Dự án xây dựng cầu Chiếc (huyện Thường Tín, Hà Nội):

Hơn 5 năm thi công dang dở, người dân sống trong bụi cát

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Dự án đầu tư xây dựng cầu Chiếc bắc qua sông Nhuệ, thuộc địa phận xã Hiền Giang, huyện Thường Tín có tổng mức đầu tư hơn 115,5 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Hà Nội, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích về giao thông, giao thương cho người dân địa phương và khu vực. Tuy nhiên, hơn 5 năm nay cầu và nhiều hạng mục đã xong, còn phần đường dẫn lên cầu rơi vào cảnh dở dang khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hơn 5 năm thi công dang dở, người dân sống trong bụi cát - ảnh 1
Khu vực đường dẫn lên cầu Chiếc (mới) thi công dở dang.

Vướng mắc trong trả tiền đền bù 
Trên tuyến Tỉnh lộ 427, tại Km8-255, cầu Chiếc mới bắc qua sông Nhuệ thuộc địa phận xã Hiền Giang, huyện Thường Tín được xây dựng nhằm thay thế cầu Chiếc (cũ - được xây dựng từ những năm 1980 đã xuống cấp). Do cầu Chiếc cũ nhỏ, hẹp, xuống cấp, lại thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, nên ngày 18/11/2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6341/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Chiếc (ở vị trí cách cầu cũ chừng 100m).

Tổng mức đầu tư dự án cầu Chiếc mới là hơn 115,5 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố, được khởi công năm 2017, thực hiện trong 2 năm 2017-2018. Thiết kế cầu có chiều dài 1,1km (gồm cầu Chiếc và đường dẫn hai đầu cầu), chiều rộng 18,5m. Cầu Chiếc mới được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn 2 huyện Thường Tín và Thanh Oai.

Ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô vào ngày 7/8/2023, cầu Chiếc mới đã được xây dựng, rải thảm nhựa, có hệ thống cột đèn chiếu sáng, nhưng vẫn chưa được sử dụng. Quan sát phía đường đi vào đầu cầu phía thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, đường dẫn lên cầu hiện có 2 chiếc xe ôtô đỗ, các hộ dân vẫn có dấu hiệu đang sinh sống và trẻ em đang chơi đùa ở khu bãi cát ở đường dẫn lên cầu đang thi công dở dang. Hiện việc thi công cũng đang được dừng.

Là một trong số các hộ dân đang sinh sống tại vị trí đường dẫn lên cầu Chiếc (mới) bà Nguyễn Thị Hằng cho biết: Chúng tôi còn 6 hộ thuộc diện phải di dời thực hiện dự án, mọi người đều đồng thuận, chấp hành theo quy định của Nhà nước. Hiện nay, 6 hộ gia đình đã được giao đất tái định cư ở vị trí mới là đất mặt đường (gần cầu Chiếc cũ), chúng tôi rất đồng thuận. Tuy nhiên, khi chúng tôi xây dựng nhà mới thì ở đó lại không có điện, nước, hệ thống cống rãnh xây rồi vỡ, không nắp đậy. Các hộ phải kéo nhờ đường điện của hàng xóm, khoan giếng để phục vụ việc xây dựng nhà ở mới. Đặc biệt, hiện mới có 3 hộ được nhận tiền bồi thường hỗ trợ, còn 3 hộ chưa được nhận tiền, hoặc chưa đủ tiền; cả 6 hộ đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vị trí mới. 

Chính vì những bất cập trên mà các hộ dân đang vẫn phải ở nhà cũ trong điều kiện đầy khó khăn bộn bề, như: Nhà cửa xập xệ, công trình dẫn lên cầu ngổn ngang cát, ngày nắng gió thì bụi khắp nhà, ngày mưa là nước ngập tràn cả vào nhà, hỏng hết đồ đạc… Cuộc sống tạm bợ của 6 hộ gia đình này đã diễn ra hơn 6 năm nay, kể từ khi dự án bắt đầu được triển khai. Nếu đúng tiến độ thì cầu mới đã hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn hơn 5 năm mà hiện trạng cây cầu thi công vẫn còn dang dở. 

Việc cầu thi công dang dở này đang làm ảnh hướng lớn đến cuộc sống của 6 hộ dân và công việc, kế sinh nhai của họ, như chị Nguyễn Thị Hằng đã không bán hàng được, khiến giảm nguồn thu nhập. Đồng thời làm lãng phí ngân sách, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và các phương tiện giao thông trong khi cầu cũ đã xuống cấp.

Đề nghị sớm hoàn thành việc chi trả đền bù cho người dân
Lý giải về việc dự án thi công dang dở, ông Lê Tuấn Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín cho biết: Nguyên nhân chính khiến cầu Chiếc (mới) chưa hoàn thành chính là do vẫn chưa giải phóng xong diện tích đất ở của 6 hộ dân ở thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang. Dự án có tổng diện tích thu hồi đất là 27.708m2, trong đó, đã giải phóng xong mặt bằng hơn 27.300m2 đất công, đất nông nghiệp, đất do các doanh nghiệp quản lý; hiện nay còn hơn 300m2 đất ở của 6 hộ dân được bố trí tái định cư là chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Tính đến cuối năm 2022, sau khi có kết quả thẩm định giá đất của Thành phố, UBND huyện Thường Tín đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do chưa đủ kinh phí chi trả, đến nay mới có 3/6 hộ nhận đủ tiền đền bù, 3/6 hộ chưa được nhận hoặc nhận một phần tiền. Chính vì vậy, các hộ chưa bàn giao đất.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, hiện nay số tiền đền bù cho các hộ chỉ còn hơn 3 tỷ đồng. Vì vậy, Ban đã báo cáo và Thành phố có văn bản chỉ đạo các sở, ngành bố trí nốt số tiền để chi trả cho các hộ dân. 

Thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội bố trí nguồn vốn chi trả cho các hộ dân. Sau khi các hộ nhận tiền, bàn giao mặt bằng, Ban sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành công trình trong năm 2023.

Với những thông tin trên cho thấy, việc dự án thi công dở dang chủ yếu là do vấn đề kinh phí chưa được đưa về để chi trả đủ cho các hộ dân. Vì vậy, để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để cây cầu mới được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống ở nhà tái định cư cũng như tránh gây lãng phí ngân sách Thành phố đã đầu tư.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xã Đông La xử lý “nóng” các công trình mới phát sinh vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Xã Đông La xử lý “nóng” các công trình mới phát sinh vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

(PNTĐ) - Sáng 8/5, UBND xã Đông La (huyện Hoài Đức) tổ chức ra quân, xử lý “nóng” công trình mới phát sinh vi phạm trên đất nông nghiệp tại các khu đồng:  Thôn Đông Lao, Cửa Miếu, Bãi Ngoài, Cửa Đình, bãi Đồng Nhân, Đống Tranh Ngoài, Đống Tranh Trong, thôn Đồng Nhân, Đống Thiêng thôn La Tinh.