Chùa Mía - Danh lam nổi tiếng xứ Đoài

Chia sẻ

Chùa Mía tên chữ là “Sùng nghiêm tự” cách thủ đô Hà Nội chừng 45km về phía Tây. Chùa được xây dựng trên một quả đồi nằm giữa làng Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Khách đến vãn cảnh chùa vừa đi qua khu chợ Mía đông vui là thấy cửa Tam quan. Tầng trên của Tam quan treo quả chuông cổ đúc từ đời Lê (năm 1745) và chiếc khánh đồng đúc đời Nguyễn (năm 1846). Sát Tam quan có một cây đa cổ thụ cành lá sum suê, rễ cây tua tủa bám sâu vào lòng đất, có lẽ cây đã sống đến mấy trăm năm tuổi.

Chùa Mía - Danh lam nổi tiếng xứ Đoài - ảnh 1

Đỉnh đồi cùng ngọn đa cổ thụ là tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa. Tòa tháp mới được xây dựng để thờ vọng Xá Lợi Đức Phật, cũng là ngọn bút kình thiên và trấn giữ cho mạch văn ở làng quê Đông Sàng. Lần theo lối đi lát gạch cổ là đến Bát Nhã môn vào nội điện. Khu nội điện gồm Tiền đường, Đại Hùng Bảo điện, Thượng điện… được cấu trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trông thật bề thế. Bề ngoài là Tiền đường cao ráo, nơi để khách thập phương dừng chân soạn lễ, chỉnh đốn tư trang trước khi lên chính điện lễ Tam Bảo. Gần đây nhà chùa đặt thêm ban thờ Mẫu. Phía trái Tiền đường dựng một tấm bia lớn đặt trên lưng rùa, ghi rõ niên đại Đức Long thứ 6 (1632) đời Lê. Đây là một tấm bia có kích cỡ lớn nhất, niên đại cổ nhất ở khu vực chùa. Trán bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt. Phía dưới là đài sen rực rỡ. Nét khắc mềm mại uyển chuyển, càng làm tăng thêm vẻ uy nghi của những hàng chữ Hán đang tung hoành ngang dọc trên bia. Bên trong là tòa Đại Hùng Bảo điện đồ sộ. Tượng thờ được bài trí trang nghiêm, khói hương nghi ngút đan quyện. Trong cùng là Thượng điện, nơi đặt tòa kim cương của Tam Thế Phật, hai bên là tả hữu hành lang thờ mười tám vị La Hán.

Chùa Mía hiện lưu giữ nhiều pho tượng nghệ thuật nhất Việt Nam. Tượng Phật ở chùa Mía không chỉ đặc sắc về hình dáng, mà còn phong phú về số lượng. Trong chùa hiện thờ 287 tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng mộc và 174 tượng thổ. Mỗi tượng một vẻ, tượng nào cũng tạo ra một kiểu dáng sống động, màu sắc hài hòa. Từ cử chỉ của ngón tay đến ánh nhìn của khóe mắt đã cho khách viếng thăm thấy được nét độc đáo mà từ bi. Đáng lưu ý là một số pho tượng như pho Tuyết Sơn, tượng bá Đại Hòa thượng, tượng Bồ Tát Nam Hải Quan Thế Âm được phục dựng trong động đá khiến không ít du khách ngỡ ngàng và thích thú bởi sự tinh tế và sống động của tượng rất hài hòa với những nhũ đá rủ xuống, những mỏm đá cheo leo như thật ngoài đời. Các tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng Tứ Bồ Tát, tượng 2 Thái tử Thiện Hữu, Ác Hữu, tượng Bà Chúa Mía. Pho tượng Tuyết Sơn tượng trưng cho Đức Phật khi tu khổ hạnh ở Khổ Hạnh Lâm vừa rất gần gũi với chúng sinh, lại vừa rất cao siêu mà muôn kiếp người thường không thể đạt tới được.

Chùa Mía - Danh lam nổi tiếng xứ Đoài - ảnh 2

Thuở ban đầu, chùa có quy mô nhỏ, được xây dựng từ xa xưa. Năm 1632, cung phi trong phủ chúa Trịnh Tráng là Ngô Thị Ngọc Diệu (Nguyễn Thị Ngọc Dong) thấy nơi đây hoang phế nên đã bán hết tư trang dành toàn bộ số tiền bạc mình tích lũy được cùng cha mẹ và thiện nam tín nữ các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Toàn… góp công của cùng nhau tôn tạo chùa. Cung phi Ngọc Dong vốn là người làng Nam Nguyễn trong Tổng Mía, được người đời mến mộ gọi là "Bà Chúa Mía", tạc tượng bà đưa vào phối thờ ở chùa và còn có đền thờ riêng. Chùa được tu bổ nhiều lần, song đến nay quy mô tôn tạo thời Bà chúa Mía dường như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Các tòa Tam quan, Chính điện, Thượng điện, Nhà Tổ, hành lang san sát nối kề, trong ngoài bao bọc, ngang dọc đan xen, tọa dáng thành hình chữ Mục. Hệ thống tượng Phật cùng với công trình kiến trúc chùa Mía đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin đánh giá là Di tích đặc biệt quan trọng của cả nước. Hiện nay nhà chùa cùng với địa phương được sự giúp đỡ chỉ đạo của ngành văn hóa thông tin đang từng bước tôn tạo để cho chùa Mía xứng đáng với vị trí đặc biệt quan trọng mà Bộ Văn Hóa Thông Tin đã tôn vinh.

THÁI DŨNG (Biên soạn và tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.