Chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng:
Cần chế tài giám sát các trang mạng xã hội
(PNTĐ) - Công an quận Tây Hồ vừa đưa ra khuyến cáo đối với các gia đình trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phòng tránh xâm hại trẻ em trên mạng. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây.
Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Anh T (SN 1994, ở Hà Nội) về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Theo đó, khoảng tháng 9/2023, cháu H (SN 2010) có quen T qua ứng dụng "Popup", cả hai cùng chát sex và gửi hình ảnh video thủ dâm cho nhau. Tháng 11/2023, cả hai hẹn nhau và có quan hệ tình dục. Sau đó, H và T không nói chuyện với nhau nữa.
Đến tháng 6/2024, T nói chuyện lại với H và tiếp tục yêu cầu H gửi video, hình ảnh. Lúc này, cháu H không đồng ý thì bị T đe dọa sẽ đăng video lên mạng. T tiếp tục tìm mọi cách uy hiếp cháu H khiến cháu bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Phát hiện sự việc, mẹ cháu H đã đưa cháu đến công an trình báo.
Theo công an quận Tây Hồ, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng trẻ trên môi trường mạng. Ngoài ra, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với 100% trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.
Thực tế hiện nay, việc tiếp xúc với các loại thiết bị thông minh có kết nối với mạng internet đã trở nên quá quen thuộc đối với trẻ em. Theo thống kê, khoảng 92% trẻ em Việt Nam sử dụng thiết bị kết nối internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hằng ngày. Đáng lo ngại là nhiều trẻ em chưa được trang bị đầy đủ nhận thức về các mối nguy hại từ môi trường mạng khiến bản thân trở thành mục tiêu, nạn nhân của các loại tội phạm trên môi trường mạng, gây tổn hại tâm lý, danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe và tính mạng.
Chị Chu Thu Hà, Quản lý truyền thông Viện Nghiên cứu và phát triển bền vững (MSD) cho rằng, trẻ em và thanh thiếu niên mặc dù rất nhạy bén về công nghệ và mạng xã hội nhưng lại thường thiếu kinh nghiệm, kĩ năng và sự nhận thức về nguy cơ giao tiếp trực tuyến, vì thế họ có thể trở thành mục tiêu dễ dàng cho những kẻ có ý đồ xấu. Do đó, để có thể tự mình phòng ngừa được nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục trực tuyến, các em hãy trở thành những công dân số thông minh và có trách nhiệm. Trẻ em phải được trang bị những kĩ năng an toàn cần thiết để giúp nhận diện, phòng ngừa và ứng phó với các rủi ro.
Các kĩ năng bao gồm: Biết cách cài đặt bảo mật tài khoản cùng cảnh báo đăng nhập và bảo vệ hai lớp, đăng nhập an toàn, cài đặt chế độ riêng tư, kết nối chọn lọc; có tư duy phản biện và thấu cảm để nhận diện rủi ro cũng như tránh bị lôi kéo vào các hành vi gây bạo lực cho người khác…
Các đối tượng quấy rối trên mạng thường sử dụng các thủ đoạn tinh vi để thao túng tâm lý nạn nhân và thực hiện các hành vi của mình. Phổ biến nhất là lợi dụng sự “yếu thế” của nạn nhân để uy hiếp, đe doạ.
Quá trình này thường diễn ra với thủ đoạn gồm các bước: Làm quen - cảm thông, giúp đỡ - tạo niềm tin - dụ dỗ/đe doạ - bạo lực. Khi nắm trong tay điểm yếu của nạn nhân, kẻ gây bạo lực có thể sử dụng thông tin riêng tư (ảnh/video clip nhạy cảm, câu chuyện hay thông tin có tình tiết nhạy cảm…), thông tin lừa đảo có liên quan đến nạn nhân để họ sợ hãi không dám phản kháng, từ đó dễ dàng thao túng, ép buộc họ thực hiện các hành vi không mong muốn.
Bàn về bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng, bà Lê Hồng Loan (Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, tổ chức UNICEF) chia sẻ tại một buổi tập huấn do Cục Trẻ em tổ chức rằng: Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống của các em, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Những hình ảnh, clip được phát tán tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ em, gây tổn thương nghiêm trọng và dai dẳng cho các em.
Xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến và ngoại tuyến có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần có sự tham gia vào cuộc của các cơ quan của Chính phủ, nhà trường, các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Đối với các hành vi quấy rối tình dục trên mạng, tuỳ theo tính chất, mức độ, hành vi này có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi bị quấy rối, nạn nhân cần yêu cầu đối tượng quấy rối chấm dứt hành vi xúc phạm mình. Nếu đối tượng không dừng lại mà tiếp tục quấy rối với tính chất, mức độ ngày càng tăng, thì cần có biện pháp kiên quyết như block tài khoản, sử dụng chế tài pháp luật để làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về hành vi của kẻ xấu, đồng thời cung cấp thông tin các tài khoản đó (tên facebook, zalo, email,...), các bằng chứng (nội dung bình luận trên facebook, nội dung email, các email đã nhận được nội dung lăng mạ, chửi bới, số điện thoại cuộc gọi đến...) để cơ quan có thẩm quyền thụ lý, điều tra.
TS Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an nhận định, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để kết bạn, làm quen với trẻ em gái mới lớn, rồi dụ dỗ các em bỏ nhà đi chơi và thực hiện hành vi xâm hại. Do đó, cha mẹ cần giám sát chặt chẽ các trang mạng xã hội mà con tham gia, từ đó, định hướng về kỹ năng và lối sống tích cực, giúp con bảo vệ mình trước những “nanh vuốt” của yêu râu xanh.