Trẻ em có nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại tình dục

Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội và tất cả người dân, trong đó phụ nữ, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Không chỉ liên quan đến sức khoẻ, học tập mà trẻ em còn có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Nhiều vụ bạo hành, xâm hại nghiêm trọng

Mới đây, một vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đã gây rúng động dư luận. Theo đó, trong clip dài hơn 4 phút được phát tán lên mạng xã hội, bé trai khoảng 5 tuổi không mặc quần áo bị bố dượng “hờ” liên tục đánh đập, nâng cháu bé lên rồi đập xuống chiếc đệm mỏng dưới đất mặc cho cháu bé liên tục khóc thét kêu gào: “Con muốn cứu mẹ, con muốn cứu mẹ”. Ngay sau đó, công an TP Thuận An đã vào cuộc điều tra, đồng thời quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam “bố hờ” Lê Hoài Nam (29 tuổi, trú tại phường Bình Chuẩn, TP Thuận An) để điều tra về tội hành hạ người khác.

Liên quan đến vụ việc, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bức xúc: “Đó là hành động không thể chấp nhận được. Trẻ em là đối tượng yếu thế. Các cháu không thể chống cự hay bỏ chạy một khi cha hoặc mẹ, cha dượng hay mẹ kế ra tay tàn độc”. Bà Hồng mong muốn cộng đồng quan tâm, giám sát đến trẻ em tại nơi sinh sống, nếu thấy các cháu bị bạo hành cần quay clip làm bằng chứng để pháp luật có cơ sở vững chắc xử lý, đồng thời nhanh chóng gọi đến công an phường, xã hoặc đường dây nóng của địa phương nơi cư trú, để kịp thời giải cứu các cháu bé thoát khỏi sự đọa đày của người lớn”. Còn luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội thì cho rằng, hành vi của đối tượng Lê Hoài Nam rất côn đồ, mất nhân tính, đủ điều kiện để xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015, dù có gây thương tích hay không hoặc mức độ thương tích nhỏ.

Mới đây, công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cũng đang thụ lý điều tra một vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên địa bàn. Theo đơn trình báo của chị N, khi con gái chị (sinh năm 2017) sang nhà hàng xóm chơi đã bị đối tượng chủ nhà xâm hại. Về nhà, chị thấy quần lót của cháu có chất dịch nên gặng hỏi thì cháu bé nói bị đối tượng này dùng tay tác động vào bộ phận sinh dục. Hiện cháu bé đã được trưng cầu giám định thương tích và giám định ADN…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vấn đề bạo lực, xâm hại đối với trẻ em đã tồn tại từ trước nay càng trở nên trầm trọng hơn. Các báo cáo gần đây liên quan đến Covid-19 chỉ ra rằng, việc hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự cùng với áp lực căng thẳng về kinh tế, xã hội hiện tại đang làm gia tăng mâu thuẫn trong nhiều gia đình, dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Ở nhiều quốc gia, bạo lực gia đình tăng ít nhất 30%. Tại Việt Nam, đường dây nóng của Ngôi nhà Bình yên (thuộc Hội LHPN Việt Nam) và Ngôi nhà Ánh Dương (do UNFPA phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc – KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng qua so với cùng kỳ những năm trước đó. Trong hầu hết các trường hợp, thủ phạm gây bạo lực và xâm hại đều là người thân quen của trẻ.

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2021, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 171.000 cuộc gọi đến, 967 lượt thông báo qua ứng dụng app và zalo, trong đó có hơn 15.000 ca tư vấn và 706 ca hỗ trợ, can thiệp trẻ em. Tỷ lệ cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng mạnh ở các nội dung liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em (chiếm 52,3%, tăng 13,3% so với 6 tháng đầu năm 2020). Tiêu biểu, trong tháng 4/2021, một số vụ việc xâm hại trẻ em có tính chất nghiêm trọng, nạn nhân tuổi còn rất nhỏ, như trường hợp bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị xâm hại dẫn đến tử vong, bé gái 2 tuổi ở Bình Thuận bị xâm hại tình dục…

Tăng cường bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng

Hiện nay, lứa tuổi được tiếp cận với internet ngày càng trẻ hoá, thời gian sử dụng cũng tăng lên. Theo Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và tổ chức cứu trợ trẻ em, Việt Nam hiện có khoảng 69,1% trẻ em được tiếp cận các thiết bị có kết nối internet. Trong đó, tập trung vào nhóm thanh thiếu niên sử dụng mạng internet với các mục đích học tập, nghiên cứu, truy cập thông tin và giải trí.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các trường học đóng cửa, việc học tập, giải trí của các em gắn chặt với máy tính và mạng xã hội. Mạng Internet đã tạo ra một sân chơi kết nối con người với những tiện ích không thể phủ nhận, nhưng đó lại là con dao hai lưỡi tiềm ẩn nhiều mối đe doạ cho sức khoẻ tinh thần, nhân cách của người dùng, đặc biệt là trẻ em. Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan đến trẻ em trên mạng xã hội mỗi năm thì số lượng vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng nhiều. Nguy cơ trẻ bị dụ dỗ, phát tán thông tin cá nhân, lừa đảo, xâm hại tình dục, bắt cóc… đang đe dọa đến sự an toàn của trẻ. Ngoài ra, hiện tại còn xuất hiện khái niệm mới “bắt nạt online”, nhiều mâu thuẫn trên không gian số dẫn tới không ít vụ xô xát ngoài đời thực, những vụ tự tử đau lòng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đơn cử như vụ việc xảy ra vào tháng 3/2021 tại TP Hồ Chí Minh, bé N (13 tuổi, trú tại Long An) đã uống thuốc trừ sâu tự tử do bị một nhóm bạn tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội facebook. May mắn cháu N đã được cứu chữa kịp thời, nhưng trên thực tế, không thiếu những cái kết đau lòng đã diễn ra.

Chuyên gia tâm lý, giáo dục và trị liệu trẻ em Trần Thị Mạnh Linh cho rằng, bạo lực, xâm hại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của trẻ. Bên cạnh những tổn thương thực thể có thể nhìn thấy được, những sang chấn tâm lý do bạo lực xâm hại kéo dài có thể tác động đến não bộ, làm giảm thể tích não, giãm trí nhớ, mất tập trung, mất định hướng không gian, giảm khả năng giải quyết vấn đề, mất ngôn ngữ, cáu gắt, khó chịu ở nội tạng như chướng khí, đầy hơi, đau ở đâu đó trong cơ thể, dạ dày như thể không hoạt động… ảnh hưởng đến học tập, các mối quan hệ và đời sống của các em. Các sang chấn tâm lý thường dẫn đến trầm cảm, tự sát nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Đặc biệt, khi giãn cách xã hội như hiện nay, việc các em không được giao lưu bạn bè, thường xuyên ở nhà một mình, sử dụng mạng xã hội làm kênh giao tiếp chính… sẽ khiến cho tình trạng sang chấn tâm lý, trầm cảm có điều kiện để tái phát.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch, tổng đài 111 đã nhận được nhiều cuộc gọi của phụ huynnh bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc con em sử dụng các thiết bị công nghệ truy cập mạng trong thời gian dài. Các em nhỏ cũng gọi tới tổng đài chia sẻ tâm trạng lo lắng, hoảng sợ khi bị đe doạ, bị tung ảnh nóng hoặc bị xâm hại bởi những đối tượng mà mình mới quen qua mạng.

Để trẻ em được an toàn trên không gian mạng luôn là sự trăn trở của các cấp, ngành và gia đình. Nhận thấy sự cấp thiết của vấn đề này, ngày 1/6/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Tuy nhiên, để bảo vệ con trẻ, mỗi bậc cha mẹ cần phải thể hiện vai trò tích cực trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, hạn chế thấp nhất những mặt trái của internet đối với trẻ em. Cha mẹ cần quan tâm hướng dẫn con sử dụng internet một cách hiệu quả, phát huy những thế mạnh của internet trong học tập, kiểm soát các trang web độc hại, dạy con kỹ năng biết tự bảo vệ mình trên môi trường mạng...

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.