Ngăn chặn bạo lực từ những va chạm nhỏ:
Cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng
(PNTĐ) - Để ngăn chặn những vụ bạo lực bởi va chạm trong cuộc sống, theo các chuyên gia, xã hội không thể bỏ qua những dịch vụ hỗ trợ tâm lý. Các cơ quan có chuyên môn cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng để giúp người dân giải tỏa căng thẳng, áp lực, từ đó giảm nguy cơ xảy ra bạo lực…
Một va chạm giao thông nhỏ bỗng trở thành 1 vụ xô xát khiến người tử vong, người bị khởi tố. Một lái xe công nghệ ngăn cản nhóm người xô xát mà bỗng chốc trở thành đối tượng để một cặp vợ chồng “so găng”… Chưa bao giờ những vụ bạo lực do những va chạm diễn ra nhiều như trong thời gian qua.
Đơn cử như đầu tháng 12/2024, trên mạng xã hội lan truyền 1 video ghi lại hình ảnh do va chạm giao thông mà 1 người đàn ông đã dừng xe và dùng cùi trỏ, chân… đánh đập đối phương. Theo đó, khoảng 7h20 sáng 9/12/2024, chị Q.T.T.A (SN 2001, ngụ quận 1 TP HCM) lái xe máy lưu thông trên đường Khánh Hội (quận 4, TP Hồ Chí Minh), theo hướng từ quận 7 sang quận 1. Khi xe chị A chạy gần xe của Bùi Thanh Khoa (SN 1984, ngụ tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) khiến người này loạng choạng tay lái. Sự việc khiến Khoa bực tức nên đã ép xe vào lan can rồi đánh đập chị A khiến chị bị đa chấn thương vùng mặt.
Vì can ngăn anh T.A.P (30 tuổi, quê Lâm Đồng) và Nguyễn Văn Dũng cùng người khác đánh nhau vào đêm 31/12/2024, anh H.H.V (tài xế xe công nghệ) đã bị vợ chồng ông Dũng đánh gây thương tích. Hay vụ đánh ghen vừa diễn ra ngày 2/1/2025 mới đây ở bờ hồ Xáng Thổi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) khiến một phụ nữ bị thương, người đánh ghen đứng trước nguy cơ vướng vòng lao lý. Tại cơ quan công an, chị H.N.B.T và N.T.N.Q (em gái chị T) - trực tiếp hành hung cô gái bị nghi là nhân tình của chồng chị T thừa nhận hành vi vi phạm của mình, đồng thời, rất mong được khoan hồng.
Nhìn ở góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Công ty Luật E&D cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những cuộc ẩu đả, gây thương tích nghiêm trọng khi mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông hoặc những mâu thuẫn khác trong đời thường chỉ do những va chạm nhỏ nhưng người trong cuộc thiếu kiểm soát cảm xúc và hành vi dẫn đến động tay động chân. Hành vi này sẽ bị xem xét là mang tính côn đồ, hung hăng, coi thường pháp luật, thiếu kiềm chế và không chuẩn mực. Tùy mức độ, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, hành vi đánh người sau khi va chạm có thể xem là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác, có thể bị phạt tiền từ 5 triệu tới 8 triệu đồng, đồng thời buộc chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho người bị đánh. Mặt khác, hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác, theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Khi đó, khung hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm, và cao nhất có thể lên tới chung thân. Hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, nhẹ nhất là bị phạt tiền 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm, cao hơn có thể tới 7 năm tù.
Theo Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an, dưới góc nhìn tội phạm học, đây là dạng hành vi bạo lực bộc phát, thường do yếu tố tâm lý, môi trường xã hội và sự thiếu kiềm chế cá nhân. Các vụ việc như đánh ghen, mâu thuẫn giao thông hay xô xát từ những va chạm nhỏ thường diễn ra rất nhanh, bộc phát trong tình huống căng thẳng tức thời. Điều này cho thấy một bộ phận người dân có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thay vì thương lượng hoặc nhờ pháp luật can thiệp. Bạo lực trong những tình huống này không chỉ gây tổn hại về thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, gây bất an trong cộng đồng và làm xói mòn các giá trị đạo đức xã hội.
Để ngăn ngừa những sự vụ, hành vi như đã nói, theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, cần đẩy mạnh giáo dục ý thức giao thông, đặc biệt với các tài xế và nhóm người thường xuyên tham gia giao thông tại khu vực đông đúc; tuyên truyền về hậu quả pháp lý của các hành vi bạo lực, giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm khi tham gia giao thông; mở rộng lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm nóng về giao thông và hành vi bạo lực; khuyến khích người dân ghi lại hình ảnh, thu thập bằng chứng các vụ việc vi phạm để hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng.
Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, để bản thân không bị “chi phối bởi cảm xúc tức thời”, “thiếu kiềm chế”..., từng cá nhân cần rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Mỗi cá nhân cần học cách kiềm chế cảm xúc và phản ứng bình tĩnh trước các tình huống căng thẳng. Bên cạnh đó, mỗi người cần nâng cao nhận thức pháp luật, cần hiểu rõ rằng mọi hành vi bạo lực đều có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, từ đó có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn. Đặc biệt, mỗi người cần được giáo dục về văn hóa ứng xử, cần được khuyến khích lối sống văn minh, tôn trọng người khác và biết cách giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hoặc nhờ sự can thiệp của pháp luật.