Đá lát vỉa hè “bẫy” người đi bộ
(PNTĐ) -Dù mới đưa vào sử dụng được vài năm nhưng tại một số đoạn vỉa hè lát đá tự nhiên trên nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội đang có dấu hiệu bị bong tróc, xuống cấp và trở thành những cái “bẫy”đối với người đi bộ.

Được biết, vào năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy định về việc cải tạo hè phố, chỉnh trang đô thị và đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ vỉa hè của các tuyến đường trong 12 quận nội thành sẽ được thay thế từ gạch truyền thống sang đá lát tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ 70 năm.
Tuy nhiên, trái ngược với những lời quảng cáo về độ bền lên tới vài chục năm, sau khi hoàn tất thi công, vỉa hè lát loại đá tự nhiên này đang xuống cấp nhanh chóng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đưa vào sử dụng.
Theo khảo sát của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô tại một số tuyến đường như Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trí Thanh (Đống Đa), Kim Mã (Cầu Giấy)…. Hầu hết vỉa hè tại những khu vực trên đều xuất hiện nhiều đoạn bị nứt vỡ, lồi lõm sâu xuống đường. Vào những khoảng thời gian cao điểm, nhiều phương tiện còn ngang nhiên di chuyển lên vỉa hè khiến những vết nứt càng vỡ to ra, gây hư hỏng nặng.
Cụ thể, tại khu vực gần với Cục Sở hữu trí tuệ (384 - 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) có nhiều đoạn vỉa hè sụt lún, gập ghềnh, các viên gạch bị bật lên gây nguy hiểm cho người đi qua.
Việc vỉa hè lát đá mới chỉ sau vài năm đã xuống cấp nghiêm trọng cũng khiến cho người dân sinh sống xung quanh cũng cảm thấy hết sức bức xúc. Anh Lê Văn Tiến - một tiểu thương buôn bán trên đường Nguyễn Trãi cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc vỉa hè bị hư hỏng một phần là do các phương tiện xe máy thường xuyên đi lên vào mỗi giờ cao điểm, một số khu vực còn trở thành điểm đậu đỗ xe ô tô.
“Việc vỉa hè bị hỏng, nứt, vỡ gạch không chỉ khiến việc di chuyển của người đi bộ trở nên khó khăn, bất tiện mà còn gây mất mỹ quan đô thị của thành phố” - anh Tiến chia sẻ thêm.
Tương tự, ghi nhận trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Đông… tình trạng các phương tiện xe máy đi lên vỉa hè gây ra nứt, vỡ đá lát diễn ra khá phổ biến, có những đoạn gạch đá lát bong vỡ lâu ngày, lộ ra cả những mảng bê tông lót phía bên dưới.
Theo kiến trúc sư Lê Anh Dũng, thành viên Hội Kiến trúc Hà Nội cho rằng, kích thước đá lát vỉa hè tại nước ta đang lớn hơn so với các nước ở phương Tây. Việc kích thước lớn, bề mặt rộng nhưng độ dày lại mỏng đang khiến cho việc chịu lực trở nên rất kém. Chưa kể tới việc gạch đá lát vỉa hè chỉ phục vụ cho người đi bộ nhưng một số nơi hiện nay đang trở thành bãi đỗ xe ô tô, xe máy dẫn đến việc tuổi thọ của đá lát bị giảm nhanh chóng.
Được biết từ năm 2018 đến nay, để triển khai tốt kỹ thuật thi công lát hè cũng như chất lượng vật liệu, tạo chỉnh trang vỉa hè tại các tuyến phố, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Trong đó có quy định cụ thể về chất lượng đá lát phải bảo đảm độ cứng vạch bề mặt và độ chịu mài mòn, cường độ nén uốn.
Theo đó, Sở Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương khi triển khai thi công lát đá vỉa hè cần tuân thủ nghiêm quy trình nghiệm thu 3 bước: Chỉ triển khai khi đáp ứng yêu cầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, toàn bộ mặt nền hè đường phải được đầm chặt theo thiết kế, bảo đảm độ dốc thiết kế và phải tổ chức nghiệm thu trước khi đổ bê tông; bê tông phải bảo đảm về cường độ, chiều dày đối với từng loại kết cấu hè, độ dốc, nghiệm thu xong mới thực hiện lát đá; đá lát phải được kiểm tra bảo đảm yêu cầu chất lượng trước khi lát và sau khi kết thúc lát đá phải nghiệm thu bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật.
Ông Đinh Văn Hải - đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết đã nắm được tình trạng vỉa hè tại một số tuyến đường trên địa bàn bị xuống cấp, hư hỏng. Để khắc phục bất cập trên, trong thời gian tới đây UBND quận Thanh Xuân sẽ thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, cải tạo, duy tu các đường, ngõ và khu vực vỉa hè bị xuống cấp. Dự kiến trong tháng 11/2022 sẽ thực hiện sửa chữa các khu vực vỉa hè trên hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Trọng Tấn.