Chiếm dụng sân chơi tại các khu tập thể: Biết rồi, vẫn thế

Chia sẻ

PNTĐ-Hiện nay, sân chơi tại nhiều khu tập thể ở Hà Nội đang bị chiếm dụng. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng không phải nơi nào cũng có biện pháp xử lý triệt để.

 
Cụ thể tại khu vực sân chơi của khu tập thể D4 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình từ nhiều năm nay tồn tại nhiều hàng quán và là nơi họp chợ, hàng hóa bày bán bít kín lối đi vào khu tập thể.
 
Còn tại sân chung ở khu tập thể B4 Trung Tự, phường Trung Tự, quận Đống Đa, chủ nhiều hàng ăn, cafe bày bàn ghế chiếm phần lớn diện tích của sân. Nếu không có tấm biển quy định về quản lý và sử dụng sân chơi ở ngay trước sân, khó ai có thể nhận ra đây là sân chơi chung của khu tập thể.
 
Chiếm dụng sân chơi tại các khu tập thể: Biết rồi, vẫn thế - ảnh 1
Tình trạng lấn chiếm tràn lan tại sân khu tập thể Thành Công

 
Thừa nhận thực tế này, Ông Đặng Minh Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự, cho biết, lực lượng chức năng đã nhiều lần xử lý việc lấn chiếm sân chung ở các khu tập thể nhưng mọi việc như “bắt cóc bỏ đĩa”. 
 
Tình trạng lấn chiếm sân chơi chung của khu tập thể cũng xảy ra trên địa bàn các phường Thành Công, quận Ba Đình; phường Kim Liên, quận Đống Đa. Theo ghi nhận của phóng viên, sân chơi chung ở khu tập thể Thành Công đã biến thành nơi họp chợ vào buổi sáng. Tại khu B4 và B5, nhiều hộ dân lấn chiếm mặt bằng để buôn bán, kinh doanh.
 
Tại khu A1 và A2 các điểm trông xe, quán nước, quán cơm bình dân, cửa hàng bánh ngọt, hiệu sửa xe đua nhau mọc lên với bàn ghế lổn nhổn, ô che, bạt căng bừa bãi. Không khí nồng nặc khói than lẫn mùi thức ăn. Các cư dân đã  kiến nghị lên UBND phường phải dẹp bỏ các điểm kinh doanh lấn chiếm sân chơi, trả lại không gian công cộng cho người dân, nhưng đến thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn chưa được xử lý.
 
Theo lãnh đạo UBND phường Thành Công, công tác xử lý người lấn chiếm sân chơi để kinh doanh phần lớn chỉ dừng lại ở vận động, tuyên truyền, chưa xử phạt quyết liệt dẫn đến tình trạng tái phạm.
 
Vẫn biết, việc xử lý nạn lấn chiếm sân chơi chung gặp nhiều khó khăn nhưng nếu có sự quyết tâm thì việc lấy lại sân chơi cho trẻ không phải là không làm được. Ông Trần Tiến Dũng - Phó Chủ tịch phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng cho biết, trước đây, sân E7, K16 khu tập thể Bách Khoa bị người dân lấn chiếm để kinh doanh và trông giữ xe. UBND phường phối hợp với tổ dân phố đồng lòng giải phóng mặt bằng.
 
Đầu năm 2019, khu vực sân khu tập thể E7 được cải tạo thành sân tập thể dục, khu vui chơi cho cư dân. Hiện tại, phường đã giao cho tổ dân phố quản lý sân khu tập thể E7. Mới đây, khu K16 tập thể Bách Khoa cũng mới được lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao. Hiện tại, phường đang khảo sát một số địa điểm nằm ngoài khu vực sân chơi chung của khu tập thể để xin cấp phép thành điểm trông giữ xe đảm bảo nhu cầu cho người dân trên địa bàn. 
 
Gần đây, tình trạng lấn chiếm sân K2, khu tập thể Thành Công cũng được giải quyết, trả lại không gian vui chơi cho người dân. Việc tiến hành giải tỏa “điểm nóng” là sân K7 và K8, tổ dân phố 38, khu tập thể Thành Công cũng đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
 
Ông Phạm Quốc Hạnh - Tổ trưởng tổ dân phố 38 cho biết, một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đã làm đơn trình bày nguyện vọng được tiếp tục kinh doanh hàng ăn, trông giữ xe để có thêm thu nhập và đáp ứng nhu cầu của người dân sinh sống ở khu tập thể.
 
Thông qua kết quả biểu quyết người dân khu tập thể K7, K8, tổ dân phố đã giành một phần diện tích của sân chơi để các hộ tạm thời tiếp tục kinh doanh, trông giữ xe. Diện tích dành cho sân chơi được quây rào, tuyệt đối không cho xe vào. Dự kiến ngày 30/5, các thiết bị đồ chơi cho trẻ nhỏ sẽ được lắp đặt tại khu vực sân chơi này.
 
Như vậy, để chống lấn chiếm sân khu tập thể, muốn xử lý triệt để, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chung của người dân thì UBND phường cần có các giải pháp đồng bộ như xây dựng tường rào, lắp đặt các trang thiết bị vui chơi, thể dục và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
 
Bên cạnh đó, ngoài nguồn kinh phí kêu gọi tài trợ để lắp đặt các thiết bị đồ chơi, thể dục thể thao thì những hộ dân cần chủ động chung tay tự đóng góp tiền của, công sức để đầu tư trang bị những vật dụng cần thiết cho sân chơi. Bởi lẽ, nếu trang thiết bị vui chơi, thể dục được phủ kín diện tích sân chơi thì đó là một giải pháp chống tái lấn chiếm diện tích sân chơi hiệu quả.
 
 
Hà My

Tin cùng chuyên mục

Hướng tới giáo thông xanh, bền vững

Hướng tới giáo thông xanh, bền vững

(PNTĐ) - Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đường Vành đai 1 được chọn làm ranh giới để cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) chạy trong nội đô Hà Nội từ 1/7/2026. Theo lộ trình, từ 1/1/2028, không có xe môtô, xe gắn máy, hạn chế xe ôtô cá nhân chạy xăng, dầu lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2.
Chợ “tiền tỷ” Xuân Phương, Phúc Lý bỏ hoang hàng chục năm

Chợ “tiền tỷ” Xuân Phương, Phúc Lý bỏ hoang hàng chục năm

(PNTĐ) - Theo phản ánh của người dân, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã ghi nhận tại hai công trình xây dựng chợ Xuân Phương (xã Xuân Phương) và chợ Phúc Lý (phường Tây Tựu) hiện đang trong tình trạng dở dang, bỏ hoang cho cỏ mọc, trở thành nơi đổ rác, mất vệ sinh, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Trẻ em không còn an toàn ngay trong nhà mình

Trẻ em không còn an toàn ngay trong nhà mình

(PNTĐ) - Hiện nay, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối. Vụ việc bé gái 3 tuổi bị xâm hại cho thấy, mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bất kể giới tính, độ tuổi hay hoàn cảnh sống.
Chính quyền xã mới ra quân xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng

Chính quyền xã mới ra quân xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng

(PNTĐ) - Ngay trong những ngày đầu thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, ở nhiều nơi có tình trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo chính quyền xã mới đã ra quân xử lý vi phạm, tăng cường tuyên truyền cho người dân tự tháo dỡ, và để không phát sinh vi phạm mới.
“Hô biến” hơn 660m2 đất công thành đất tư, chính quyền xã làm ngơ?

“Hô biến” hơn 660m2 đất công thành đất tư, chính quyền xã làm ngơ?

(PNTĐ) - Bức xúc về việc hai hộ dân ngang nhiên vi phạm lấn chiếm đất công, biến đất công thành đất tư, rồi xây dựng nhà, tường bao để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn m2, người dân ở thôn Tân Dân 2, xã Thanh Oai mới (trước đây là xã Phương Trung) đã gửi đơn đến Báo Phụ nữ Thủ đô kêu cứu.