Một cách “ để của cho con “ của cha tôi

Chia sẻ

Cha tôi, GS. Dương Quảng Hàm (1898-1946), Hiệu trưởng đầu tiên của trường Bưởi, người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu Văn học sử. Gia đình tôi có 8 anh chị em, 4 trai, 4 gái đều thành đạt. Có được điều này là nhờ tư tưởng tiến bộ, tôn trọng phụ nữ, luôn tạo điều kiện cho các con gái có cơ hội phát huy hết khả năng của cha tôi.

Trong gia đình tôi, các con trai, con gái luôn được cha mẹ đối xử công bằngTrong gia đình tôi, các con trai, con gái luôn được cha mẹ đối xử công bằng (Ảnh: NVCC)
Sở dĩ tôi đặc biệt nhắc đến các chị gái là vì các chị đều lớn lên vào lúc Cách mạng tháng Tám chưa thành công, xã hội còn ảnh hưởng tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ nặng nề, con gái không được học hành tử tế. Rất ít gia đình tất cả các con gái sau này đều trở thành những trí thức thành đạt như 4 chị trong gia đình tôi.

Gia đình tôi là một gia đình trung lưu, cha dạy học, mẹ có cửa hàng buôn bán. Gia đình sống trong nền nếp Nho giáo chặt chẽ như nhiều gia đình Hà Nội thời đó. Từ bé cha mẹ tôi đã dạy các con phải biết thưa gửi, ăn uống phải từ tốn, khi ra khỏi nhà phải xin phép bố mẹ.

Mẹ tôi là người buôn bán giỏi, vừa chăm lo kinh tế vừa đảm nhiệm chu đáo mọi sinh hoạt gia đình kể cả lễ Tết, cúng ngày Rằm và mồng Một. Cha tôi là một nhà giáo say mê nghiên cứu văn học, suốt ngày miệt mài làm việc. Cha mẹ tôi sống với nhau rất hoà thuận, không to tiếng với nhau bao giờ. Họ đã làm gương cho con về hình mẫu một gia đình hạnh phúc, nơi các con được vui sống trong tình yêu thương.

Cha tôi rất coi trọng việc học hành của 4 con gái cũng như 4 con trai không hề có phân biệt đối xử. Bề ngoài ông luôn có thái độ nghiêm nghị nhưng khoan dung, không to tiếng, không đánh mắng con nhưng các con đều rất kính nể ông. Chị Lê Thi kể có lần chị trình Sổ liên lạc gia đình học đường của mình cho ông ký nhưng lần đó kết quả học tập của chị bị sút hơn thường lệ. Ông xem sổ xong rồi chỉ ngửng lên hỏi: "Sao mà lại học thế hả con?". Vậy mà lúc đó chị thấy xấu hổ vô cùng và đã tự hứa phải nỗ lực học để bố hài lòng. Cha tôi phân công cứ một anh hoặc một chị lớn lại kèm một em nhỏ nên ông không mất nhiều thời gian với việc học của các con. Tác phong làm việc cần cù, lối sống giản dị, thái độ ôn hoà của ông luôn là tấm gương để các con noi theo.

Các chị tôi đều được đi học ở trường Đồng Khánh và học giỏi. Chị cả tôi Dương Thị Ngân sau khi tốt nghiệp bằng diplome ở trường Đồng Khánh được cha tôi cho học tiếp lên cao ở trường Bưởi để lấy bằng Tú Tài. Chị Dương Thị Thoa là học sinh xuất sắc nhất trường đã được giải thưởng của Toàn quyền Đông Dương cho đi tham quan Vịnh Hạ Long và vào Huế xem Lễ tế Nam Giao của vua Bảo Đại. Hai chị Dương Thị Duyên và Dương Thị Cương cũng luôn thuộc nhóm đứng đầu lớp.

Khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra rồi tiếp đó là Toàn quốc Kháng chiến, với truyền thống yêu nước của gia tộc, cả gia đình tôi đều hăng hái tham gia kháng chiến. Chị cả tôi Dương Thị Ngân trở thành phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam cất lên câu nói lịch sử "Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà" rồi đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập đánh dấu sự ra đời của Đài Phát thanh nước ta vào ngày 7/9/1945. Tiếp đó, chị còn vinh dự được đọc trên đài "Lời kêu gọi kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày khởi đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Chị làm phát thanh viên suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, chị trở thành biên tập viên quốc tế của Đài vì chị rất giỏi các ngoại ngữ Pháp, Anh.

Chị Dương Thị Thoa tức Lê Thi, hoạt động Việt Minh từ thời Tiền khởi nghĩa, là một trong hai phụ nữ vinh dự được kéo cờ Tổ quốc trong buổi lễ Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2/9/1945. Trong kháng chiến chống Pháp, chị là chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô rồi hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc. Khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, chị được đi học trường Nguyễn Ái Quốc rồi trở thành Viện trưởng Viện Triết học, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam và được phong học hàm Giáo sư vì các công trình nghiên cứu của mình.

Chị Dương Thị Duyên là Trưởng ban Tin Thế giới của Việt Nam Thông tấn xã. Chị được tham dự trong phái đoàn ta ở Hội nghị Paris để làm nhiệm vụ đưa tin đồng thời cũng để tham gia các cuộc gặp gỡ, tuyên truyền kiều bào ta theo sự phân công của đoàn công tác. Về sau do yêu cầu công tác, chị chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế của TƯ Hội Phụ nữ Việt Nam, Uỷ viên Thường trực của Hội.

Chị Dương Thị Cương là bác sỹ, Trưởng bộ môn Phụ sản trường đại học Y Hà Nội, đã được phong học hàm Giáo sư. Chị còn đảm nhiệm chức vụ Giám đốc bệnh viện C nay là bệnh viện Phụ sản Trung ương và là đại biểu Quốc hội khoá IV. Chị có nhiều đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu các bệnh của phụ nữ, thai nhi đăng trên các tạp chí Y khoa thế giới và là thành viên của nhiều tổ chức Y khoa thế giới. Chị đã được nhận giải thưởng Kovalevskaia dành cho những phụ nữ xuất sắc trong ngành Y - Dược.

Ít người biết là cha tôi có một cuốn sách với tiêu đề "Một cách để của cho con". Trong cuốn sách đó ông đã viết: "Thế mới biết cổ nhân nói: Để nghìn vàng cho con không bằng dạy con một quyển sách. Vậy bất cứ ta muốn sau này cho con làm nghề gì, trước hết ta nên cho học đến nơi đến chốn đã". Có lẽ ông đã quán triệt tinh thần đó trong việc dạy dỗ con cái và đặc biệt là ông đã đối xử bình đẳng giữa con trai và con gái.

DƯƠNG TỰ MINH

(Con trai út của GS. Dương Quảng Hàm)

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.