo ăn, sau này gắng mà lo cho vợ con, đừng để đứa nào nó lấy cậu vất vả như chị cậu bây giờ…”.

Đúng là, nhìn bề ngoài ai cũng thấy chị tôi nhàn nhã, nhất là có ông chồng làm trưởng phòng. Lúc nào người ta cũng thấy chị váy áo xúng xính, miệng nói cười rộn rã, nhưng ai biết đằng sau vẻ quý phái, tao nhã đó là vất vả và khổ cực. Ngày nào chị cũng dậy từ 4 giờ sáng lo gà lợn, đi chợ, ăn sáng cho cả nhà rồi mới tắm rửa đi làm, chiều về lại từng ấy công việc lặp lại chưa kể đổ hàng, nhập hàng… Lắm lúc tôi tự hỏi, điều gì đã khiến chị chấp nhận áp lực đó?“… Thì hai vợ chồng, đứa nào biết nhiều, đứa ấy khổ vì phải làm nhiều chứ sao?”- chị đã trả lời câu hỏi của tôi như thế.

Ngẫm ra, cũng đâu chỉ riêng bà chị họ trong câu chuyện của tôi mà xung quanh chúng ta hình như cũng có không ít người phụ nữ đang phải lo toan như thế. Nỗi lo cuộc sống gia đình, lo cho bố mẹ họ hàng, lo ứng xử xã hội đã khiến nhiều phụ nữ thành trụ cột gia đình lúc nào không hay.

Lâu nay, ai cũng nghĩ đàn ông là người lo toan, là trụ cột gia đình. Vậy mà trong cuộc sống hôm nay, nhìn vào cơ ngơi của từng gia đình, nhìn vào sự thành đạt của con gái, sự êm ấm của cha mẹ hai bên, ít ai ngờ rằng người chồng ấy chỉ là cái bóng. Mặc dù, trước bạn bè và xã hội, người vợ vẫn luôn để mọi người tin rằng công lao ấy là của chồng mình. Bởi, trong thâm tâm những người phụ nữ thay chồng chèo lái sẽ chẳng bao giờ họ muốn nhận công, muốn so đo với chồng làm gì. Với họ, chỉ cần gia đình hạnh phúc, yên ấm, con cái trưởng thành đã là toại nguyện cả cuộc đời.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thi thoảng trong cuộc sống, ta lại bắt gặp một câu chuyện đẹp về người phụ nữ. Đó có thể là một góc khuất, một phẩm chất ẩn chứa trong tâm hồn, một vẻ đẹp đời thường. Người phụ nữ có muôn vàn vẻ đẹp mà chỉ khi ta thật sự quan tâm, để ý mới có thể nhận ra và trân trọng.

Dẫu biết rằng, người phụ nữ đã đang và sẽ còn tiếp tục gánh vác những công việc nặng nhọc trên đôi vai của mình, vẫn biết với họ áp lực, gánh nặng cũng là hạnh phúc bởi biết đâu đó cũng là cách để họ bảo vệ chính tổ ấm của gia đình mình. Cổ nhân từng nói “gái có công thì chồng chẳng phụ”, những nỗ lực của một người vợ như thế hẳn ông chồng nào cũng sẽ hiểu, cũng ghi nhận. Nhưng có một điều, cuộc sống tưởng như bình lặng này luôn chứa đựng những những bất ngờ không thể lường trước được, nếu bạn chỉ biết hy sinh vì người khác quá nhiều, người khác sẽ ỷ lại vào sự tháo vát, đảm đang đó. Không ít người phụ nữ giỏi giang lại thường hay than vãn rằng khi đi công tác, khi nằm viện thì con mình, chồng mình thế này, thế kia…

Cuộc sống cần sự hài hòa, cân đối, người phụ nữ gánh vác quá nhiều áp lực gia đình thật đáng trân trọng và cũng rất cần sự “chia lửa” từ người bạn đời của mình, vì dù họ có mạnh mẽ đến đâu thì người phụ nữ vẫn chỉ là phụ nữ mà thôi.

LÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.