Một trưa ở phố

Chia sẻ

Thoáng cái, đã trưa, sau tiếng còi tan tầm, những buổi trưa của Hà Nội một thời bao cấp yên tĩnh bằng một vẻ thật riêng.

Có lúc tôi cứ ước ao, biết đâu sau này Hà Nội sẽ có một khu bảo tồn, hay một cái công viên để thêm một lần những người trung tuổi được trải nghiệm lại cảm giác ấy.

Trưa, ở miền núi là khi chỉ có tiếng chào mào lảnh lót trên ngọn cây. Một nhịp sống nông nghiệp yên ả, thuần hậu nhưng cũng đơn giản và nhàm chán. Đã một tuần kể từ khi xuống Hà Nội, tôi vẫn không thể chợp mắt được. Với một đứa trẻ, trưa ở phố hấp dẫn quá, trưa mời gọi tôi bằng muôn vàn háo hức. Không thể bỏ phí một thời khắc như thế.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ban đầu, niềm vui của tôi là được ngồi ở dưới gốc xà cừ ngắm phố. Tôi mong đợi những chiếc xe máy được mang từ các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa đi qua. Lâu lâu, có khi đến mươi phút, mới thấy một chiếc “Hon-đa” nào đó xuất hiện. Khi đó “Hon-đa” là một danh từ chung, chứ nào đã hiểu đó là một thương hiệu nổi tiếng thế giới. Chiếc nào thân màu xanh, chiếc nào màu đỏ, có gương hay không có, lũ trẻ ở phố này có thể kể vanh vách đến tận khi chìm vào giấc ngủ trưa hè.

Người ta thường mơ đến những thứ chưa có nhưng chẳng dại gì mơ nếu nó quá xa vời. Không sao, tôi có thể gửi giấc mơ ấy vào những cái xe ông Huỳnh đầu ngõ làm bằng gỗ. Ông có một con dao. Dao ở phố làm gì có đá mài, cùn thì liếc vào chôn bát. Ông liếc rất khéo, nhìn ông liếc đã mê, ông dùng dao cắt tiện những mẩu gỗ thành cái xe rồi sơn màu y như thật. Hà Nội những năm đó có những người nghệ nhân kỳ công và khéo tay. Lũ trẻ, những đứa trẻ sau này không hề ngờ rằng lại được sở hữu những chiếc xe đắt tiền nhanh đến thế.

Hà Nội của những năm tháng ấy rất hay mất điện. Sau này tôi hiểu ra khi đó đất nước chưa có những nhà máy điện công suất lớn. Tôi nhớ hồi ấy ở Đống Đa vẫn nhiều ao chuôm, mương và hồ. Ở nhà sẵn lưỡi câu nhưng lại thiếu cần. Tôi phải đợi khi bà ngoại ngủ say, lén ra sau nhà, nhón cái que trúc bà hay gác phơi chiếu mang đi làm cần câu. Hí hửng ra đến đây, tôi mới vỡ lẽ, trẻ con Hà Nội đâu có câu cá về ăn như trên nhà mình. Chúng hò nhau vây bắt những con cá cờ bé như ngón tay, đuôi xanh đỏ rồi bỏ vào những chiếc bình thí nghiệm hình tròn có cái cổ cao ngỏng. Đêm, khi ánh đèn hắt qua những ô cửa sổ, những cái đuôi cờ lấp lánh. Lần nào về qua khung cửa sổ ấy tôi cũng ước có được một chiếc bình chứ không phải là chiếc ti-vi màu 14 inch đặt trong kia.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trưa Hà Nội văng vẳng tiếng bầy chim sẻ chíu chít gọi nhau trên mái ngói thâm nâu. Này là lăng Khải Định, này là tấm thân rồng uống lượn bằng đá xanh xứ Thanh. Đàn sẻ đã quen với cái bể nước công cộng, có những hạt tấm lọt từ rá vo gạo rớt xuống, đã quen căn gác của bà cụ già mái tóc trắng như cước tay cầm cuốn Kiều đã bóng mồ hôi tay. Cụ lảy Kiều bằng tiếng Hà Nội xưa nhỏ nhẻ, sáng và ấm. Những câu Kiều tôi nghe không tường tận chữ nghĩa ước lệ, tượng trưng nhưng mơ hồ mường tượng có một chốn kinh thành sầm uất.

Thế rồi, những buổi trưa Hà Nội ấy dần qua đi. Tôi xa Hà Nội mà đâu biết rằng mình đã mãi xa một thời đơn sơ mà lắng sâu đến thế. Sau này tôi về Hà Nội để học đại học rồi đi làm nhưng không bao giờ tìm lại được những buổi trưa như thế. Nhưng, mỗi khi qua những con phố, con ngõ vẫn bâng khuâng nhớ kỉ niệm xưa…

BÙI VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.