Bài 3: Phát triển gia đình văn hóa trong quá trình hội nhập

Chia sẻ

Hội nhập toàn cầu đã hình thành xu hướng hôn nhân đa quốc tịch và tạo nên những gia đình đa văn hóa bên cạnh gia đình thuần Việt truyền thống. Làm gì để giữ gìn văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt trong bối cảnh đa văn hóa là vấn đề đang đặt ra cho công tác gia đình trong tình hình mới.

Ảnh cưới Việt-Hàn của vợ chồng chị Trần Thị Luyên và anh Lee Chang Min Ảnh: NVCC

Ảnh cưới Việt-Hàn của vợ chồng chị Trần Thị Luyên và anh Lee Chang Min Ảnh: NVCC

Giữ nếp gia đình Việt trong gia đình đa văn hóa

Vợ chồng bà Phạm Thị Thanh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) chung sống cùng vợ chồng con trai là anh Phạm Việt Cường (sinh năm 1984) và Veronika Klimenko (thường gọi là Nika, sinh năm 1988, quốc tịch Nga). Khi đang là sinh viên trường ĐH Hà Nội, Nika gặp gỡ và hẹn hò với Phạm Việt Cường - chàng phóng viên báo Sinh viên Việt Nam. Khi nghe Cường tâm sự với mẹ rằng, anh đang yêu cô bạn gái người nước ngoài, bà Vân bất ngờ và cho rằng sự khác biệt văn hóa, ứng xử, quan điểm sống và cá tính của các cô gái Tây có thể gây sóng gió cho hôn nhân sau này. Nhưng, tình yêu của đôi trẻ đã chinh phục được trái tim người lớn.

Làm dâu trong gia đình Việt Nam, sống với bố mẹ chồng là một áp lực rất lớn đối với Nika. Tuy nhiên, cả gia đình chồng và con dâu đã tìm được điểm chung trong cuộc sống bên cạnh sự khắc biệt giữa hai nền văn hóa khác nhau. Bà Vân bảo con dâu đã cố gắng rất nhiều để hoà hợp với văn hoá gia đình Việt. Đặc biệt, kỹ năng chăm sóc chồng, con của con dâu khiến bà rất “nể”. Nika tự học nấu các món ăn Việt để nấu cho cả gia đình. Thỉnh thoảng, trong nhà bà lại có những bữa cơm mang đậm văn hóa Nga bên cạnh những bữa cơm gia đình Việt.

Với vợ chồng chị Trần Thị Luyên (sinh năm 1988, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bí quyết giữ hạnh phúc với người chồng người nước ngoài là sự trao đổi văn hoá giữa hai nước. Chị Luyên kết hôn với anh Lee Chang Min (quốc tịch Hàn Quốc) khi anh sang Việt Nam làm việc. Anh chị kết hôn 5 năm, có hai con. Dù cả hai đã có thời gian tìm hiểu kỹ về văn hoá, ứng xử, lễ nghi giữa hai quốc gia trong thời gian yêu nhau, nhưng khi về chung sống, vợ chồng chị Luyên cũng gặp không ít trở ngại. Hai vợ chồng chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh. Sau khi kết hôn, để có thể trò chuyện với họ hàng nội - ngoại, cả hai vợ chồng phải tự học tiếng của nhau. Vợ chồng chị sống ở Việt Nam, mỗi năm, anh chị sắp xếp thời gian về Hàn Quốc thăm bố mẹ chồng khoảng 1 tháng.

“Anh ấy dạy tôi những từ cơ bản của tiếng Hàn Quốc, còn tôi hướng dẫn anh ấy học tiếng Việt. Gia đình tôi giống một lớp học tiếng mỗi ngày để các con có thể nói hai thứ tiếng như tiếng mẹ đẻ” - chị Luyên chia sẻ.

Gia đình bà Vân và gia đình chị Luyên là hai trong số các gia đình đa văn hóa hình thành trong xu thế hội nhập của Việt Nam và thế giới.

Những va chạm văn hóa trong gia đình

Bàn về vấn đề đa văn hóa trong gia đình Việt hiện nay, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng: Cùng với xu thế phát triển của xã hội, văn hóa trong gia đình cũng có những thay đổi từ các thành viên do quan hệ hôn nhân giữa các vùng miền, các quốc tịch có nền văn hóa khác nhau. Do vậy, trong mỗi gia đình, văn hóa truyền thống đang có sự giao thoa phong phú của các vùng miền, các quốc gia trên thế giới. Tất cả những điều đó đã hội tụ trong gia đình, phù hợp với xu thế của thời đại.

Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, gia đình đa văn hóa là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế. Gia đình đa văn hóa của Việt Nam là một chỉ báo của sự hội nhập của văn hóa Việt Nam đối với văn hóa thế giới. Càng nhiều gia đình đa văn hóa thì có nghĩa chúng ta càng hội nhập sâu với thế giới. Hiện tượng này chắc chắn dẫn đến những sự thay đổi của xã hội, mang lại cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, các thành viên gia đình đến từ các nền văn hóa khác nhau có thể chia sẻ quan điểm khác nhau, cách suy nghĩ, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, món ăn khác nhau, sở thích về văn hóa nghệ thuật khác nhau… Cách này giúp cho con người ta mở rộng tâm trí hơn. Nhiều nhà khoa học cho rằng gia đình đa văn hóa đã khai sáng, cho phép các thành viên trong gia đình tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, từ đó hình thành nên sự khoan dung, ủng hộ và tôn trọng những khác biệt - một trong những nguyên tắc đạo đức cần có trong thế giới hiện đại.

Khía cạnh tiêu cực, nó có thể sẽ xảy ra sự xung đột văn hóa. Vì theo các quan điểm khoa học, việc kết hôn của hai người thuộc hai nền văn hóa khác nhau sẽ tạo ra cú sốc hay va chạm văn hóa. Không phải cú sốc hay va chạm văn hóa nào cũng được điều tiết một cách phù hợp, mà đôi khi, nó sẽ làm cho văn hóa của một gia đình, hay rộng hơn là của xã hội có những thay đổi theo hướng nhất định nào đó.

Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, những va chạm trong các gia đình đa văn hóa còn gây nên hậu quả không nhỏ đối với gia đình lẫn xã hội khi các cuộc hôn nhân với người nước ngoài không hạnh phúc. Đánh giá của tổ chức Di cư quốc tế IOM tại Hội thảo “Kết nối mạng lưới - Lan tỏa yêu thương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức đầu năm 2021 cho thấy, Việt Nam là nước có tỷ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài cao, nhưng cô dâu Việt Nam cũng có tỷ lệ cao thứ 2 trong việc nộp đơn ly hôn (tỷ lệ ly hôn trung bình khoảng 30%). Khi hôn nhân đổ vỡ, một số cô dâu Việt trở về quê hương gặp nhiều khó khăn trong tái hòa nhập với cộng đồng do bị kỳ thị, không có việc làm, tình trạng pháp lý hôn nhân không rõ ràng. Tỷ lệ thống kê cứ 10 phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài thì có 3 người chưa hoàn tất thủ tục ly hôn. Nhiều trẻ em được sinh ra từ những cuộc hôn nhân đa quốc gia cũng gặp khó khăn trong việc xác định tư cách pháp lý, tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, giáo dục.

Để gia đình đa văn hóa cũng là gia đình Việt

Trong xu thế hội nhập, sự phát triển của gia đình đa văn hóa là tất yếu và có xu hướng gia tăng. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm gì giữ gìn văn hóa tốt đẹp khi mà gia đình Việt hiện nay đang đối diện với vấn đề đa văn hóa. Và, làm thế nào để gia đình đa văn hóa cũng là gia đình Việt.

Ông Khuất Văn Quý cho biết: Trong Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng đánh giá những thách thức của gia đình trong tình hình mới. Đó là những mâu thuẫn trong cách đối xử của các thế hệ trong một gia đình, việc kết hôn với người nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng đa văn hóa, sẽ có thể một phần nào đấy làm cho văn hóa trong gia đình hòa tan. Mối quan hệ trong gia đình bị lỏng lẻo, sự kết nối không còn, có hiện tượng truyền thống văn hóa trong gia đình Việt bị mất đi, không còn trở lại nét đẹp truyền thống mà từ xưa cha ông ta đã xây dựng. Nó ảnh hưởng đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã xác định đây là vấn đề cấp bách và cần giải quyết trong giai đoạn hiện nay.

Về giải pháp, ông Khuất Văn Quý cho rằng cần có một số giải pháp sau: Thứ nhất, cùng với việc tiếp nhận và phát triển văn hóa mới, chúng ta phải luôn duy trì và kế thừa văn hóa truyền thống tốt đẹp. Thứ hai, nâng cao vai trò của nhà nước trong việc điều tiết các mối quan hệ trong gia đình, để làm sao chúng ta có những chính sách vừa phát huy văn hóa truyền thống, vừa vận dụng linh hoạt mềm dẻo giữa văn hóa mới và cũ để quá trình phát triển không bị đứt đoạn. Thứ ba, phát huy nguồn nội lực về công tác gia đình có kết hợp các nguồn xã hội hóa, cũng như quốc tế hóa trong lĩnh vực này, để chúng ta có những giải pháp tốt giữ được nền văn hóa của Việt Nam.

Ở góc độ quản lý, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao quản lý nhà nước về công tác gia đình vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, Nghị quyết 81 của Chính phủ, xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng giải pháp hướng đến là nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với việc kết hôn với người nước ngoài. Nhận thức của xã hội đối với những gia đình đa văn hóa trong bối cảnh hiện nay là phải nhìn nhận họ như những gia đình người Việt Nam bình thường. Họ phải có địa vị bình đẳng, được tham gia sinh hoạt, được chia sẻ như tất cả những gia đình Việt Nam khác.

Bên cạnh đó nhà nước cần hoàn thiện thể chế luật pháp. Ví dụ như luật Hỗ trợ các gia đình đa văn hóa. Đây không phải là vấn đề mới và chúng ta có thể tham khảo trường hợp của Hàn Quốc. Năm 2017, Hàn Quốc có 500.000 gia đình đa văn hóa và họ đã có một bộ luật như thế. Hay, chúng ta sửa đổi Luật Quốc tịch để làm sao các gia đình đa văn hóa hội nhập tốt hơn tại nước chúng ta. Ngoài ra, chúng ta cần có các cơ sở, các thiết chế nhất định để giúp cho các gia đình đa văn hóa ở Việt Nam, ví dụ như trung tâm hỗ trợ các gia đình đa văn hóa.

(Còn tiếp)

"Theo Thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có 18.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó 72% là nữ và chủ yếu kết hôn với người Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Ngoài số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài sinh sống cùng chồng/vợ sau khi kết hôn, còn có một bộ phận sinh sống tại Việt Nam, tạo nên những gia đình đa văn hóa tồn tại song song với gia đình thuần Việt. Đây là vấn đề đang đặt ra cho công tác gia đình trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

THU HÀ - HỒNG NHUNG

 

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.