13 năm vẫn chưa giải quyết xong
Từ năm 2007, người dân xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã giao đất để thực hiện Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Sau 13 năm đến nay, hàng trăm hộ gia đình mất đất làm nông nghiệp với diện tích lớn vẫn mong ngóng đất dịch vụ để sản xuất kinh doanh.
Khu đất dịch vụ xã Tân Xã chưa được hoàn thiện và bàn giao đến hộ dân
Ông Trần Văn Tuấn ở thôn Mục Uyên 1, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất cho biết: “Thực hiện chính sách giao đất cho Nhà nước làm dự án, nhà tôi đã bàn giao đất rất nhanh còn được chính quyền khen thưởng. Bố tôi- ông Trần Văn Đản là chủ hộ đã bàn giao tổng số 2.500m2 đất và nhận hơn 125 triệu đồng tiền đền bù. Đất nông nghiệp chỉ còn ít nên gia đình 6 lao động trông ngóng được nhận đất dịch vụ để kinh doanh, sản xuất. Đến nay, cả bố và mẹ tôi đều đã mất (năm 2012 và 2014) mà vẫn chưa được nhận đất dịch vụ”.
Cũng trong cảnh mòn mỏi chờ đất dịch vụ, gia đình bà Nguyễn Thị Nhài ở thôn 5, xã Tân Xã đã bàn giao hơn 3.000m2, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận đất dịch vụ, đất sản xuất ít ảnh hưởng đến đời sống.
Ông Tuấn, bà Nhài là hai trong số hàng trăm hộ gia đình ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất đã bàn giao đất thực hiện Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ năm 2007, hiện đang chờ được giao đất dịch vụ.
Lý giải về sự chậm trễ trong công tác giao đất dịch vụ ở Tân Xã, có nhiều nguyên nhân, trước tiên là do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Từ năm 2006-2009, chính sách giao đất dịch vụ khi thu hồi đất làm kinh tế mới không được hưởng đất dịch vụ, trong khi đó đất thu hồi của các hộ dân xã Tân Xã có phần diện tích thuộc đất giao làm kinh tế mới. Từ năm 2010 đến nay, đất kinh tế mới được UBND thành phố chấp thuận bồi thường, hỗ trợ như đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Xã Lê Đức Thắng, nhận thấy việc áp dụng chính sách thiếu đồng nhất đối với cùng một loại đất nên các hộ dân bị thu hồi đất kinh tế mới giai đoạn 2006-2009 ở Tân Xã đã có đơn đề nghị được hưởng chính sách đất dịch vụ và chờ đợi các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết từ nhiều năm nay.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện ở các khâu cũng bị chậm như: Xác minh nguồn gốc đất chưa đúng, hoặc thu hồi sai diện tích… Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ chưa được xét duyệt giao đất dịch vụ dù đã bàn giao đất hơn chục năm qua. Hiện nay, Dự án khu đất dịch vụ đã được triển khai. Từ năm 2010 đến nay mới đạt khoảng 50% và vẫn còn nhiều hạng mục cần được hoàn thiện.
Tháo gỡ vướng mắc trên, UBND TP đã có Thông báo kết luận số 398/TB-VP ngày 18/9/2020, kết luận của đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thạch Thất để giải quyết một số nội dung tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện.
Theo đó, những khó khăn liên quan đến công tác xét giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện đã được UBND TP có hướng tháo gỡ theo như đề xuất của địa phương, cụ thể là: Những trường hợp thuộc diện bị thu hồi đất kinh tế mới năm 2006-2009 được hưởng đất dịch vụ theo quy định của TP từ năm 2010.
Cũng theo ông Lê Đức Thắng, từ sau kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP đến nay, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát lại loại đất, nguồn gốc sử dụng đất của các hộ đã được phê duyệt phương án bồi thường trong giai đoạn chính sách đất dịch vụ.
Đến nay UBND xã Tân Xã đã xong phần kiểm tra, rà soát gửi lên các đơn vị chức nâng cấp huyện để tiếp tục triển khai phần việc tiếp theo.
Với vị trí xa trung tâm huyện, người dân Tân Xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, sau thu hồi đất, nhiều lao động thiếu việc làm nhất là phụ nữ ở tuổi từ 35-40 trở lên không còn đất để cấy trồng, tìm việc khó khăn.
Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã lấy đi diện tích đất nông nghiệp của xã Tân Xã, nhiều doanh nghiệp đã vào đầu tư và hoạt động. Vì vậy, đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sớm giải quyết cho người dân Tân Xã, được hưởng quyền lợi chính đáng.
Bài và ảnh Vân Nga