Phụ nữ đừng nên sa lầy vào sự đa nghi

Chia sẻ

Người ta thường nói: Đa nghi là thuộc tính của phụ nữ. Có người tỏ ra thông cảm thì cho rằng: “Âu cũng là bản năng giữ gìn hạnh phúc của phụ nữ, không cảnh giác, đề phòng thì mất chồng từ lâu rồi”. Nhưng cũng có những ý kiến phản bác lại: Càng gay gắt, căng thẳng kiểm soát thì càng… mất kiểm soát, càng không hiểu được tâm lý của chồng, càng tạo cơ hội cho “địch”… Thôi thì cả một “trận đồ bát quái”, “u u minh minh” rối rắm về “nghệ thuật” giữ chồng.

Nhắc đến chuyện này tôi lại nhớ đến những năm điện thoại di động mới phổ biến ở Việt Nam (trước khi xuất hiện thế hệ smartphone). Ngày đó, điện thoại chỉ có hai chức năng là gọi điện và nhắn tin, kèm theo là những kiểu chuông đặt riêng cho từng số điện thoại được lưu trong danh bạ. Bởi thế, đã xuất hiện nhiều dịch vụ cung cấp cho người dùng các loại chuông điện thoại “độc” để cài riêng cho các số điện thoại đặc biệt. Thế là, trong những bữa cơm đông đủ anh em mới có nhiều chuyện bi hài, dở khóc dở cười về… vợ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyện là, khi có người gọi đến điện thoại của các ông chồng lập tức vang lên hàng loạt kiểu chuông như: “cảnh sát đó”, “ông chủ ơi, cướp cướp”, hoặc tiếng còi xe cảnh sát… Hỏi ra mới biết toàn là số của các chị vợ gọi đến. Nhìn vào màn hình điện thoại mấy anh ngồi gần thì tôi còn choáng hơn bởi những cách ghi danh bạ: “Cảnh sát”, “113”, “ngân hàng al –Qaeda”, “tiger”, “bò sát cổ đại”… tóm lại vợ đối với các anh đều mang ý nghĩa nguy hiểm, cần cảnh giác, đề phòng.

Từ khi công nghệ 3G, 4G phát triển với sự bùng nổ của mạng xã hội, sự xuất hiện của các dòng smartphone, có lẽ đã tạo ra sự bão hòa nên các câu chuyện về các cô vợ xoay quanh chiếc điện thoại dần thưa thớt. Ấy vậy mà mới hôm rồi, người viết gặp một câu chuyện bất ngờ về một anh bạn và chiếc smartphone bất li thân của anh ta.

Hôm đó, nhà anh làm cỗ cúng Rằm tháng Bảy sớm. Năm nay vì phòng tránh dịch bệnh, không mời anh em, bạn bè nên chỉ có hai vợ chồng anh nâng ly (vì các con đã về bà ngoại). Khi anh chồng đã say xỉn, chẳng biết vì sao mà cô vợ bỗng nảy ra sáng kiến cầm ngón tay anh đặt vào chiếc điện thoại để mở khóa vân tay. Một cuộc “thanh tra” chồng đột xuất đầy hồi hộp và bất ngờ bởi theo cô thì từ ngày cưới đến giờ cô chưa lần nào cầm điện thoại của chồng.

Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như kết quả “kiểm tra” không đem lại một sự bất ngờ. Từ nhật ký điện thoại (các số gọi đến, gọi đi) đến các tin nhắn zalo, tin nhắn messenger… đều chỉ loanh quanh toàn tin quảng cáo, tin nhắn báo thay đổi số dư tài khoản ngân hàng, cuộc gọi của các shipper gọi giao hàng, các nhà thuốc, đại lý… tóm lại là không hề có một dấu hiệu đáng nghi ngờ nào. Chắc bởi quá phấn khởi vì điều này, cộng thêm chút men trong người, cô vợ liền chụp màn hình điện thoại của chồng rồi post lên facebook để khoe.

Ít phút sau khi status đó xuất hiện đã nhận được mấy chục bình luận vui hài trêu. Tuy nhiên, chính cô cũng không ngờ được lại có nhiều ý kiến khá lạ. Có người bảo: “Thời buổi này mà có ông chồng không bao giờ gọi điện, nhắn tin cho phụ nữ hoặc được phụ nữ chủ động liên lạc liệu có tin được không?”, “Những điều gì “quá” đều khó tin”, “sạch” quá càng đáng nghi ngờ…”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế là, từ chỗ yên tâm và hài lòng, cô vợ xoay ra lo âu và nghi ngờ chồng mình. Bắt đầu từ việc nhờ bạn bè ở công ty chồng để ý xem anh có hay nghe điện thoại ở phòng làm việc không rồi dò hỏi xem tại sao hôm nọ anh ấy đi làm căn cước công dân có ba mươi phút đã về (trong khi có người mấy tiếng mới xong), liệu anh có cô bạn gái nào làm ở phường không? Rồi cô ta chất vấn chồng sao lại kết bạn với những cô này, cô kia trong danh sách bạn bè ở trang facebook…

Các cụ thường bảo: “cây ngay không sợ chết đứng”, anh bạn tôi cứ lặng lẽ chẳng bận tâm đến sự ghen tuông bóng gió của vợ. Thế rồi, sau rất nhiều hồ nghi, cảnh giác cô vợ cũng đành bỏ cuộc trước người chồng trung thực của mình. Chuyện tưởng đã khép lại và cuộc sống của vợ chồng anh bạn tôi trở về yên ả như trước thì đùng một cái, cô vợ nông nổi của anh lại nghe được một vị “quân sự quạt mo” nào đó nhận định: “Đúng là chồng bà ngoan, đứng đắn, giỏi giang, phớt lờ các em thả thính. Nhưng mà, chính sự “đoan trang” ấy lại tạo ra sức hút vì con gái nó “thèm” nhất là đàn ông kiểu thế, hiểu chửa? Ngoan cũng không hẳn là tốt, càng phải đề cao cảnh giác…”. Thế là, một đợt sóng gió nữa lại nổi lên, anh bạn tôi than thở: “Nếu nghe theo vợ tôi chắc tôi phải làm bản kiểm điểm suốt đời ông ạ, sống với người vợ đa nghi quá đến là khổ…”.

Nghe anh bạn nói thế, tự nhiên tôi thấy thương cho cả hai vợ chồng anh. Một người chồng luôn yêu vợ con, có trách nhiệm với gia đình nên sống trung thực, thẳng thắn. Một người vợ cũng vì yêu chồng, thương con, lo cho hạnh phúc gia đình mà sinh ra tính đa nghi, thấy không có gì đáng nghi thì lại càng nghi ngờ hơn. Cô ta đã bị hút vào cái vòng nước xoáy mà hình như khá nhiều chị em cũng đang mắc phải, họ càng vùng vẫy càng lún sâu…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi nhớ có lần đi uống café với một cô bạn là một chuyên gia tâm lý học được nghe một câu nói đùa khá hay. Chuyện là, hôm đó cô ta đi chiếc xe máy mới mua nên có vẻ khá lúng túng mới khóa được xe để bước vào quán. Khi ngồi vào bàn cô ta phân trần: “Thật ra khóa xe cũng như canh chồng ấy mà ông. Khóa chỉ là để nhắc người ngay chứ ai phòng được kẻ gian?”. Tôi thấy câu nói này khá thú vị. Phụ nữ có thể ghen, có thể đa nghi nhưng chỉ nên dừng lại như một tiếng chuông cảnh báo, như một thứ gia vị của hạnh phúc chứ đừng biến thành cuộc chiến. Nếu người đàn ông thực sự có thói trăng hoa thì dù anh ta có khôn ngoan che giấu đến đâu sớm muộn gì “cái kim trong bọc cũng lòi ra”; còn với người đàn ông đàng hoàng, tự chủ trong cuộc sống thì trong cách ứng xử khéo léo, thân thiện của họ luôn có một giới hạn nhất định để không đánh mất mình. Người vợ phải có một niềm tin, niềm tin chính là sự trân trọng với người bạn đời của mình.

Đa nghi là một sai lầm mà chúng ta dễ mắc phải trong cuộc sống với bất kì giới nào, ở vào bất kì độ tuổi nào. Đặc biệt là khi bạn nghe theo những lời đàm tiếu, bàn luận của bạn bè, người thân. Nhưng có điều, không ai hiểu về người chồng của bạn hơn bạn, không ai sống thay bạn nên chỉ có sự tỉnh táo của bạn, tình yêu và lòng nhân ái mới giúp bạn nhận ra đâu là “chân”, đâu là “ngụy” để gìn giữ tổ ấm của mình trong cuộc sống.

LÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.