Sốt xuất huyết vào mùa

Chia sẻ

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 50.000 ca sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội và nhiều địa phương tăng vọt trong tháng 9 vừa qua khiến “dịch chồng dịch”. Để bảo vệ bản thân, gia đình, người dân cần hết sức lưu ý trong phòng ngừa, phát hiện và chăm sóc người mắc sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Dengue gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thời điểm này, tuy sốt xuất huyết chưa căng thẳng so với nhiều năm trước, nhưng người dân vẫn cần chú ý phòng bệnh trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Tại bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội), từ đầu tháng 9 tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca sốt xuất huyết, trong khi đó số ca mắc của tháng 8 chỉ khoảng 40-50 trường hợp. So với năm trước, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết không tăng nhiều. Nhưng do diễn biến Covid-19 phức tạp, người dân thường ngại đi khám hoặc chậm đến bệnh viện nên khi nhập viện, bệnh nhân sốt xuất huyết có tình trạng diễn biến bệnh nặng hơn rất nhiều, tiểu cầu giảm sâu, có người thậm chí gần như không có.

ThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường hỏi thăm tình hình một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện Đa khoa Thanh NhànThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường hỏi thăm tình hình một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn

Người mắc sốt xuất huyết và Covid-19 có biểu hiện gì khác nhau?

Theo các chuyên gia y tế, thông thường, sốt xuất huyết và Covid-19 có nhiều biểu hiện khá tương đồng nên rất dễ nhầm lẫn. Nhưng, người bệnh cũng có thể lưu ý một số điểm khác nhau giữa hai chứng bệnh này để nhận diện phần nào. Cụ thể, khi mắc Covid-19, người bệnh thường gặp phải triệu chứng về đường hô hấp như: ho, hắt hơi, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất khứu giác, mất vị giác, tức ngực hoặc tiêu chảy, nặng hơn sẽ dẫn đến khó thở, suy hô hấp, suy đa cơ quan. Còn đối với sốt xuất huyết, người bệnh thường thấy xuất huyết da và niêm mạc như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, đau bụng, nôn ói, diễn tiến nặng hơn sẽ dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.

Tuy nhiên, để xác định chính xác người bệnh mắc sốt xuất huyết hay Covid-19, cần phải dựa vào kết quả xét nghiệm. Bởi vậy, ngay khi có những biểu hiện nghi ngờ, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn khám, điều trị đúng cách; tuyệt đối không được tự ý chữa bệnh tại nhà. Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết chủ yếu lây truyền qua muỗi vằn. Vì vậy, người dân cần lưu ý vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, diệt muỗi để chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết.

Lưu ý khi chăm sóc, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có thời gian ủ bệnh từ 1-2 tuần. Những biểu hiện khởi phát bệnh thường thấy là: sốt cao, đau mỏi người, đau đầu… khá giống với sốt virus thông thường nên nhiều người dễ chủ quan, thậm chí chỉ uống thuốc hạ sốt tại nhà. Điều này khá nguy hiểm vì sốt xuất huyết diễn tiến rất nhanh. Đặc biệt vào khoảng ngày thứ 3 trở đi, khi người bệnh hạ sốt mới là giai đoạn nguy hiểm nhất, bệnh nhân có thể có dấu hiệu nặng như: xuất huyết, hạ tiểu cầu… Bởi vậy, nếu điều trị tại nhà, người dân tuyệt đối không được chủ quan mà phải theo dõi sát sao.

Sốt xuất huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính, nhưng trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi (đặc biệt người có bệnh lý nền) là đối tượng dễ gặp nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết. Với trẻ em khi mắc sốt xuất huyết dễ bị mất nước, tụt huyết áp. Phụ nữ mang thai mắc bệnh có thể có nguy cơ sảy thai, hoặc thai lưu. Đặc biệt, người cao tuổi có sẵn bệnh nền như cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan tình trạng bệnh dễ biến chuyển nặng hơn.

Để phòng dịch sốt xuất huyết lây lan rộng trong cộng đồng, người dân cần làm tốt khẩu hiệu “Không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết”; Đồng thời nâng cao ý thức phòng dịch, chẳng hạn thực hiện ngủ màn, phát quang bụi rậm, úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng để tránh muỗi vằn đẻ trứng sinh ra lăng quăng tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh sôi…

ThS.BSCKII NGUYỄN THU HƯỜNG
(Trưởng đơn nguyên chống dịch, BV Đa khoa Thanh Nhàn, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.