Phụ nữ nên chủ động như thế nào cho hợp lý?

Chia sẻ

Bí quyết để một người phụ nữ hôm nay có được cuộc sống gia đình hạnh phúc, công việc thuận lợi cũng như tạo được hình ảnh trong xã hội… tất cả đều cần sự chủ động.

Từ việc quan sát cuộc sống xung quanh đến theo dõi các chương trình trên truyền hình, trên mạng xã hội facebook, người viết bài này nhận ra xu hướng sống đơn thân ở phụ nữ ngày nay ngày càng tăng. Có muôn vàn lý do không vui để đưa họ đến với lựa chọn như thế. Phải chăng, vì cuộc sống hôn nhân trong xã hội hiện đại quá ngắn ngủi nên vừa mới đây thôi, gia đình, bạn bè còn chúc họ “trăm năm hạnh phúc” thì hôm nay họ đã phải quen với “buông bỏ”, với “độc lập” vì trăm ngàn mâu thuẫn gia đình không thể cứu vãn. Có phải đã và đang có quá nhiều người đàn ông vô trách nhiệm với gia đình, quen thói trăng hoa, vũ phu để rồi cực chẳng đã vợ con họ mới phải dứt áo ra đi?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong nhiều lần ngồi café tán chuyện với đám bạn nữ từ ngày đi học, nếu được họ cho phép nói một lời khuyên nhủ chân thành thì tôi đều khuyên họ: hãy chủ động, chỉ có chủ động mới an toàn và hạnh phúc. Con cái là báu vật, kinh tế là con thuyền và bản thân mình phải là người chèo lái.

Sau những cuộc nói chuyện ấy, có lúc tôi cảm thấy ân hận: Có phải mình đã quá lời khi khuyên các bạn gái như thế không? Trong khi cuộc hôn nhân của họ vẫn có thể níu kéo, gia đình họ vẫn có thể hàn gắn và dường như với người phụ nữ bao giờ họ cũng cần một người chồng. Một người chồng có thể không lý tưởng nhưng vẫn là chỗ dựa vững chắc để phụ nữ an tâm về tinh thần. Với giới nữ đôi khi chỗ dựa ấy còn quan trọng hơn việc kiếm tiền bạc hay công danh, địa vị xã hội.

Nhưng rồi theo năm tháng tôi nhận ra, cho dù chẳng có lời khuyên của mình thì những người phụ nữ không quá may mắn trong hôn nhân vẫn biết cách chủ động trong cuộc sống. Lắm khi lướt face, tôi thấy khá nhiều phụ nữ post (đăng) ảnh với điểm nhìn sau vô lăng xe hơi - một chi tiết đơn giản nhưng cho thấy sự thay đổi trong cuộc sống của người phụ nữ hôm nay. Thay vì ôm con ngồi ghế phụ, nhất nhất theo sự chỉ đạo của chồng, họ giờ đây đã là người buôn đất, bán nhà, đổi xe, nâng ly với đối tác, lập cơ sở kinh doanh, gom hàng… không gì là phụ nữ không thể.

Sau tất cả những điều đó, câu hỏi được đặt ra là những người đàn ông -nửa còn lại của thế giới này - đang nghĩ gì về họ? Biết đâu, chính sự chủ động ấy của phụ nữ cũng là một phần nguyên nhân khiến những gia đình Á Đông đang rạn nứt khi vị thế người chồng có nguy cơ bị lung lay? Biết đâu, chính từ những lần nâng ly trong xu thế quảng giao ấy, nhiều người phụ nữ đã không giữ được mình mà trở nên buông thả đánh mất hạnh phúc gia đình? Nếu quả thật như thế, mặt trái của sự chủ động này cũng thật đáng sợ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thật khó đưa ra một mẫu hình gia đình hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại. Có lần tôi đến nhà chị họ, là con riêng của bác tôi với người vợ đầu đã quá cố, thấy chị làm ăn rất khá, trong khi anh chồng thì cục mịch hiền lành. Khi hai chị em đang ngồi nói chuyện thì thấy cháu lớn dắt chiếc xe máy định đi chơi, chị tôi nghiêm mặt nhắc: “Con muốn đi đâu thì phải vào xin phép bố rồi hãy đi!”. Cậu con trai có vẻ phụng phịu: “Thì mọi khi con vẫn hỏi mẹ là được chứ gì?”. Chị tôi nghiêm mặt giảng giải: “Mọi khi bố đi làm xa, các con xin phép mẹ là được.

Nhưng khi bố ở nhà, con phải hỏi bố. Bố là chủ gia đình, là người che chở cho mẹ con mình. Các con phải tôn trọng bố”. Chỉ qua một ứng xử rất nhỏ như thế tôi đã hiểu ra vì sao một người phụ nữ xinh đẹp, thành đạt trong kinh doanh như chị mà vẫn giữ được gia đình hạnh phúc. Bằng sự khéo léo, chân thành, chị khiến cho anh rể tôi không bị rơi vào sự tự ti, không có cảm giác mình là kẻ yếu thế. Lúc đó tôi mới nhớ ra, trước đây khá nhiều lần chị từng kể với tôi: Chị khuyên anh trong công việc đừng nhận ân huệ của ai để mà vướng mắc khó ăn khó nói. Chị nói thật lòng: “Chị bảo với anh cậu là: anh đi đâu gặp bạn bè muốn nhậu nhẹt giao lưu cứ đến nhà hàng này, nhà hàng kia… sau rồi nếu anh không mang theo đủ tiền thì anh bảo em. Em sẽ ra thanh toán chứ anh đừng để ai móc ví ra chi rồi sau này lúc họ nhờ vả lại khó cho vị thế của anh”.

Chị họ tôi có thể là người phụ nữ khá lý tưởng, có thể chị đã quá thấu hiểu những nguy cơ rạn nứt trong gia đình hiện đại nên mới tìm ra được những cách ứng xử hợp lý như vậy. Từ góc nhìn của một người đàn ông, người viết bài này cho rằng dù sống trong thời đại nào, với hoàn cảnh kinh tế nào, người chồng vẫn là chỗ dựa tinh thần của người phụ nữ. Hạnh phúc gia đình bao giờ cũng là một điều cần thiết mà chúng ta luôn muốn gìn giữ. Bởi thế, nếu biết khéo léo điều chỉnh, biết tìm ra cách để dung hòa giữa hạnh phúc và công việc, giữa sự chủ động của bản thân với vị thế của một người vợ thì vẫn có thể tìm ra tiếng nói chung giữa hai người.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi còn nhớ có một chi tiết khá hài hước. Cách đây chừng mười năm, trong một lần đèo cô bạn học bằng xe máy, khi ngồi sau tay lái của tôi cô liên tục chỉ trỏ ra hiệu lệnh. Hỏi ra thì tôi mới biết đã lâu lắm cô không ngồi sau xe ai và những khi cầm lái đã từng “hạ cánh” xuống đường không ít lần chứ không phải “tay lái lụa” gì cho cam. Chuyện vui đó gợi cho tôi suy nghĩ: Nếu bấy lâu nay người phụ nữ quen chèo lái gia đình thì khi phải chứng kiến người chồng vụng về, lóng ngóng họ sẽ rất bực bội, thậm chí nảy sinh tâm lý coi thường. Sự “ngứa mắt” ấy là điều dễ hiểu nhưng lại không dễ dàng điều chỉnh, thay đổi được. Bởi vậy, người phụ nữ phải thật sự yêu, phải thật sự thấu hiểu để chấp nhận một người đàn ông dẫu không giỏi giang bằng mình nhưng lại có sự chân thật, sự thành ý vun đắp cho cuộc sống gia đình thì mới có hạnh phúc thực sự.

Người phụ nữ chủ động trong cuộc sống là người phụ nữ giỏi giang và hết sức vất vả khi phải gánh vác nhiều trách nhiệm. Bởi thế, nếu sau lưng họ là một khoảng không trống trải thì sẽ rất mệt mỏi, căng thẳng. Dù lòng tự trọng, dù sự cơ cực không cho phép họ thốt ra lời than thở về sự yếu mềm, sự cô đơn thì chính những người đàn ông chúng ta phải chủ động thấu hiểu để trân trọng họ, cũng chính là chủ động chúng ta đang gìn giữ hạnh phúc cho gia đình.

Phụ nữ càng chủ động, càng tạo nên vị thế mới trong cuộc sống hiện đại, mong rằng những điều đó sẽ đem lại hạnh phúc cho mỗi ngôi nhà và cho cuộc sống này.

LƯƠNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.