Huyện Sóc Sơn (Hà Nội):

Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?

Bài và ảnh: LINH NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dù chưa được cấp phép hoạt động, nhưng tại khu vực bãi sông thuộc thôn Hoà Bình, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (còn được gọi là cảng Hòa Bình) có tới 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn, vẫn đang diễn ra hoạt động tập kết, trung chuyển than, cát rầm rộ gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận.

Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình? - ảnh 1
Bãi tập kết vật liệu xây dựng ở thôn Hoà Bình - được gọi là cảng Hoà Bình.

Theo phản ánh của người dân, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã ghi nhận thực tế tại cảng Hòa Bình. Đi từ đường tỉnh 296 vào chỉ vài trăm mét là đến khu vực cảng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn.

Cảng Hoà Bình có vị trí ở gần ngã ba sông Công - sông Cầu, có 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng (gồm than, cát) rộng lớn hàng chục nghìn mét vuông. Nơi đây đang diễn ra các hoạt động bốc xếp than từ tàu lên bãi tập kết và từ bãi lên các xe tải. Nhiều loại xe tải xếp hàng dài vận chuyển than, cát ra vào tấp nập.

Hoạt động của cảng Hoà Bình diễn ra hằng ngày rất sôi động, không những ảnh hưởng đến môi trường, còn ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, đê điều, xe trọng tải lớn ra vào cảng cũng chạy tấp nập ở tuyến đường dân sinh…

Nhiều người dân địa phương cho biết, cảng Hòa Bình hiện không được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài. Bởi vậy, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có sự ưu ái, để vi phạm tồn tại ngoài vòng pháp luật? Các cấp chính quyền quản lý ra sao đối với các vi phạm này?

Nói về phán ánh của người dân về các bãi tập kết vật liệu xây dựng tại cảng Hoà Bình, ông Khổng Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) thừa nhận rằng khu vực bến bãi này chưa được cấp phép hoạt động. Ông cho biết, địa bàn xã có hơn 2km đường ven sông, nhiều hoạt động bãi tập kết vật liệu xây dựng diễn ra từ những năm 1970. Bãi tập kết nằm trên địa bàn thôn Hoà Bình, hay còn gọi là cảng Hoà Bình, hình thành hơn chục năm nay do các cá nhân mua gom đất nông nghiệp của bà con để làm bãi.

Năm 2021, xã đã yêu cầu các hộ làm bãi tập kết này hoàn thiện hồ sơ thuê đất của Nhà nước để trình lên các cấp thẩm quyền (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) xin cấp phép. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đủ kiều kiện để được cơ quan chức năng cấp phép. Đến thời điểm hiện tại, các hộ này vẫn bị vướng mắc liên quan đến thủ tục chuyển nhượng đất của các hộ dân và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Khẳng định rằng có việc vi phạm hoạt động không phép ở bãi tập kết khu vực cảng Hoà Bình, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết, khó khăn trong việc xin cấp phép của các đơn vị ở bãi tập kết này còn liên quan đến quy hoạch bến thuỷ nội địa. Hiện huyện đã kiểm tra, xử lý và yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thủ tục. 

Trước câu hỏi của phóng viên cho rằng “như vậy vi phạm vẫn được cho tồn tại?”, ông Toàn cho hay: “Không vì việc đó mà để tồn tại như vậy và không có việc huyện bao che. Huyện vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng phải theo đúng quy định của pháp luật. Huyện có giới hạn nhất định, nếu không thực hiện đến một thời hạn thì sẽ xử lý”. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc thời hạn đó là khi nào thì ông Toàn không có câu trả lời.

Như vậy, với cách lý giải của Chủ tịch UBND xã Trung Giã và Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn thì vi phạm hoạt động bãi tập kết vật liệu xây dựng ở cảng tự phát thuộc thôn Hoà Bình, xã Trung Giã vẫn đang tiếp tục tồn tại và phải chờ hoàn thiện thủ tục cấp phép.

Trong khi đó, dù Chủ tịch UBND xã Trung Giã Khổng Văn Hoàn cho hay “Hàng năm từ tháng 6 xã đã có thông báo cho các đơn vị dừng hoạt động để đảm bảo an toàn hàng lang thoát lũ”, thì trên thực tế, tại thời điểm phóng viên nghi nhận là cuối tháng 10, các hoạt động ở bãi tập kết này vẫn diễn ra sôi động. 

Điều này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề do các đơn vị hoạt động không phép gây ra. Đơn cử như vụ việc xảy ra hồi tháng 3/2023, tại cảng Hoà Bình đã có tình trạng tàu chở lưu huỳnh tập kết lên bãi, sau khi được các cơ quan báo chí nêu thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý vi phạm. Ngày 4/4/2023, UBND huyện Sóc Sơn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường với chủ bãi tập kết nguyên liệu là ông Nguyễn Quốc Hùng, với số tiền xử phạt là 44 triệu đồng.

Nhằm tăng cường quản lý, sử dụng đất ven sông làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng, ngày 19/8/2024, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 2727 về tăng cường quản lý, sử dụng đất ven sông làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên toàn thành phố. Thành phố yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm tại các bến bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông.

Cùng đó, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-HĐND về thành lập Đoàn giám sát về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn thành phố. Đoàn giám sát với mục đích xem xét, đánh giá việc thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn Hà Nội từ năm 2021 đến nay.

Như vậy, Thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc quản lý bến bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ở ven sông, người dân ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn mong các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết vấn đề ở cảng Hoà Bình.

Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục làm việc với các ngành chức năng để thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Quyết định hành chính sai, người dân và doanh nghiệp lao đao!

Quyết định hành chính sai, người dân và doanh nghiệp lao đao!

(PNTĐ) - 16 năm trước, dự án Nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đồng Quang thuộc địa bàn 2 xã Đồng Quang và Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội từng được gọi là “siêu dự án” với kỳ vọng đổi thay diện mạo cả vùng. Song đến nay, dự án này vẫn đang dang dở, nhiều vướng mắc liên quan đến các sai phạm chưa được tháo gỡ, còn người dân thì thắt lòng chờ đợi “bờ xôi ruộng mật” nay để hoang phế.
Vấn đề thiếu điện của trường học ở Hoài Đức đã được khắc phục

Vấn đề thiếu điện của trường học ở Hoài Đức đã được khắc phục

(PNTĐ) - Ngày 11/9/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô có bài viết nhan đề “Hàng nghìn thầy và trò ở các trường học khốn khổ vì thiếu điện” phản ánh về việc hai Trường mầm non A và Trường Tiểu học Vân Côn trên địa bàn xã Vân Côn, huyện Hoài Đức bị thiếu điện. Ngày 19/9/2024, Công ty Điện lực Hoài Đức đã có Công văn số 2753 trả lời nội dung phản ánh của Báo Phụ nữ Thủ đô.
Uống nước ngọt miễn phí, 13 học sinh nhập viện, phụ huynh còn nhiều lo lắng

Uống nước ngọt miễn phí, 13 học sinh nhập viện, phụ huynh còn nhiều lo lắng

(PNTĐ) - Liên quan vụ hàng chục học sinh trường THCS Bình Minh, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai nhập viện vì bị ngộ độc sau khi uống nước ngọt phát miễn phí tại cổng trường, sau 1 ngày nằm viện, sức khoẻ các em đã ổn định, các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, xử lý, còn các phụ huynh vẫn còn nhiều lo lắng.
Siết chặt quản lý đất nông nghiệp vùng bãi ở Gia lâm

Siết chặt quản lý đất nông nghiệp vùng bãi ở Gia lâm

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, khu vực đất bãi bồi sông Đuống, thuộc địa phận xã Trung Mầu và Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã thành bãi tập kết cát, than và xây dựng nhà xưởng trái phép, khiến người dân bức xúc. Hiện nay, thành phố đã có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý sử dụng đất bãi ven sông, trật tự xây dựng.