Quy định về an toàn cháy, nổ với gia đình kinh doanh tại nhà

Chia sẻ

Hàng xóm nhà tôi buôn bán giấy in, văn phòng phẩm, do nhà chật nên họ kết hợp kinh doanh và nấu nướng tại tầng 1. Tôi rất lo ngại về việc có thể xảy ra cháy nổ.

Câu hỏi:

Xin báo Phụ nữ Thủ đô cho biết những quy định, điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh? Cơ quan nào có chức năng giám sát/kiểm tra việc phòng cháy chữa cháy nêu trên và việc kiểm tra, quy trình kiểm tra được thực hiện như thế nào?

Hoàng Minh Chính (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trả lời

Thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như một số tỉnh thành khác đã xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản. Sau mỗi một vụ cháy xảy ra, cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra nguyên nhân của từng vụ cháy, và đều đưa ra một bài học sâu sắc: Nếu như mỗi một người dân đều có ý thức và kỹ năng PCCC thì sẽ không có những sự việc đáng tiếc, thiệt hại lớn về con người và tài sản đến như vậy.

Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình, theo khoản 1 Điều 17 Luật PCCC Hợp nhất số 17/VBHN-VPQH ngày 13/12/2013: Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn, các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh thì ngoài những quy định về điều kiện an toàn về PCCC trong khoản 1 Điều 17 nêu trên, còn phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC sau đây theo quy định tại Điều 7, khoản 2 Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020, có hiệu lực từ 10/01/2021:

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“…

b). Có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

c). Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh…”

Các điều kiện an toàn về PCCC nêu trên phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Người đứng đầu cơ sở kinh doanh có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCC thường xuyên, định kỳ 6 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra.

Hộ gia đình vừa ở kết hợp với sản xuất kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh từ 300m2 trở lên thuộc danh mục cơ sở do cơ quan Công an quản lý; Đồng thời có trách nhiệm kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần. Diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2 do UBND xã quản lý. (Căn cứ Phụ lục III kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020).

Thủ tục kiểm tra: Căn cứ vào Điều 16 của Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì đối với trường hợp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, các cơ sở cần kiểm tra thuộc thẩm quyền của cấp xã và cấp huyện thì trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 3 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra. Khi tổ chức kiểm tra về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở do cấp dưới quản lý thì phải thông báo cho cho cấp quản lý cơ sở đó biết. Trường hợp cần thiết thì yêu cầu cấp quản lý cơ sở đó tham gia đoàn kiểm tra, cung cấp tài liệu và tình hình liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy của cơ sở được kiểm tra. Kết quả kiểm tra được thông báo cho cấp quản lý cơ sở biết.

Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra khi thực hiện kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi thực hiện công tác kiểm tra đột xuất phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý.

Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ một năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các đối tượng trong phạm vi mà mình quản lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư TRẦN THU THỦY

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.