Có kịp thức tỉnh?

Chia sẻ

Tôi biết một người phụ nữ hơn mình chừng năm tuổi. Chị là bạn học từ nhỏ của anh trai tôi. Thường thì với những người như thế, tôi luôn kính trọng và cũng rất ít khi để tâm đến cuộc sống đời thường của họ. Nhưng lần này thì dù không muốn nghe, những chuyện xung quanh chị ta cứ dội vào tai tôi với những điều chẳng vui vẻ gì…

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nên học hết lớp 12, chị không được đi đại học mà phải đi làm công nhân ở một cơ sở chế biến nông sản gần nhà. Thế rồi, sau một lần gặp lại bạn cũ, bố của chị đã xin được cho con gái vào làm tạp vụ ở một cơ quan nhỏ. Vốn có ngoại hình ưa nhìn lại khéo ăn nói, ngay từ buổi làm việc đầu tiên, chị đã được nhiều chàng trai để ý. Trong đó, có một anh chàng kỹ sư vừa ra trường thuộc dạng mọt sách nhưng đẹp trai, gia đình cơ bản. Đặc biệt anh có kinh tế vào loại khá trong cơ quan. Được sự vun đắp của bạn bè, anh em đồng nghiệp, hai người nhanh chóng đi đến hôn nhân. Để tạo điều kiện cho cả hai yên tâm công tác lâu dài, lãnh đạo cơ quan đã bố trí sắp xếp cho chị vừa làm vừa có thời gian theo học một khoá đại học tại chức. Cũng trong những ngày tháng đó, hai vợ chồng chị đón cậu con trai đầu lòng ra đời. Sau khi tốt nghiệp, chị được bố trí làm văn thư, anh chồng được bổ nhiệm chức phó phòng. Cuộc sống của họ dần khấm khá hơn. Hai anh chị đã mua được nhà mới, mua được xe hơi, con trai được gửi vào học ở một trường mầm non tư thục chất lượng cao của thành phố.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Những tưởng có một cuộc sống như thế, chị sẽ rất chuyên tâm vào công việc cơ quan và chăm lo cho gia đình của mình. Thế nhưng, hình như với người phụ nữ này thì tất cả những điều ấy vẫn chưa đủ. Sẵn cái vẻ đẹp “chết người” của “gái một con”, trong một lần tổ chức giao lưu, chị đã khiến cho một ông trưởng phòng ở chi nhánh ngân hàng nọ “say nắng”. Bình thường thì chuyện “say nắng”, “phải lòng” của giới văn phòng cũng chẳng có gì lạ lẫm. Thậm chí, giữa hai người có xảy ra những cuộc tình lén lút, vụng trộm kiểu “phở trưa” rồi chồng nào lại về vợ ấy, lại như chưa hề có gì xảy ra cũng không hiếm. Nhưng với chị thì không, bởi chị là người thật sự mãnh liệt trong chuyện ân ái. Một khi bản năng tình ái đã được người đàn ông đáng tuổi chú kia “thắp lên” thì khó lòng dập tắt được. Thế là, bất chấp tất cả, chị quyết tâm bằng mọi giá bỏ chồng, từ bỏ gia đình yên ấm để dứt áo ra đi chỉ với tài sản duy nhất là đứa con trai.

Sau phiên toà ly hôn chóng vánh, anh chồng vì nhiều lý do đã xin chuyển đến một cơ quan khác, cuộc sống của hai người cứ thế trôi đi lặng lẽ. Dần dần, đồng nghiệp, bạn bè cũng chẳng còn mấy ai quan tâm đến câu chuyện đó nữa. Anh chồng cũ thì lao vào công việc và kiếm tiền để chu cấp cho con trai. Nhiều lần tôi vẫn bắt gặp anh đưa con đi chơi công viên vào ngày Chủ nhật. Tôi biết anh vẫn tìm giáo viên tốt cho con học thêm. Còn chị ta thì thuê rồi mua một căn nhà nhỏ có đầy đủ tiện nghi, vẫn tiếp tục ăn diện, sắm sửa với cuộc sống khá sang chảnh bằng khoản tiền chu cấp của anh bồ già.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bẵng đi một thời gian, bất ngờ một hôm, tôi nghe được tin chị đang lâm bệnh nặng. Nhưng điều mà tôi bất ngờ hơn là thay vì sự thương cảm, lo lắng thường thấy trước một người bệnh thì nhiều người lại tỏ ra thờ ơ. Họ cho rằng đó là cái kết được báo trước, là sự hiện hữu của quy luật nhân quả, luật trả vay… Hoá ra bấy lâu nay, không chỉ riêng sự việc xảy ra trong hôn nhân mà ngay cả trong quan hệ với đồng nghiệp hàng ngày chị cũng để lại nhiều tiếng xấu. Nghe nói, chị từng gây ra những vụ “gài bẫy”đồng nghiệp, gièm pha, hớt tay trên, lươn lẹo… “gây thù chuốc oán” với rất nhiều người, trong đó có cả những ân nhân của mình. Trong khi, cậu con trai dù được bố quan tâm học hành, chu cấp tiền bạc nhưng vì sống với mẹ nên bị ảnh hưởng những điều xấu từ mối quan hệ ngoài luồng, cộng thêm sự nuông chiều của mẹ thành ra hư hỏng. Hết lớp 12, cậu không thi đỗ trường nào, cũng chẳng đi học nghề gì mà chỉ đòi mẹ đầu tư cho quần áo, xe cộ để giao du với bạn bè.

Khi bệnh của chị chuyển nặng, điều bất ngờ là ông bồ của chị giờ không dám đến chăm sóc chị nữa. Nghe bảo giờ ông đã về nghỉ chế độ, bị vợ và các con kiểm soát chặt chẽ nên ít khi được ra ngoài lâu. Người chồng cũ thì giờ đã tìm thấy hạnh phúc mới và có một gia đình mới hạnh phúc. Cậu con trai luôn lấy cớ bận này nọ để không phải đến chăm sóc mẹ hàng ngày vì còn tranh thủ đàn đúm khi mẹ vắng nhà. Hàng ngày, ngoài mẹ già và mấy đứa em thi thoảng tạt qua thì chẳng có ai ở bên động viên chị. Mặc dù, chị có một khoản tiền lo chữa trị nhưng chắc hẳn điều mà một người bệnh cảm thấy chua chát chính là sự cô đơn. Sự cô đơn của của một người đã quá nhiều toan tính và tham lam. Chị nhận ra, những người đồng nghiệp trong cơ quan đến thăm hỏi như một thủ tục cho phải phép, bạn bè né tránh bởi họ đã “lĩnh đủ” những cú “đâm sau lưng” của chị. Những gã đàn ông ngày thường ve vãn, nịnh nọt thì giờ đều cao chạy, xa bay để tìm một bóng hồng khác. Thằng con trai chị thì cả tháng trời cũng chưa được nhìn thấy mặt.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Với một người đang điều trị bệnh tật, nỗi cô đơn ấy thật khủng khiếp. Nỗi cô đơn của một người có đầy đủ những phẩm chất như nhan sắc, sự may mắn trong hôn nhân, trong công việc, sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp nhưng đã quá tham lam để rồi trắng tay.

Chẳng biết rằng trước hoàn cảnh này, chị có ngộ ra được điều gì thấm thía để thức tỉnh hay không? Hay chị vẫn coi đó là sự đen đủi, là sự thiếu may mắn hoặc oán trách số phận, oán trách những người xung quanh? Câu trả lời ấy vẫn còn bỏ ngỏ với chị và những ai đã và đang có suy nghĩ đó.

LÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.