Đại dịch Covid khiên gia tăng trẻ em bị xâm hại

Chia sẻ

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội khiến trẻ em bị cô lập và đối mặt với nhiều rủi ro. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em đau lòng đã xảy ra…

Một vụ việc xâm hại tình dục vừa mới được phát hiện tại một huyện ngoại thành Hà Nội gây chấn động dư luận, một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trong giai đoạn giãn cách xã hội. Theo đó, ngày 24/8, chị V (mẹ đơn thân) phát hiện cô con gái (15 tuổi) bị mất kinh nguyệt, đau bụng kèm bụng to nên đưa con đi siêu âm và tá hoả khi con đã mang bầu thai đôi 18 tháng, trong đó có 1 thai lưu. Gặng hỏi, con gái chị mới mếu máo thừa nhận đã bị người tình của mẹ nhiều lần xâm hại tình dục dẫn đến có thai. Sau khi sự việc bị phát giác, “người tình” của chị V vì quá xấu hổ nên uống thuốc sâu tự tử. Con gái chị V mặc dù đã được phẫu thuật thành công, tính mạng được đảm bảo nhưng tổn thương về tâm lý, sức khoẻ sẽ không dễ lành lại. 

Đại dịch Covid khiên gia tăng trẻ em bị xâm hại - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Trong tháng 7/2021, công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cũng nhận được đơn trình báo của chị N về việc con gái (sinh năm 2017) bị nam thanh niên hàng xóm xâm hại khi sang chơi. Hiện cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, đồng thời đưa cháu bé đi giám định thương tích và ADN…

Từ đầu năm đến nay, dư luận xã hội không ít lần phẫn nộ vì những vụ việc xâm hại trẻ em bị phanh phui. Như vụ cháu bé N.H.B (12 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) bị mẹ đẻ bạo hành và người tình của mẹ xâm hại nhiều lần. Hay trong tháng 4/2021, một số vụ việc xâm hại trẻ em có tính chất nghiêm trọng, nạn nhân tuổi còn rất nhỏ, như trường hợp bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị xâm hại dẫn đến tử vong, bé gái 2 tuổi ở Bình Thuận bị xâm hại tình dục… Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2021, trong số hàng nghìn cuộc gọi đến tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thì tỷ lệ cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng mạnh ở các nội dung liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em (chiếm 52,3%, tăng 13,3% so với 6 tháng đầu năm 2020)… 

Thực tế, đa số thủ phạm của các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen. Theo Báo cáo số 51/BC-CP của Chính phủ ngày 18/2/2020, yêu râu xanh là người quen, hàng xóm chiếm 59,4%, người thân trong gia đình chiếm 21,3%, giáo viên và nhân viên nhà trường chiếm 6,15%. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số được đưa ra ánh sáng, còn nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em là người thân trong gia đình còn chưa được công khai. 

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho rằng, giai đoạn giãn cách xã hội, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại nhiều hơn. Lý do là trẻ không được đi lại, tâm lý bất ổn, có cơ hội tiếp xúc với các video độc hại nhiều hơn do tiếp xúc nhiều với điện thoại, máy tính nên phát sinh tính tò mò. Trẻ ở nhà lại thường ăn mặc mát mẻ, thoải mái, lúc ngủ trưa thường khó có ý thức việc bảo vệ mình trước ánh mắt của người khác giới như nam giới trong gia đình, hàng xóm sang chơi hay thậm chí bố dượng, bố đẻ... Thậm chí, nhiều trẻ tuổi teen không để ý đến việc ăn mặc khi có đàn ông hoặc người lạ trong nhà. Đây là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng, phát tác hành vi xâm hại.

 “Đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên, bắt đầu “trổ mã”, thường có sự hấp dẫn giới tính cao với nhiều người. Nếu các con chưa ý thức về giáo dục giới tính hay tự bảo vệ mình, ứng xử hớ hênh thì rất dễ có nguy cơ bị xâm hại. Do đó, cha mẹ đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, hãy giáo dục giới tính cho con từ bé để tạo thành một thói quen tốt như mặc đồ lót cho con từ sớm kể cả trẻ trai và trẻ gái, giúp con có ý thức bảo vệ và che đi phần nhạy cảm. Trong gia đình mẹ đơn thân có bố dượng hoặc người tình của mẹ, người mẹ hãy luôn để mắt hoặc tách con khỏi các mối quan hệ phức tạp, chỉnh sửa cách ăn mặc của con. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, người mẹ có thể vận động các thành viên giữ thời gian biểu điều độ, thường xuyên tập thể dục để giải phóng năng lượng dư thừa…” – TS Vũ Thu Hương cho biết. 

Chuyên gia tâm lý, giáo dục và trị liệu trẻ em Trần Thị Mạnh Linh cũng cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến tâm lý xã hội có nhiều áp lực. Giãn cách xã hội khiến cho nhiều gia đình phải ở nhà, trẻ em không được đến trường. Bố mẹ thì mất việc, giảm hoặc mất thu nhập, áp lực kinh tế gia tăng nhưng lại không thể san sẻ, giải toả. Trẻ con phải học online ở nhà, lướt internet nhiều hơn, không được tiếp xúc trực tiếp với xã hội… khiến nhiều người rơi vào tình cảnh bí bách, kích hoạt tình trạng bạo lực, xâm hại nhiều hơn. Hơn nữa, do nghỉ dịch ở nhà, thời gian người lớn tiếp xúc với trẻ nhiều hơn, dễ nảy sinh xung đột hoặc có ý đồ xâm phạm trẻ. “Xâm hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ. Các tổn thương có thể nhìn thấy như: gãy chân, gãy tay, tổn thương bộ phận sinh dục, có thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng khả năng làm mẹ trong tương lai… trẻ còn bị sang chấn tâm lý, bị trầm cảm, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội như hiện nay, việc các em không được tiếp xúc bên ngoài, nguy cơ sang chấn tâm lý, trầm cảm càng có điều kiện thuận lợi để gây đau khổ cho người bệnh” -Thạc sỹ Mạnh Linh lo ngại. 

Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ hãy tận dụng giai đoạn giãn cách xã hội để đọc sách, thảo luận cùng con về phòng ngừa xâm hại tình dục, thực tập các trường hợp giả định cùng con để con có các kỹ năng tự bảo vệ mình. Cha mẹ, các tổ chức có thể liên hệ với tổng đài 111 để được hướng dẫn, tư vấn về an toàn cho trẻ em, chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội, hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp để bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em…

Báo động bạo lực gia đình gia tăng trong thời gian giãn cách xã hội

Tình trạng bạo lực gia đình tăng trong thời gian giãn cách xã hội trở nên báo động với số lượng các cuộc gọi đến tổng đài Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em không ngừng gia tăng.

Thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài 1900.969680 đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi, tăng khoảng 140% so với năm 2020, trong đó 83% các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình. Tính riêng số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019. Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài là cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của các phụ nữ khu vực miền Nam. Còn tại Hà Nội, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch vụ của Ngôi nhà Bình yên tại Cần Thơ hỗ trợ 12 người tạm trú, tăng 266% so với năm 2020 (6 tháng đầu năm 2020, tiếp nhận mới 3 người tạm trú). Điều đáng nói, trong thời gian giãn cách xã hội, không chỉ phụ nữ là đối tượng bị bạo lực gia đình mà trẻ em cũng trở thành nạn nhân bị bạo lực. Theo khảo sát của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam, có 32,5% số trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm trong thời gian giãn cách xã hội. Nhiều em nhỏ bị chính cha, mẹ có hành vi bạo hành trong khoảng thời gian này do những áp lực về việc làm và kinh tế bị giảm sút.

Nguyễn Huyền

 QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Xử lý “nửa với” vi phạm ở bãi tập kết than, cát

Xử lý “nửa với” vi phạm ở bãi tập kết than, cát

(PNTĐ) - Liên quan đến vấn đề vi phạm trong sử dụng đất đai và tự ý thành lập bến, bãi trung chuyển cát, than, vật liệu xây dựng tại xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm (Hà Nội), ngày 27/6/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài: “Siết chặt quản lý đất nông nghiệp vùng bãi ở Gia Lâm”. Gần đây, người dân tiếp tục phản ánh bãi than lại có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan

Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan

(PNTĐ) - Hàng chục hộ dân làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế nhà lạnh bảo quản hoa xây dựng trên đất nông nghiệp. Các hộ dân ở đây mong muốn được cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ tạo điều kiện cho giữ lại những cơ sở thiết yếu nhất để được ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản hoa khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.
Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?

Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?

(PNTĐ) - Dù chưa được cấp phép hoạt động, nhưng tại khu vực bãi sông thuộc thôn Hoà Bình, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (còn được gọi là cảng Hòa Bình) có tới 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn, vẫn đang diễn ra hoạt động tập kết, trung chuyển than, cát rầm rộ gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận.
Quyết định hành chính sai, người dân và doanh nghiệp lao đao!

Quyết định hành chính sai, người dân và doanh nghiệp lao đao!

(PNTĐ) - 16 năm trước, dự án Nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đồng Quang thuộc địa bàn 2 xã Đồng Quang và Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội từng được gọi là “siêu dự án” với kỳ vọng đổi thay diện mạo cả vùng. Song đến nay, dự án này vẫn đang dang dở, nhiều vướng mắc liên quan đến các sai phạm chưa được tháo gỡ, còn người dân thì thắt lòng chờ đợi “bờ xôi ruộng mật” nay để hoang phế.