Dự án đền bù đất tái định cư tại huyện Ứng hòa (Hà Nội):

Cán bộ làm sai, dân chịu thiệt hại?

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đã hơn 3 năm, các hộ dân ở phố Hoàng Văn Thụ, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa sinh sống ổn định trên ngôi nhà khang trang ở khu đất tái định cư được đền bù khi thực hiện dự án nạo vét, cứng hóa bờ kênh Tân Phương kết hợp giao thông huyện Ứng Hòa (gọi tắt là dự án). Đến cuối năm 2020, các hộ dân lại nhận được thông báo về việc điều chỉnh, trong đó 9 hộ bị điều chỉnh về thu hồi tiền, 3 hộ bị thu hồi đất… khiến các hộ dân bức xúc, lo lắng bởi nguy cơ mất nhà.

Cán bộ làm sai, dân chịu thiệt hại? - ảnh 1
Những ngôi nhà cao tầng khang trang được các hộ dân đầu tư xây dựng và sinh sống ổn định hơn 3 năm nay.

Nhận đất tái định cư, xây nhà ở hơn 3 năm… lại bị “đòi” đất
Thực hiện Quyết định số 5370/QĐ-UBND ngày 29/10/2010 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Dự án nạo vét, cứng hóa bờ kênh Tân Phương kết hợp giao thông huyện Ứng Hòa, ngày 6/12/2017, UBND huyện Ứng Hòa ban hành Thông báo số 167/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án trên. 

Năm 2018-2019, UBND huyện và các đơn vị chức năng đã thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng, ban hành các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ có đất nằm trong chỉ giới dự án. Theo đó, các hộ dân đã nghiêm chỉnh chấp hành, đồng ý bàn giao mặt bằng, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, nhận đất tái định cư và xây dựng nhà cửa sinh sống ổn định từ năm 2020 đến nay. 

Tháng 10/2022, các hộ dân tại khu tái định cư dự án nhận được các thông báo về việc điều chỉnh phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của UBND huyện Ứng Hòa. Đáng ngạc nhiên là có tới 9 hộ phải trả lại tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và 3 hộ phải trả lại đất tái định cư.

Bất ngờ trước các thông báo trên, các hộ dân hoang mang lo lắng và gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng.

Cán bộ làm sai, dân chịu thiệt hại? - ảnh 2
Các hộ gia đình được đền bù đất tái định cư mong được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 Chia sẻ với Báo Phụ nữ Thủ đô, bà Dương Thị Tình (vợ ông Lê Văn Thi) cho biết: “Gia đình tôi đã bàn giao sổ đỏ, bàn giao đất ở (vị trí cũ) để thực hiện dự án và được đền bù bằng đất tái định ở khu mới này. Vì không còn nhà ở nên ngay khi nhận đất, các hộ gia đình chúng tôi đã xây dựng nhà ở kiên cố. Riêng nhà tôi, trên diện tích 90m2 đã xây dựng 5 tầng với chi phí hơn 3 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm ăn ở ổn định, chúng tôi lại nhận được thông báo thu hồi đất. Lý do cơ quan chức năng đưa ra lại không thể thuyết phục bởi, ngay từ khi đền bù tái định cư cho gia đình tôi, huyện đã nêu rõ diện tích đất (vị trí cũ) gia đình tôi là 29m2; nay lại đưa ra con số là 37,4m2 và lý do “nhầm mốc giới” để cho gia đình lại thuộc diện không đủ điều kiện đền bù tái định cư. Tuy nhiên, việc làm sai, nhầm của cán bộ thì không thể để chúng tôi phải chịu mất nhà được. Hơn nữa, khi thông báo thu hồi đất, cũng không có thông tin đền bù nhà cửa chúng tôi xây dựng trên đất với chi phí rất lớn như vậy”.

Cũng bị điều chỉnh phải thu hồi đất tái định cư đang ở, bà Hoàng Thị Nga (chồng là ông Bùi Văn Tiến) cho biết ông bà đã ăn không ngon, ngủ không yên từ khi nhận được thông báo bị thu hồi đất đang ở. Bà Nga giãi bày: “Chúng tôi được đền bù đất tái định cư 93,9m2, đã xây dựng nhà cửa 3 tầng khang trang bằng đồng tiền tích cóp cả đời. Ngoài mảnh đất này ra chúng tôi không còn nhà đất nào nữa. Nay tuổi cao (hơn 70 tuổi) vẫn còn phải đi làm vệ sinh môi trường để kiếm sống, nếu bị thu hồi đất chúng tôi vào đường cùng, biết phải sống ra sao đây?”. 

Tương tự, là hộ ông Nguyễn Văn Tịnh cũng đang ăn ở ổn định trong ngôi nhà 2 tầng, nay cũng bị thông báo thu hồi 113,1m2 đất tái định cư đã cấp và hoàn lại tiền bồi thường, hỗ trợ đã nhận.

Còn các hộ bà Lê Thị Liên, ông Nguyễn Hữu Tấn, ông Nguyễn Tuấn Anh… cũng bị thông báo phải nộp lại tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã nhận. Cùng với đó, các hộ nhận đất, xây nhà ở trên khu đất tái định cư này cũng chưa được nhận quyền lợi chính đáng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi ở khu đất cũ họ đã bàn giao lại cho các cơ quan chức năng để thực hiện dự án.

Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân bị thu hồi đất 
Ngay sau khi nhận các quyết định phê duyệt điều chỉnh phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của UBND huyện Ứng Hòa, các hộ bị điều chỉnh như thu hồi tiền, thu hồi đất đều đã có đơn khiếu nại đến UBND huyện. 

Cán bộ làm sai, dân chịu thiệt hại? - ảnh 3
Bà Hoàng Thị Nga chỉ về phía ngôi nhà gia đình đang sinh sống.

Giải quyết khiếu nại của bà Dương Thị Tình, tại Quyết định số 2459/QĐ-UBND ngày 12/5/2023, UBND huyện Ứng Hòa thừa nhận: UBND huyện ban hành các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ trước đây là “áp dụng không đúng chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đề xuất UBND huyện điều chỉnh mốc giới thu hồi trong khi đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội định vị, bàn giao mốc giới mà chưa đề xuất với UBND thành phố Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là không đúng quy định. 

“Chúng tôi không đồng ý với quyết định thu hồi đất tái định cư mà chúng tôi đã xây dựng nhà ở ổn định hơn 3 năm nay. Việc cán bộ thực hiện chức năng nhiệm vụ đã làm sai mà người dân phải chịu hậu quả là không thỏa đáng”- bà Dương Thị Tình chia sẻ.

Cùng đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên cơ sở xác nhận nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất của UBND thị trấn Vân Đình mà không nghiên cứu lại chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dẫn đến việc áp dụng chính sách sai là không đúng quy định hiện hành… 

Cũng tại Quyết định giải quyết đơn khiếu nại của ông Bùi Văn Tiến (vợ là bà Hoàng Thị Nga), UBND huyện Ứng Hòa cho rằng: Sau khi rà soát, xác nhận lại nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất, xem xét quy hoạch, rà soát áp dụng lại các chính sách hiện hành xác nhận thửa đất của hộ ông Bùi Văn Tiến không đủ điều kiện bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi do không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, UBND huyện Ứng Hòa đã thừa nhận những sai phạm trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng dự án. Tuy nhiên, trong các quyết định giải quyết các khiếu nại của công dân, UBND huyện Ứng Hòa đã không nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã để xảy ra sai phạm.

Những sai phạm xảy ra tại Dự án nạo vét, cứng hóa bờ kênh Tân Phương kết hợp giao thông huyện Ứng Hòa cũng đã được UBND thành phố Hà Nội chỉ rõ tại Kết luận số 108/KL-UBND ngày 2/12/2022 về kết luận nội dung tố cáo đối với UBND huyện Ứng Hòa. 

Tuy nhiên, cách khắc phục sai phạm của UBND huyện Ứng Hòa hiện nay lại là vấn đề gây bức xúc cho các hộ dân. Bởi khi ban hành các quyết định thu hồi đất tái định cư đã giao cho các hộ dân, UBND huyện Ứng Hòa còn không đưa ra hướng xử lý đối với tài sản gắn liền với đất mà các gia đình đã xây dựng.

Điều đó dẫn tới việc các hộ dân hoang mang lo sợ bị thu đất thì mất cả nhà ở, cả gia tài lớn đã đầu tư xây dựng nên gửi đơn thư khiếu kiện đến các cấp để mong được giải quyết thấu đáo.

Như vậy, UBND huyện Ứng Hòa thu hồi đất của các hộ dân đang sinh sống trên mảnh đất tái định cư đó là đã đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân bị thu hồi đất thực hiện dự án hay chưa?. 

Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nhiều công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Nhiều công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

(PNTĐ) - Những công trình nhà 2 tầng kiên cố, nhà cấp 4, nhà xưởng… mới “mọc lên” trên đất nông nghiệp tại thôn Đoàn Xá, xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa vẫn đang tồn tại và chưa bị xử lý dứt điểm khiến dư luận bức xúc. Người dân hoài nghi về tính nghiêm minh trong công tác quản lý của đơn vị chức năng và chính quyền địa phương.
20 năm vẫn chưa về đích, người dân chưa thể an cư

20 năm vẫn chưa về đích, người dân chưa thể an cư

(PNTĐ) -17 hộ dân ở thôn 5, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội) di dời từ nơi ở cũ đến nơi ở mới tại khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, họ đang sống trong điều kiện nhiều khó khăn từ đường giao thông, điện, nước sinh hoạt... Đây cũng là lý do khiến hàng trăm hộ dân đã bàn giao đất để thực hiện dự án nhưng “chưa dám” về ở tại khu tái định cư.
Tự ý “bắc cầu” qua đường dân sinh, coi thường pháp luật

Tự ý “bắc cầu” qua đường dân sinh, coi thường pháp luật

(PNTĐ) -Bức xúc về việc xuất hiện một “cây cầu” nối hai toà nhà cao tầng tại số 310 phố Lạc Trung (phường Vĩnh Tuy) và số nhà 45, ngõ 651 phố Minh Khai (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người dân ở khu vực này đã phản ánh tới Báo Phụ nữ Thủ đô tố cáo sự việc vi phạm trật tự xây dựng, làm mất mỹ quan đô thị.
Yêu cầu UBND xã La Phù kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân

Yêu cầu UBND xã La Phù kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân

(PNTĐ) -Báo Phụ nữ Thủ đô số 34 ra ngày 23/8/2023 có bài: “Trở lại vụ việc xâm phạm tại cụm di tích đình, chùa xã La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội): Bao giờ Cụm di tích lịch sử quốc gia được “cứu”?” phản ánh về hộ gia đình ông Trịnh Đắc Chí xây dựng nhà cao tầng xâm phạm Cụm di tích lịch sử quốc gia đình, chùa xã La Phù nhưng không bị xử lý dứt điểm. Sau khi bài báo đăng, ngày 25/8/2023, UBND huyện Hoài Đức đã ra Kết luận số 3021/KL-UBND kết luận trách nhiệm để xảy ra tồn tại trên thuộc về ông Nguyễn Hữu Khoa - Chủ tịch UBND xã La Phù, Ban Quản lý di tích xã La Phù và công chức xã.
Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân

Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân

(PNTĐ) - Theo “tiếng gọi” mời đầu tư của UBND xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn và bà Nguyễn Thị Thật đã tham gia đấu thầu diện tích đất vùng bãi ven sông Hồng và mạnh dạn đầu tư dự án trang trại gà đẻ trứng từ năm 2011. Đến nay, gia đình bà Thật đang phải đối diện với việc phải thu dọn tài sản, trả lại mặt bằng. Điều này khiến gia đình hoang mang, lo lắng, bức xúc và phản ánh đến Báo Phụ nữ Thủ đô.