Không được cầm cố Sổ bảo hiểm xã hội

Chia sẻ
 
Câu hỏi
 
Xin hỏi Báo cho chúng em được biết: Người lao động có được đem sổ bảo hiểm xã hội đang giữ để cấm cố đảm bảo nghĩa vụ vay tiền hay không? Giả sử người nhận cầm cố làm mất, chúng em có được xin cấp lại hay không?
 
Hồ Hoàng Nam – Hà Nội
 
 
Trả lời
 
Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.
 
Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
 
Như vậy, về nguyên tắc, người có tài sản thuộc quyền sở hữu của mình có thể giao tài sản đó cho người khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay. Tuy nhiên, tài sản bảo đảm phải đáp ứng yêu cầu được quy định tại Điều 295 của Bộ luật này. Đó là:
 
“1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm”.
 
Một trong những quyền của người lao động, theo khoản 2 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là “được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội”. Người lao động được tham gia và hưởng các chế độ xã hội. Đồng thời, họ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ như đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo quản sổ bảo hiểm xã hội…
 
Khoản 1 Điều 96 của Luật này quy định: “Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này”. (Đến năm 2020, sổ bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội).
 
Sổ bảo hiểm xã hội là cơ sở để Cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho từng người lao động. Hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đều yêu cầu có giấy tờ này. Và việc hưởng chế độ bảo hiểm chỉ được giải quyết cho chính người có tên trên Sổ bảo hiểm xã hội, không được chuyển giao cho người khác. Cho nên, có thể khẳng định, Sổ bảo hiểm xã hội không đáp ứng yêu cầu là tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Nói cách khác, người lao động không thể sử dụng Sổ bảo hiểm xã hội để cầm cố vay tiền. Người cho vay, nếu nhận Sổ bảo hiểm xã hội làm tài sản bảo đảm sẽ gặp rủi ro.
 
Bởi vì, Điều 303 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau:
 
“1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
 
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
 
Việc bán tài sản cầm cố, thế chấp được quy định tại Điều 304 của Bộ luật này. Cụ thể:
 
“1. Việc bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
 
2. Việc tự bán tài sản cầm cố, thế chấp của bên nhận bảo đảm được thực hiện theo quy định về bán tài sản trong Bộ luật này và quy định sau đây:
 
a) Việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 307 của Bộ luật này;
b) Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản”.
 
Do gắn với nhân thân người có tên trên Sổ bảo hiểm xã hội khi hưởng các chế độ bảo hiểm, khi phải xử lý tài sản bảo đảm, ví dụ: bán sổ bảo hiểm này cho người khác sẽ vi phạm điều kiện giao dịch mua bán.
 
Khi Sổ bảo hiểm bị mất, người lao động có thể đề nghị cấp lại. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý, nếu đem Sổ bảo hiểm xã hội cầm cố cho người khác, sau đó báo mất để được cấp lại là hành vi vi phạm pháp luật.
 
Đó là vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ như sau: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.
 
Người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
 
PV 

Tin cùng chuyên mục

Chợ “tiền tỷ” Xuân Phương, Phúc Lý bỏ hoang hàng chục năm

Chợ “tiền tỷ” Xuân Phương, Phúc Lý bỏ hoang hàng chục năm

(PNTĐ) - Theo phản ánh của người dân, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã ghi nhận tại hai công trình xây dựng chợ Xuân Phương (xã Xuân Phương) và chợ Phúc Lý (phường Tây Tựu) hiện đang trong tình trạng dở dang, bỏ hoang cho cỏ mọc, trở thành nơi đổ rác, mất vệ sinh, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Trẻ em không còn an toàn ngay trong nhà mình

Trẻ em không còn an toàn ngay trong nhà mình

(PNTĐ) - Hiện nay, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối. Vụ việc bé gái 3 tuổi bị xâm hại cho thấy, mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bất kể giới tính, độ tuổi hay hoàn cảnh sống.
Chính quyền xã mới ra quân xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng

Chính quyền xã mới ra quân xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng

(PNTĐ) - Ngay trong những ngày đầu thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, ở nhiều nơi có tình trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo chính quyền xã mới đã ra quân xử lý vi phạm, tăng cường tuyên truyền cho người dân tự tháo dỡ, và để không phát sinh vi phạm mới.
“Hô biến” hơn 660m2 đất công thành đất tư, chính quyền xã làm ngơ?

“Hô biến” hơn 660m2 đất công thành đất tư, chính quyền xã làm ngơ?

(PNTĐ) - Bức xúc về việc hai hộ dân ngang nhiên vi phạm lấn chiếm đất công, biến đất công thành đất tư, rồi xây dựng nhà, tường bao để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn m2, người dân ở thôn Tân Dân 2, xã Thanh Oai mới (trước đây là xã Phương Trung) đã gửi đơn đến Báo Phụ nữ Thủ đô kêu cứu.
Xã Đông La xử lý “nóng” các công trình mới phát sinh vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Xã Đông La xử lý “nóng” các công trình mới phát sinh vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

(PNTĐ) - Sáng 8/5, UBND xã Đông La (huyện Hoài Đức) tổ chức ra quân, xử lý “nóng” công trình mới phát sinh vi phạm trên đất nông nghiệp tại các khu đồng:  Thôn Đông Lao, Cửa Miếu, Bãi Ngoài, Cửa Đình, bãi Đồng Nhân, Đống Tranh Ngoài, Đống Tranh Trong, thôn Đồng Nhân, Đống Thiêng thôn La Tinh.