Tăng cường tiêu thụ nông sản trong điều kiện mới

Chia sẻ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, song 9 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 2,74%, xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD (tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước)

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết: Xác định trước thách thức trong thời gian tới, các địa phương cần triển khai nhiều giải pháp mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng chung 4,2% trong năm 2021; Đồng thời ngành nông nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

Hà Nội là đô thị đặc biệt, ngành nông nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng bởi hiện TP còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận sản xuất nông nghiệp trong tổng số 30 đơn vị hành chính. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong kế hoạch trung hạn cũng như dài hạn. Hiện nay, Hà Nội đang tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Toàn thành phố hiện có hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn; 181ha nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; Gần 50ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà ở xã Viên An, huyện Ứng HòaMô hình trồng dưa lưới trong nhà ở xã Viên An, huyện Ứng Hòa

Những tháng cuối năm là thời điểm thị trường nông sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nhu cầu tăng cao. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh tăng trưởng. Song với điều kiện thời tiết có nhiều bất lợi như mưa bão, các địa phương cần có phương án sản xuất phù hợp; Các hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động xây dựng những kịch bản kết nối, tiêu thụ sản phẩm... Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến huyện Chương Mỹ cho hay, cùng với việc liên kết với các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố, hợp tác xã đã chủ động kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố để tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, ngay sau khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh, huyện đã kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp và các chủ thể sản xuất mở gian hàng trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề…; Đồng thời tạo kênh bán hàng di động để giúp nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Để đảm bảo tăng trưởng những tháng cuối năm 2021, ông Chu Phú Mỹ - cho rằng, từ việc phân tích nhu cầu của thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố, ngành sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng trong vụ đông, bảo đảm tăng nguồn cung vào dịp cuối năm; Tăng cường các giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản. Đồng thời, ngành cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp bảo đảm việc lưu thông phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin... Sở sẽ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội rà soát nhu cầu thị trường Thủ đô và các địa phương, tổ chức các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành phố.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngành Nông nghiệp thực sự trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế và phát triển bền vững trong tương lai, cần chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp. Qua đó, từng bước chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm; Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp duy trì tăng trưởng toàn ngành đạt hơn 2,8%/năm; Đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản lên hơn 45,5 tỷ USD vào năm 2022, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ có chính sách hỗ trợ đầu vào và kết nối đầu ra sản phẩm; Phát triển thị trường xuất khẩu đi đôi với chú trọng thị trường nội địa…

 HOÀNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

(PNTĐ) - Tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, đoàn viên và người lao động khi có Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Tháng 5 còn là Tháng Công nhân đồng thời là Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động, Tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.