BQL các dự án nông nghiệp chấm dứt hợp đồng với người lao động sai luật?

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chị Bùi Thùy Linh ở Ba Đình, Hà Nội làm việc tại Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bị chấm dứt hợp đồng lao động đã bức xúc phản ánh về những sai phạm liên quan đến việc ký hợp đồng và các chế độ theo luật định.

BQL các dự án nông nghiệp chấm dứt hợp đồng với người lao động sai luật? - ảnh 1
Các văn bản về việc phản ánh của bạn đọc.

Nhiều sai phạm với người lao động
Theo phản ánh của chị Bùi Thùy Linh (sinh năm 1982), tròn 20 năm làm việc tại Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp (BQL), chị đã bị “sa thải” dù đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Cụ thể, tháng 3/2003, chị Linh được nhận vào làm việc tại Ban Quản lý ở vị trí nhân viên văn thư. Đến tháng 6/2003, chị Linh được ký hợp đồng và được đóng bảo hiểm xã hội cùng các chế độ khác. Hàng năm, Ban Quản lý ký với chị Linh hợp đồng xác định thời hạn 12 tháng, cho đến ngày 31/12/2014 thì ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, với chức danh kế toán thanh toán, có hệ số lương 3,0, phụ cấp bằng 100% mức lương.

Tuy nhiên, đến ngày 14/6/2022, chị Linh và Ban Quản lý lại cùng nhau ký một bản Phụ lục HĐLĐ với mục đích điều chỉnh mức lương, điều chỉnh thời gian HĐLĐ. Cụ thể, Phụ lục HĐLĐ điều chỉnh mức lương của chị Linh lên bậc 6/9, hệ số lương 3,99 (tương đương 5.945.100 đồng) và phụ cấp quản lý dự án 100% mức lương. 

Điều đáng nói là tại Phụ lục cũng điều chỉnh thời gian HĐLĐ từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2023, trong khi loại HĐLĐ vẫn là không xác định thời hạn. Phụ lục HĐLĐ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Đến ngày 28/2/2023, chị Linh nhận được Quyết định số 123/QĐ-DANN-TCHC ký ngày 24/2/2023 về việc chấm dứt HĐLĐ từ ngày 1/3/2023. 

Theo chị Linh, chị không bị kỷ luật hay vi phạm quy định, quy chế của Ban Quản lý. Đồng thời, trước ngày 28/2/2023, chị không nhận được bất kỳ văn bản nào của Ban Quản lý thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ với chị. Như vậy, việc chấm dứt hợp đồng khi chưa thông báo trước 45 ngày theo quy định của pháp luật là xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của người lao động (theo khoản 1, Điều 45 Bộ luật Lao động và khoản 2, Điều 36 Bộ luật Lao động). Cùng đó, Ban Quản lý cũng chưa thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt HĐLĐ; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng. 

Chị Linh cho rằng Ban Quản lý đã không trả tiền bồi thường cho người lao động và có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) khi chỉ đóng BHXH bắt buộc theo mức lương cơ bản mà không đóng theo tổng thu nhập thực tế.

“Sửa sai” bằng thực hiện đúng quy định 
Phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Hùng thông tin, Ban Quản lý được thành lập theo Quyết định số 100/1999/QĐ/BNN-TCCB, ngày 3/7/1999; là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trước đây Ban Quản lý thực hiện nhiều dự án nên có thời điểm ký HĐLĐ với hơn 240 người. Tuy nhiên, hiện nay do các dự án ODA đã hết, Ban Quản lý chỉ thực hiện các dự án đầu tư công, ít việc, không còn nguồn kinh phí nên phải thực hiện giảm số lượng người lao động. Trong những năm qua, số lượng người lao động Ban thực hiện thanh lý hợp đồng lên đến hơn 100 người. Hiện tại, tổng số cán bộ, viên chức, người lao động của Ban là 92 người, trong đó có 65 viên chức, còn lại là hợp đồng.

Đối với trường hợp chị Bùi Thùy Linh, trước khi Ban Quản lý thực hiện chấm dứt HĐLĐ thì chị Linh là nhân viên làm việc tại Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (LCASP). Năm 2021, dự án kết thúc, hết việc, Ban Quản lý đã buộc phải thực hiện chấm dứt HĐLĐ với các lao động. 

Ông Hùng cho rằng: “Đối với chị Linh, Ban đã cố gắng giữ lại chờ một dự án mới để tiếp tục ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, dự án này chưa xây dựng xong. Do đó, chúng tôi buộc phải chấm dứt HĐLĐ với chị Linh và một số người lao động khác. Khi có dự án cần lao động để triển khai, chúng tôi sẽ ưu tiên gọi lại người có gắn bó nhiều năm với Ban”.
Về việc Ban Quản lý thực hiện chấm dứt hợp đồng chưa đủ thời gian thông báo trước 45 ngày cho người lao động, Ban

Quản lý thừa nhận việc chấm dứt HĐLĐ với chị Linh (Quyết định số 123/QĐ-DANN-TCHC ký ngày 24/2/2023) là chưa đủ 45 ngày kể từ ngày thông báo là chưa đúng, Ban Quản lý chấp nhận bồi thường cho người lao động theo quy định pháp luật. Hiện đang thỏa thuận với người lao động để có phương án phù hợp. 

Còn về Phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian thành “có thời hạn”, đại diện Ban Quản lý cho rằng: “Đây là bài học kinh nghiệm do chúng tôi hiểu chưa rõ về Luật Lao động nên đã thực hiện sai”. 

Bên cạnh đó, Ban Quản lý còn ký liên tiếp các Phụ lục hợp đồng vào các năm 2020, 2021. Cụ thể, năm 2020 Phụ lục đã điều chỉnh thời gian hợp đồng từ 1/1/2021 - 31/12/2021; và năm 2021, Phụ lục được ký có thời gian từ 1/1/2022 - 30/6/2022… cho thấy sự khó hiểu trong việc thực hiện ký kết hợp đồng lao động giữa Ban Quản lý với người lao động.
Làm rõ phản ánh của chị Linh rằng Ban đã vi phạm Luật BHXH khi chỉ đóng BHXH cho người lao động theo mức lương chính, mà người lao động còn được hưởng 100% phụ cấp, đại diện Ban Quản lý khẳng định, việc đóng BHXH, Ban đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Hiện Ban đã thực hiện xong thủ tục chốt sổ BHXH với người lao động và đã mời lao động đến để hoàn trả các giấy tờ còn lại.

Đại diện Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp khẳng định: Chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm với người lao động và sẽ cố gắng chi trả, bồi thường cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục làm việc với người lao động để thỏa thuận phương án xử lý phù hợp và cố gắng hoàn thành trong tháng 5 này.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nhức nhối bạo lực gia đình nhìn từ vụ nam DJ đánh vợ

Nhức nhối bạo lực gia đình nhìn từ vụ nam DJ đánh vợ

(PNTĐ) - Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007, và tiếp tục được bổ sung nhiều điều khoản trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Thế nhưng, bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau. Điển hình mới đây clip một nam DJ đánh người vợ trẻ mới sinh con được 5 tháng, đã gây căm phẫn cho dư luận.
Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

(PNTĐ) - Khi giá nhà đất và chung cư ở nội thành tăng cao, làn sóng đầu tư bất động sản chuyển hướng về vùng ven các huyện ngoại thành khiến giá đất tại đây đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều người đầu tư để lướt lại rơi vào tình cảnh rao bán không ai mua. Nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư thận trọng khi xuống tiền đầu tư đất khu vực này.