Mua dây buộc mình

Chia sẻ

“Lại giãn cách!”. Ngân ngao ngán khi xem chương trình tin tức rồi quay qua nhìn chồng đang hớn hở chơi game trên điện thoại. Cô lại càng chán hơn.

Vào bếp chuẩn bị cho bữa tối, Ngân mở tủ lạnh và nhận ra chiếc tủ chưa gì đã vơi hơn nửa từ đầu tuần rồi. Ở nhà suốt, ăn cũng luôn miệng hơn, mới đầu tuần xuống siêu thị dưới nhà mua đủ thứ thịt cá, rau củ, thế mà giờ chỉ còn thấy lác đác vài mớ rau. Lục tung tủ lạnh, Ngân mới tìm được túi xúc xích và ít thịt xông khói. Thôi ăn tạm vậy, mai lại xuống siêu thị mua đồ tiếp. Nhưng tháng này đã có lương đâu, chồng cũng chẳng thấy đưa tiền gì. Ngân tự dưng cáu, đóng sầm cánh tủ lạnh, làm chồng và cô con gái nhỏ giật mình, hoảng hốt. Mấy tuần nay, cái cánh tủ chịu trận như thế cả trăm lần rồi.

Đã gần 3 tháng chồng Ngân ở nhà, còn Ngân thì cũng ngót nghét cả tháng. Chồng cô phải tạm dừng công việc từ trước khi giãn cách, bởi tình hình công ty rất tệ, khó có thể trả đủ lương cho tất cả nhân viên. Ngân làm công chức nhà nước, nên dù ở nhà làm online, cô vẫn có thu nhập đảm bảo hơn chồng. Nhưng cái chính, là trước giờ, thu nhập chính của cả nhà vẫn là chồng Ngân. Nên khi thấy chồng ở nhà nhởn nhơ, ăn không ngồi rồi suốt mấy tháng trời, cô từ mặc kệ, chuyển sang lo lắng, rồi dần thành cáu bẳn, thậm chí là tỏ thái độ coi thường, ghét bỏ chồng chỉ vì anh ở nhà, không chịu kiếm tiền. Mà tất cả, là do dịch bệnh, chứ anh có muốn đâu!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngân không quan tâm là tại chồng lười hay tại dịch bệnh, tính hay lo, hay suy nghĩ khiến cô lắm lúc cứ rồ lên vì không biết mai kia cứ ở nhà tiêu hết tiền rồi thì lấy gì mà ăn nữa. Những ngày đầu, cô còn nhỏ nhẹ, hỏi han chồng, “anh có tính làm việc gì ở nhà để kiếm thêm không?”, nhưng chồng cô lại khá “thản nhiên” trả lời: “Em à, thời buổi này công việc ở đâu cũng gần như dừng lại cả. Chống dịch là hàng đầu, những thứ khác mình chấp nhận hy sinh rồi chờ yên ổn lại cố gắng sau. Sức khỏe là quan trọng nhất, còn kiếm tiền thì cả đời mà. Em cứ yên tâm, tiền anh vẫn còn, lo được cho cả nhà mình!”.

Nhưng cứ tiêu mà không kiếm làm Ngân sốt hết cả ruột. Con gái còn nhỏ, còn phải mua sữa, bỉm, đồ ăn vặt cho con… những thứ ấy đắt đỏ, mỗi lần mua đi cả mấy triệu – gần tháng lương của cô rồi. Lâu nay nhà có chồng kiếm tiền được, lại ổn định, nên quen ăn những món ngon, thịt cá, hải sản đầy đủ. Bây giờ dịch bệnh, có cắt giảm cũng vừa phải thôi, vẫn cứ là tốn. Rồi ở nhà nhiều thì tốn tiền điều hòa, điện nước, rồi quen mồm đặt hàng online suốt ngày nữa… Nghĩ đi nghĩ lại, đâu đâu cũng là tốn. Thế mà chồng cứ ểnh ra, có điên không cơ chứ!

Ngân có hội bạn, cũng lấy chồng và có con nhỏ như cô. Khác với Ngân, hội bạn ít khi than thở chuyện tiền nong trong nhà. Lập nhóm chat chit cũng toàn là “nói xấu” mẹ chồng, bày cách chăm con, rồi khoe món ăn mới… toàn chuyện thường ngày của các chị em. Ngân thấy thế, lại cứ nghĩ hay chồng của hội bạn mình “kiếm” được nên chúng nó không phải lo nhỉ? Càng nghĩ, càng thêm rầu người. Cô cứ “mua dây buộc mình” như thế, ủ ê trong suốt những ngày ở nhà giãn cách.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cũng từ ngày ít phải đi làm, nhiều thời gian rảnh, Ngân lại hay trò chuyện với anh bạn khóa trên từ hồi đại học. Người ta thích Ngân suốt mấy năm dưới giảng đường, cho tới khi Ngân ra trường vẫn cố “đeo bám”, nhưng Ngân chê anh tỉnh lẻ, lại mới đi làm, biết ngày nào mới lo nổi cho cô. Lại gặp được Toàn, nhà ở phố, nhìn đâu cũng thấy ổn định hơn. Giờ đã 5, 7 năm trôi qua, mãi gần đây mới tìm lại được facebook nhau, Ngân biết anh đã thành đạt, vẫn độc thân nhưng là “ước ao” của bao người con gái. Ngán ngẩm nhìn chồng, Ngân thầm tiếc cho cái số mình, kể như chậm một tí, khéo giờ lại hay…

Bữa cơm tối hôm ấy diễn ra trong vẻ mặt cứ xầm xì của Ngân. Toàn đồ ăn sẵn nên chồng cô có vẻ không khoái lắm, trong khi con gái thì hợp khẩu vị nên cứ ăn thun thút. Ngân thì ăn một cách hời hợt, mắt cứ dán vào ti-vi. Tưởng vợ mệt, Toàn – chồng cô lân la hỏi thăm, thì cô chẳng nói gì, cúi đầu ăn tiếp. Anh đặt bát xuống, thở dài: “Anh thấy em cả ngày mặt nặng mày nhẹ, đụng đâu cáu đấy. Anh nghĩ em bực chuyện cơ quan hay sao đó nên cũng chẳng ý kiến gì. Nhưng đến bữa ăn em cũng chẳng để tâm, thế em có chuyện gì thì nói ra, anh có thể cùng em suy nghĩ?”.

Ngân chẳng thèm nhìn chồng, phớt lờ ánh mắt anh, cô bảo: “Kệ em, anh ở nhà suốt, giúp được gì!”. Giọng điệu Ngân nặng trình trịch, chứa đầy sự trách móc lẫn coi thường, đã làm bữa cơm chùng hẳn xuống. Ra là thế, Toàn buông đũa, đứng dậy, bỏ ra phòng khách. Cô con gái vẫn hí hửng với bát cơm toàn món khoái khẩu, vô tư chẳng quan tâm bố mẹ vừa cãi nhau.

Trận cãi nhau chính thức bùng nổ ở phòng khách. Ngân không thể bỏ lỡ cơ hội chồng vừa hiểu ra suy nghĩ của mình, cô tiếp tục chì chiết chồng: “3 tháng nay anh ở nhà, lương không có, anh cũng không hề nghĩ đến việc làm gì để có thêm thu nhập! Cứ ở nhà chơi, ăn đến 4, 5 bữa hết ngày này qua ngày khác, anh không thấy lo à? Hết tiền thì ăn bằng gì, lương em cũng có hạn thôi chứ? Anh cứ nói dịch dã việc ở đâu cũng khó, em vẫn thấy chồng bọn bạn em làm ra tiền suốt đấy thôi! Sao anh cứ thích an phận như thế nhỉ, anh không thấy hèn à?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Toàn ném mạnh chiếc điều khiển ti vi xuống nền nhà, mặt đanh lại, chưa bao giờ như lần này, anh chỉ tay vào mặt cô:

- Cô xem tôi là người hay là cái máy kiếm tiền vậy hả? Cô nhìn xem, một ngày bao nhiêu người chết vì dịch bệnh, cô không biết sợ à? Mở mồm ra là tiền, ở nhà mà ngột ngạt, áp lực hơn cả đi làm! Đời được mấy nỗi, nghỉ vài tháng thì chết ngay à? Chưa một ngày tôi thấy cô vui vẻ khi chồng mình ở nhà, động viên khi chồng tạm nghỉ việc. Tôi đâu để cái nhà này thiếu mà cô cứ làm cho nhà này rối hết cả lên vậy?

Cô bé con nghe tiếng đập đồ, rồi bố mắng mẹ, sợ quá mà gào lên khóc. Ngân cũng nóng mặt, nước mắt cứ muốn chảy ra. Cô cũng chỉ là muốn cuộc sống vợ chồng ổn định, không phải cái kiểu suốt ngày ở nhà rồi tiêu tiền, nhỡ đâu chưa hết dịch mà tiền đã hết thì sao? Nhưng Toàn chẳng quan tâm đến cô. Anh lao vào bếp, dỗ con rồi cho con ăn, xong xuôi thì bỏ về nhà bố mẹ đẻ.

Còn lại một mình, Ngân thấy chán ghét kinh khủng cái nhà này. Càng chán, Ngân càng bị cuốn vào những dòng nhắn tin với người cũ. Người ta vẫn thế, vẫn rất quan tâm, hỏi thăm mình rất ôn hòa. Nhìn lại chồng, một lần nghe mình nói, một lần làm theo ý mình cũng không – Ngân thấy như sụp đổ. “Mình có nên từ bỏ cái chốn tù túng này để làm nên một cuộc đời mới hay không?”. Câu hỏi ấy, quẩn quanh trong đầu Ngân mãi.

Tiếng điện thoại làm Ngân tỉnh dậy. Cô ngủ quên từ lúc nào. Đã 10 giờ đêm. Phòng khách vẫn lộn xộn, bữa cơm tối vẫn dang dở. Mẹ Ngân gọi điện, ở quê đang là vùng dịch, phải cách ly. Bà hồ hởi trong điện thoại: “Mẹ nhận được đồ và tiền của hai đứa rồi. Khiếp, lần này nhiều thế, hai ông bà ở quê ăn sao hết!...”. Ngân ngỡ ngàng, lâu rồi cô đâu có gửi gì về nhà. Đã rất lâu, những lo lắng, tự làm rối chính mình khiến cô quên đi nhiều điều quan trọng, là tình yêu, tình thân. Chồng đã thay cô làm tất cả, trong những lúc cô ngỡ như anh ở nhà chỉ là… ăn hại!

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.