Ngăn cản con dâu tái giá để “giữ vợ” cho con trai đã mất

Chia sẻ

Lo sợ con dâu tái giá thì con trai đã mất của mình sẽ không còn vợ, sau này không có người thờ cúng, chăm lo mộ phần và hương hỏa tổ tiên nhà mình, bà mẹ chồng đã tìm đủ mọi cách để không cho con dâu đi bước nữa. Cực chẳng đã, cô con dâu phải tìm đến văn phòng tư vấn để tìm hướng đi cho hoàn cảnh éo le của mình…

Nỗi đau của hai người phụ nữ góa chồng

- Tình cảm của mẹ con tôi đang tốt đẹp bỗng nhiên trở nên căng thẳng khiến tôi khổ tâm vô cùng. Tại sao mẹ không chịu hiểu và thông cảm cho tôi trong việc đi tìm hạnh phúc mới? Tuổi đời tôi còn quá trẻ nên không thể sống cảnh góa bụa cho đến già được - cô nói với chuyên viên tư vấn về hoàn cảnh của mình cũng như nỗi khúc mắc với mẹ chồng hiện nay.

Cô kể, mẹ chồng và cô đang có hoàn cảnh giống nhau và có cùng một nỗi đau: mất chồng. Bố chồng cô bị bệnh ung thư gan và mất khi ông 27 tuổi, lúc đó mẹ chồng cô mới 25 tuổi. Để lại mẹ chồng cô cùng đứa con trai 3 tuổi (là chồng cô) với nỗi đau không có gì bù đắp nổi. Thương con và nghĩ cho chồng, bà xác định sống đơn thân nuôi con, thờ chồng đến cuối đời. Dù bấy giờ có nhiều người khuyên bà nên tái hôn để tìm hạnh phúc mới, có chỗ nương tựa trong cuộc sống. Thế nhưng, mỗi lần ai nhắc đến chuyện đó, bà vẫn trước sau như một mà rằng: "Nếu tôi tái hôn thì không ai thờ phụng chồng, bởi chẳng có người chồng mới nào lại cho vợ mình lập ban thờ chồng cũ trong nhà để hương khói. Con trai tôi sống với bố dượng cũng chẳng thể làm tròn chữ hiếu với người cha đã khuất". Với quan niệm đó cộng thêm tình yêu son sắt với chồng, bà đã ở vậy nuôi con, hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi đứa con trai lấy vợ, sinh cháu đích tôn đầu lòng, bà vui mừng, nghĩ cuộc đời mình đã có hậu. Niềm vui chưa trọn thì con trai bà bị tai nạn giao thông và không qua khỏi. Nỗi đau ập đến lần thứ hai, bà tưởng như ngã gục, nhưng nhìn cô con dâu ôm đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi, bà gắng gượng mạnh mẽ thêm lần nữa. Bà cảm nhận rõ nỗi đau mà con dâu đang phải chịu không khác gì nỗi đau của mình hơn 20 năm về trước. Vì thế, bà thương con dâu thật lòng bởi sự đồng cảm trong nỗi đau xé lòng. Bà làm chỗ dựa, chăm sóc, động viên để con dâu vượt qua nỗi đau. Trước đây, bà thương con dâu một thì nay thương gấp trăm, gấp ngàn lần.

- Chính nhờ vào sự yêu thương của mẹ chồng mà tôi đã dần dần có thể gượng dậy để chăm sóc con. Những ngày tháng đau thương đó, mẹ chồng chăm sóc tôi còn hơn cả mẹ ruột. Từ trong sâu thẳm tôi vô cùng biết ơn bà và nguyện sẽ thay chồng chăm sóc bà thật tốt - cô kể.

Thế nhưng, cuộc sống của người vợ 24 tuổi góa chồng không dừng lại ở nỗi đau mất chồng và những nghĩa vụ đối với người đã khuất. Tuổi đời còn trẻ lại xinh đẹp, cô vẫn được nhiều người đem lòng yêu thương và ngỏ lời kết hôn. Mãn tang chồng, cô bắt đầu mở lòng để trái tim yêu trở lại. Trong thâm tâm cô nghĩ, việc tái hôn sẽ giúp cô vững vàng hơn trong cuộc sống, để có thể nuôi dạy con tốt và có điều kiện chăm sóc mẹ chồng. Bởi cô thấy mình không có bản lĩnh như bà trước đây để có thể sống một mình nuôi con trưởng thành và chăm sóc tuổi già cho bà. Cô nghĩ, nếu tái hôn sẽ chọn người đàn ông nào chấp nhận mẹ chồng cô như mẹ vợ, cùng cô chăm sóc phụng dưỡng bà khi về già. Và cô đã tìm được một người đàn ông có tấm lòng bao dung, đồng cảm, yêu cô và chấp nhận san sẻ trách nhiệm với gia đình chồng cô. Thế nhưng, mẹ chồng cô lại không nghĩ vậy.

Gọi hồn, yểm bùa để "giữ vợ" cho con trai

- Từ ngày biết tôi có ý định tái hôn, mẹ chồng thay đổi hoàn toàn. Bà vừa dùng tình yêu thương để níu kéo tôi không đi bước nữa, vừa làm đủ mọi cách để ngăn cản. Kể cả việc tìm đến các biện pháp mê tín dị đoan như gọi hồn con trai về "giữ vợ", tìm thầy yểm bùa ngải để ngăn cản tôi không đi lấy chồng - cô nói.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo lời cô, mẹ chồng nhiều lần khóc và cầu xin cô hãy cứ sống giống như bà đã và đang sống. Bà bảo, nếu ngày xưa, bà đi bước nữa thì chồng bà chẳng ai hương khói, con bà theo mẹ đến sống cùng bố dượng cũng chẳng thể thờ phụng cha. Vậy nên bây giờ cô đừng để con trai bà phải trở thành hồn ma không có vợ, đừng để cháu trai bà trở thành con trai của người khác, bỏ quên người cha đã khuất của mình. Cô đã khóc rất nhiều trước những lời đó của mẹ chồng. Ban đầu, cô cũng nghĩ hay cứ sống phận góa bụa để làm trọn đạo nghĩa với chồng, thế nhưng nghĩ đến quãng đời còn dài phía trước, trước những chông gai của cuộc đời, cần có người đàn ông để làm điểm tựa, cô lại xin phép mẹ chồng cho mình được tái hôn.

Mẹ chồng cô thấy không thể thuyết phục được con dâu bằng tình cảm, bèn nghĩ đến các giải pháp bùa chú, vì bà bảo mình không thể sống bất tử để lo hương khói cho con trai. Nếu không "giữ vợ" cho con, mai này bà mất đi sẽ không có ai làm việc đó. Vậy là bà tìm hiểu, dò hỏi rồi mời thầy về cúng bái, yểm bùa chú để con dâu không đi lấy chồng được. Mặt khác, bà tìm đến các đối tượng theo đuổi cô để "xua đuổi" họ, gây khó dễ nhằm khiến họ không thể đến với con dâu mình. Bà cũng lên tiếng cảnh báo con dâu nếu đi lấy chồng thì phải để cháu đích tôn lại, để sau này nó làm nhiệm vụ thờ phụng hương hỏa bố và ông bà tổ tiên. Cô không biết làm thế nào để mẹ chồng thông cảm và ủng hộ mình trong vấn đề này, trong khi tình cảm của hai mẹ con ngày càng xấu dần đi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chúng tôi nói với cô, vấn đề này cần phải gỡ dần dần từ nhiều phía. Về pháp luật, mẹ chồng không có quyền ngăn cản con dâu góa bụa tái hôn. Vì đó là quyền tự do hôn nhân của cô, và cô có thể dùng pháp luật để bảo vệ quyền đó của mình. Tuy nhiên, về mặt tình cảm, cô không nên dùng các biện pháp có tính chất "tuyệt tình" với mẹ chồng. Bởi dù sao, bà vẫn là bà nội của con trai cô, là mẹ chồng cũ, cô vẫn phải hành xử đúng tình, đúng nghĩa. Bởi nếu không, cô sẽ làm gương xấu cho con trai, ảnh hưởng đến tâm lý của con khi mẹ tái hôn. Trước mắt, cô hãy thuyết phục, đả thông tư tưởng cho mẹ chồng về việc mình sẽ không quên "nghĩa vụ" với chồng khi tái hôn. Căn nhà này vẫn là nơi thờ phụng chồng và cô sẽ có trách nhiệm trong việc hương khói cho anh. Người bạn đời mà cô tái hôn sẽ thấu hiểu và cùng chung tay có trách nhiệm với bà như mẹ vợ. Con trai cô dù có thêm một người cha mới khi mẹ tái hôn nhưng vẫn luôn yêu thương và khi lớn lên sẽ có nghĩa vụ với người cha đã mất, với ông bà tổ tiên. Mặt khác, cô có thể nhờ người thân, họ hàng khuyên giải thêm mẹ chồng để bà chấm dứt việc dùng bùa chú yểm con dâu. Bởi việc đó không những không ngăn cản con dâu tái giá, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Người già thương con, cả nghĩ về hậu vận, nhưng nếu họ được tháo gỡ từ nhiều phía thì sẽ vì con, vì cháu mà hy sinh tất cả. Là con dâu, bà đã từng yêu thương cô hết mực thì sẽ nghĩ lại cho cô trong vấn đề này, chỉ cần cô và người bạn đời mới biết cách làm cho bà yên tâm và tin tưởng rằng, họ sẽ trân trọng và không bỏ quên "người đã khuất".

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.