Phường Định Công, Quận Hoàng Mai, Hà Nội:

Dân bức xúc vì công tác kiểm đếm, thu hồi đất

HẠNH HOA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có nhiều dấu hiệu bất thường, thiếu minh bạch trong công tác kiểm đếm, thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) 03 Dự án đầu tư xây dựng trường THCS, Tiểu học, Mầm non Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Dân bức xúc vì công tác kiểm đếm, thu hồi đất  - ảnh 1
Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Hoa Dung phản ánh có nhiều dấu hiệu bất thường, thiếu minh bạch trong công tác kiểm đếm, thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) 03 Dự án đầu tư xây dựng trường THCS, Tiểu học, Mầm non Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Hoa Dung - đại diện cho một số hộ dân sinh sống tại ngõ 146 Định Công Hạ, thuộc Tổ 6 phường Định Công (Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết: Có nhiều dấu hiệu bất thường, thiếu minh bạch trong công tác kiểm đếm bắt buộc về đất và công trình, tài sản trên đất khi phường Định Công và BQL Dự án Đầu tư xây dựng (ĐTXD) quận Hoàng Mai thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) 03 dự án ĐTXD trường THCS, Tiểu học, Mầm non Định Công.

Dân bức xúc vì công tác kiểm đếm, thu hồi đất  - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Hoa Dung cung cấp cho PV các thông tin liên quan đến khu đất 80m2 của mình tại địa chỉ nhà số 04 ngõ 146 Định Công Hạ.

Bước đầu xác minh đơn thư cho thấy, ngày 16/03/2023, UBND quận Hoàng Mai ban hành Quyết định số 435/QĐ-UBND. Điều 1 Quyết định này cho biết: “Áp dụng biện pháp kiểm đếm bắt buộc đối với bà Nguyễn Thị Hoa Dung đang sử dụng thửa đất số 101 (3)-1; 95 (1) thuộc tờ bản đồ địa chính số 8 phường Định Công”.

Tuy nhiên, theo bà Hoa Dung, gia đình bà không đồng thuận với cách thức thực hiện thu hồi đất thực hiện các Dự án nêu trên. Do đó, không chấp nhận phương án kiểm đếm bắt buộc. Gia đình bà Hoa Dung hiện đã có đơn thư khiếu nại khẩn cấp đối với Quyết định số 435/QĐ-UBND. Đồng thời, có đơn thư nêu rõ các vấn đề khúc mắc, hồ nghi về những dấu hiệu bất thường, thiếu minh bạch trong công tác thu hồi đất, GPMB tại phường Định Công.

Kiểm đếm không đúng tình hình thực tế?

Tìm hiểu về các lý do khiến gia đình bà Hoa Dung không chấp nhận phương án kiểm đếm bắt buộc thể hiện trong Quyết định số 435/QĐ-UBND cho thấy: Quá trình kiểm đếm đất đối với gia đình bà tại thửa đất gắn với biển số nhà 4 ngõ 146 Định Công Hạ, UBND phường Định Công và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận (BQL DA ĐTXD quận Hoàng Mai) chỉ xác nhận “dự kiến thu hồi” là 35,7m2. Trong khi thực tế, gia đình đã đóng thuế đất phi nông nghiệp, đất ở đô thị từ năm 2017 với diện tích chịu thuế là 80m2. Trước đó, ông Sơn đã đóng thuế từ năm 2012, cũng với diện tích chịu thuế là 80m2. Như vậy là mảnh đất này đã đóng thuế đất phi nông nghiệp, đất ở đô thị hơn 10 năm.

Dân bức xúc vì công tác kiểm đếm, thu hồi đất  - ảnh 3
Lý do khiến gia đình bà Hoa Dung không chấp nhận phương án kiểm đếm bắt buộc là do chỉ được xác nhận “dự kiến thu hồi” là 35,7m2 trong thực tế diện tích đóng thuế hàng năm là 80m2

Về nguồn gốc đất của thửa đất tại biển số nhà 4 ngõ 146 Định Công Hạ, bà Hoa Dung cho biết, vào năm 2013, gia đình bà nhận chuyển nhượng đất này của ông Nguyễn Anh Sơn, với diện tích sử dụng là 80m2. Khi nhận chuyển nhượng đất từ hộ ông Sơn, đất không có tranh chấp - ông Sơn có cung cấp cho bà Hoa Dung bản xác nhận của các hộ liền kề chứng minh đất không tranh chấp. Từ năm 2013 đến nay, không chỉ nộp thuế, được gắn biến số nhà, các hồ sơ điện nước đều mang tên chính chủ Nguyễn Thị Hoa Dung.

Ấy vậy mà khi kiểm đếm, UBND phường Định Công và BQL DA ĐTXD quận Hoàng Mai chỉ xác nhận “dự kiến thu hồi” là 35,7m2 trong toàn bộ khuôn viên 80m2. Lý giải điều này, tại Văn bản số 570/UBND ngày 30/11/2022 về việc “trả lời đơn công dân”, UBND phường Định Công xác nhận nguồn gốc đất như sau:

Ông Nguyễn Duy Nhậm được giao đất sản xuất nông nghiệp tại tờ số 8, thửa đất 103 (3), diện tích 252m2. Ông Nguyễn Trọng Nhạ (con trai ông Nhậm) chuyển nhượng cho ông Nguyễn Xuân Ngọc và vợ là Nguyễn Thị Lan Anh với diện tích là 28,6m2 đất.

Bà Nguyễn Thị Ngô được giao đất sản xuất nông nghiệp tại tờ số 8 thửa đất 95 diện tích 115m2. Bà Ngô chuyển nhượng cho ông Nguyễn Xuân Ngọc và bà Lan Anh 51,7m2 đất.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc giao đất cho con trai là Nguyễn Anh Sơn 80 m2 đất. Ông Sơn chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Hoa Dung 80m2 đất”.

Xác nhận ông Sơn chuyển nhượng 80m2 đất cho bà Hoa Dung nhưng UBND phường Định Công chỉ “thu hồi đất đối với gia đình bà Hoa Dung với diện tích dự kiến thu hồi là 35,7m2 (trong đó có 28,6m2 đất ông Ngọc là bố của ông Sơn nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Trọng Nhạ)”.

Trong khi đó, ở một diễn biến khác, cũng trong Văn bản số 570/UBND ngày 30/11/2022, UBND phường Định Công cung cấp thông tin: “Ngày 9/9/2022, UBND quận Hoàng Mai đã có Thông báo số 648/TB-UBND về thu hồi đất đối với hộ bà Nguyễn Thị Ngô là chủ được giao đất với diện tích dự kiến thu hồi là 47,3m2 (là phần diện tích ông Nguyễn Xuân Ngọc, bố của ông Nguyễn Anh Sơn nhận chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Ngô)”.

Điều này khiến bà Dung vô cùng bức xúc và cho rằng, vô hình chung các cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy người dân vào những tranh chấp phức tạp?!

Quá khó hiểu khi UBND phường Định Công thừa nhận việc “Bà Nguyễn Thị Ngô chuyển nhượng cho ông Nguyễn Xuân Ngọc (bố ông Nguyễn Anh Sơn) 51,7m2 đất” từ trước đó, xong đến khi kiểm đếm, thu hồi đất, lại coi như không thừa nhận việc chuyển nhượng này, lại quy về chủ cũ, để thu hồi đất của người chủ cũ?!

Người dân đặt câu hỏi rằng, việc chuyển nhượng giữa ông Sơn và bà Hoa Dung là rõ ràng. Ông Sơn không tranh chấp, bà Ngô không đòi lại đất, vậy hà cớ gì UBND phường Định Công xác định nguồn gốc đất lại quỹ đất này cho bà Ngô, để người dân lâm vào tình cảnh hoang mang tột độ, lo lắng bất an trước nguy cơ đã mất đất ở còn bị đền bù thiếu chính xác!?

Tại sao chưa công khai Bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500?

Trong đơn thư gửi tới báo Phụ nữ Thủ đô, bà Nguyễn Thị Hoa Dung cho biết, là hộ dân được xác định kiểm đếm bắt buộc nhưng chúng tôi không biết thông tin gì về Dự án. Chúng tôi đòi hỏi phải được thấy Bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500. Bởi bản đồ này được xem là cơ sở để xác định, giải quyết các vấn đề về đền bù, di dân, giải phóng mặt bằng,... Nếu được cung cấp Bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500, chúng tôi sẽ thấy các chi tiết bố trí cụ thể tất cả các công trình trên đất; đồng thời thấy tổng thể về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết bố trí đến từng ranh giới lô đất.

Dân bức xúc vì công tác kiểm đếm, thu hồi đất  - ảnh 4
Bà Hoa Dung và những người phụ nữ sinh sống tại ngõ 146 Định Công Hạ chia sẻ về những bức xúc của mình với PV báo Phụ nữ Thủ đô

Chúng tôi hồ nghi rằng, khu đất tại ngõ 146 Định Công Hạ không thuộc khu vực thực hiện 03 Dự án đầu tư xây dựng trường THCS, Tiểu học, Mầm non Định Công. Bởi nếu thuộc khu vực này, tại sao UBND phường Định Công, UBND quận Hoàng Mai không công bố công khai, mặc dù người dân chúng tôi liên tục đòi hỏi được xem?”, bà Nguyễn Thị Lan Anh, nhà số 10; bà Nguyễn Thị Vân, nhà 10C và các ông, bà: Hòa, Hạnh, Kim, Bế, Dẻo, Ngân, Thư, Bằng, Ngô,… sinh sống tại ngõ 146 Định Công Hạ cho biết thêm.

Có hay không sự chưa hợp lý trong các căn cứ thu hồi đất?!

Trao đổi với PV, người dân cho biết, theo quy định tại các Điều 61, 62, 64, 65 Luật Đất đai năm 2013, việc thu hồi đất dựa vào 4 căn cứ sau đây: Thứ nhất, vì mục đích quốc phòng an ninh (Điều 61); thứ hai, để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng (Điều 62); thứ ba, do vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 64); thứ tư, do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (Điều 65).

Từ quy định trên, cần xem xét việc thực hiện 03 Dự án đầu tư xây dựng trường THCS, Tiểu học, Mầm non Định Công và dự án xây dựng các tuyến đường vào trường THCS, Tiểu học, Mầm non Định Công được căn cứ vào điều khoản nào, cần giải thích rõ cho người dân nắm được.

Báo Phụ nữ Thủ đô kính chuyển đơn thư và đề nghị UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Định Công cung cấp các thông tin liên quan, để các cơ quan báo chí có thể làm cầu nối giúp người dân và chính quyền tìm thấy tiếng nói chung, thấy được bản chất vấn đề; giúp giải thích cho người dân một cách thấu đáo, “giải mã” sự việc đúng luật, hợp tình hợp lý; không để người dân bức xúc kéo dài, gây mất ổn định an ninh chính trị địa phương.

Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này trong các bài viết tiếp theo.

 

 

Tin cùng chuyên mục

Cần chế tài giám sát các trang mạng xã hội

Cần chế tài giám sát các trang mạng xã hội

(PNTĐ) - Công an quận Tây Hồ vừa đưa ra khuyến cáo đối với các gia đình trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phòng tránh xâm hại trẻ em trên mạng. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây.
Sản phẩm Nga Phụ Khang “lột xác” tiếp tục quảng cáo trái phép

Sản phẩm Nga Phụ Khang “lột xác” tiếp tục quảng cáo trái phép

(PNTĐ) - Sau khi Báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh dấu hiệu quảng cáo sai sự thật liên quan sản phẩm Nga Phụ Khang do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu phân phối, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, ngay lập tức, nhãn hàng này lại tiếp tục “lột xác” để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh…
Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô số 44 ra ngày 30/10/2024 có bài “Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?” ghi nhận tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Đến nay, bạn đọc của Báo phản ánh, các cơ sở vi phạm tiếp tục hoạt động rầm rộ, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ“

Hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ“

(PNTĐ) - 14 năm trước, chợ Mai Lĩnh nằm bên đường Quốc lộ 6, gần cầu Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông được đầu tư xây dựng, sau khi đưa vào sử dụng thì lại gặp phải hàng loạt những hạn chế, nhất là không thuận tiện cho việc mua bán của tiểu thương với người dân dẫn đến nhiều diện tích bỏ không, trong khi người dân lại thiếu chỗ họp chợ.
Vi phạm cũ có thể làm ngơ?

Vi phạm cũ có thể làm ngơ?

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài viết Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình? đăng ngày 30/10/2024 về tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Bạn đọc tiếp tục phản ánh, các cơ sở vi phạm hiện đang hoạt động rầm rộ, khiến dư luận bức xúc bởi ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và gây ô nhiễm môi trường.