Hà Nội xây dựng lộ trình cấm xe chạy xăng, dầu:
Hướng tới giáo thông xanh, bền vững
(PNTĐ) - Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đường Vành đai 1 được chọn làm ranh giới để cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) chạy trong nội đô Hà Nội từ 1/7/2026. Theo lộ trình, từ 1/1/2028, không có xe môtô, xe gắn máy, hạn chế xe ôtô cá nhân chạy xăng, dầu lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2.
Đây là chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ và Thành phố Hà Nội, là bước khởi động cho mục tiêu phát triển giao thông xanh, nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí ở Thủ đô.

Mục tiêu lớn và nhiều thách thức
Hà Nội với dân số 8,5 triệu người, chưa kể dân số tự do lưu thông trong quá trình phát triển của Thành phố. Có trên 8 triệu phương tiện, trong đó 1,1 triệu ôtô và khoảng 6,9 triệu xe máy, còn khoảng 1,2 triệu ôtô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn. Đây là một thách thức không nhỏ khi triển khai chuyển đổi.
Các chuyên gia môi trường nhận định, các phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu này, được xem là tác nhân chính phát thải nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội, hoạt động giao thông là một trong 5 nguồn gây ô nhiễm không khí. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2023 cho thấy, với carbon monoxide (CO), phát thải của xe máy chạy nhiên liệu xăng, dầu đóng góp 87%. Với bụi mịn PM 2.5 nói chung, nghiên cứu chỉ ra, xe máy đóng góp nhiều nhất với 66%, ôtô 13%.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông, từ năm 2017, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 04 về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030”, đặt ra lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận (cũ) vào năm 2030.
Ngày 12/12/2024, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết thực hiện vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ 1/1/2025. Theo đó, Thành phố sẽ cấm hoặc hạn chế xe môtô, gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 chạy vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.
Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi xe cộ, bảo đảm đến ngày 1/7/2026, không còn môtô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội sẽ phải giải quyết nhiều thử thách, trong đó giải quyết nhu cầu đi lại của người dân là vấn đề cấp bách nhất. Bởi, riêng trong khu vực Vành đai 1 là trung tâm nội đô lịch sử của Thủ đô, số lượng xe máy lên tới 450.000, dân số trong khu vực này khoảng 600.000 người.
Vành đai 1 là tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, đi qua các khu vực có mật độ giao thông lớn như Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Đê La Thành, Hoàng Cầu… Vành đai 1 là vành đai hàm chứa cả những trung tâm nội đô lịch sử rất lớn như khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ thuộc trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trung tâm chính trị Ba Đình. Đây vẫn đang là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội.
Điều đó cho thấy, nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, việc cấm xe xăng, dầu rất dễ gây xáo trộn lớn tới đời sống của hàng triệu người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Thủ đô.
Anh Lê Công Đình, tài xế xe ôm công nghệ chia sẻ: “Tôi ủng hộ xe xăng không được đi vào trong khu vực đường Vành đai 1, nhưng Nhà nước cần có hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện khi cấm xe máy xăng, tăng điểm đón xe điện, xe không chạy bằng xăng dầu”.
Chị Nguyễn Thị Huệ (38 tuổi, phường Đông Ngạc) bày tỏ băn khoăn về chi phí chuyển đổi xe mới và sạc pin điện cho xe khi nhà ở chung cư; việc phải mua xe điện mới trong khi thu nhập chỉ đủ lo cho 2 con nhỏ ăn học. Vì vậy, mong Thành phố hỗ trợ cho người thu nhập thấp, như trợ giá hoặc thu hồi xe xăng cũ để đổi sang xe điện giá rẻ. Hệ thống trạm sạc pin hoặc đổi pin xe máy điện cần tiện lợi để người dân dễ dàng chuyển đổi, không làm ảnh hưởng đến công việc.
Sớm có lộ trình hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng nhận định, lộ trình một năm không dài nhưng không quá ngắn, nếu quyết tâm TP Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện tốt việc cấm xe máy xăng, chuyển đổi phương tiện cho người dân. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng đề xuất, Hà Nội cần thiết kế chính sách hỗ trợ toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng an toàn vận hành, mạng lưới sạc pin và năng lực của giao thông công cộng trước khi chính sách mới đi vào cuộc sống. Thành phố đang đẩy nhanh hệ thống đường sắt đô thị, xanh hóa các hệ thống xe buýt. Tuy nhiên, cần phải đẩy nhanh hơn, quyết tâm hơn nữa để mở rộng thêm mạng lưới xe buýt, đặc biệt là các xe buýt nhỏ trung chuyển hành khách để người dân thấy được sự thuận tiện. Giao thông công cộng phải bảo đảm được nhu cầu của người dân.

Nhà giáo Ưu tú, GS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng đề xuất, tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng, tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sạch, cùng với đó là các bãi gửi xe thuận lợi, giá rẻ; có chính sách khuyến khích người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới, đặc biệt là lồng ghép, phối hợp hỗ trợ với nhà sản xuất, người tiêu dùng trong việc chuyển đổi phương tiện.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đề xuất, TP Hà Nội cần xây dựng hệ thống trạm sạc công cộng đặt tại các trạm xăng, bãi gửi xe, khu dân cư, trung tâm thương mại hỗ trợ nhiều dòng xe nhằm tránh độc quyền và bảo đảm tính cạnh tranh, tiện lợi cho người dân. Cần có quy chuẩn về an toàn sạc điện tại khu dân cư, hướng dẫn sử dụng thiết bị sạc đúng cách để phòng chống cháy nổ. Thành phố và doanh nghiệp cũng cần sớm có giải pháp thu gom, xử lý pin hết hạn sử dụng.
Việc cấm xe máy xăng sẽ khiến người dân từ ngoại thành phải dừng phương tiện cá nhân chạy xăng tại Vành đai 1 để chuyển sang phương tiện khác. Do đó, cần xây dựng hệ thống bãi đỗ xe chuyển tiếp tại các khu vực giáp ranh, kết nối thuận tiện với xe buýt, metro hoặc xe điện trung chuyển. Tuy nhiên, quỹ đất hạn chế sẽ là rào cản lớn cho vấn đề này, đòi hỏi Thành phố sớm quy hoạch đồng bộ và triển khai đầu tư hạ tầng. Để giảm phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm, Thành phố có thể phối hợp với các trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn để tổ chức xe đưa đón học sinh, người lao động.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: UBND Thành phố sẽ nghiên cứu các chính sách, báo cáo Thành ủy, trình HĐND Thành phố thông qua, để thiết lập một cơ chế hỗ trợ cho người dân chuyển đổi các phương tiện xe xăng, dầu sang xe điện, dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa, cho khoảng 450.000 xe máy đang hoạt động bên trong đường Vành đai 1.
Thành phố sẽ thiết lập các chính sách, cơ chế bổ trợ như thu đổi các xe xăng, dầu chuyển sang xe điện. Trong đó, đối với các xe điện mới như đăng ký, lệ phí trước bạ Thành phố sẽ hỗ trợ 100%. Tăng cường các loại xe buýt điện quy mô từ 8-12 chỗ để tạo ra mạng lưới hỗ trợ; nghiên cứu mô hình xe vận tải điện khoảng 4 chỗ để trung chuyển trong khu vực Vành đai 1. Thành phố sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ôtô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác.
Đồng thời, tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng, xe buýt nhanh, taxi, trung chuyển đa phương thức. Tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị, một phương tiện hiện đại sạch, xanh. UBND Thành phố dự kiến sẽ trình HĐND Thành phố các nghị quyết chuyên đề xử lý về các vấn đề vừa nêu vào tháng 9 tới, theo đúng lộ trình chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 20.