Sửa Luật Đất đai 2013: Thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực

Kỳ 1: Hô biến đất công với giá siêu rẻ để trục lợi

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (4/5/2022) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị, phải tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp?... Do đó, Luật Đất đai sửa đổi lần này phải giải quyết được các vấn đề Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề ra.

Kỳ 1: Hô biến đất công với giá siêu rẻ để trục lợi  - ảnh 1
Khu vực núi Chín Khúc, TP Nha Trang - dự án trong vụ án ông Nguyễn Chiến Thắng cựu Chủ tịch UBND tình Khánh Hòa vi phạm
Ảnh: Int

Thời gian qua, hàng loạt đại án liên quan đến đất đai ở các địa phương, đã có nhiều cán bộ cấp cao, cả cán bộ đang là Ủy viên Trung ương Đảng đã bị kỷ luật, bị cách các chức vụ trong Đảng, chính quyền, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, gây thất thoát tài sản của Nhà nước lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Và không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai.

Cán bộ, đảng viên “nhúng chàm” vì… trục lợi từ đất
Riêng từ đầu năm đến nay, trên dải đất hình chữ S, đã có hàng loạt các quan chức là những người đứng đầu ở các tỉnh thành phố Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đã bị xướng tên, luận tội tại các phiên tòa kéo dài nhiều ngày vì các vụ đại án phức tạp với quy mô diện tích đất, số tiền, tài sản gây thiệt hại lớn, cũng như “mũ quan” cao, gây rúng động dư luận xã hội. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 23/6/2022. “Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”. 

Những mái đầu bạc, bóng xế đã nghỉ hưu đến cả chục năm vẫn phải lĩnh án vì vi phạm từ khi còn đương nhiệm, như cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng dù đã nghỉ hưu hơn 6 năm vẫn phải lĩnh án 5 năm 6 tháng tù; ông Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng mức án 4 năm 6 tháng tù. Ba vị cựu lãnh đạo này đã bị tòa tuyên án vào ngày 13/4/2022 trong vụ "vi phạm về quản lý đất đai" trong quá trình thực hiện 2 dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn tự và biệt thự Sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc tại TP Nha Trang rộng hơn 500ha, tọa lạc ven biển.

Tại các thành phố lớn, sầm uất, mỗi “tấc đất tấc vàng”, mỗi dự án tấc kim cương đã được các “quan to” hô biến thành giá rẻ, siêu rẻ để cùng doanh nghiệp trục lợi. Để rồi, dưới ánh sáng của công lý, hàng loạt quan chức khi bị bắt còn đang đương nhiệm, các vị trí đứng đầu địa phương cũng phải lĩnh án bởi những vi phạm “tày đình”. Điển hình là ngày 30/8 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với 28 bị cáo liên quan đến vụ án "đất vàng" tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương ông Trần Văn Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cùng lĩnh án 7 năm tù; ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2) tổng hình phạt là 27 năm tù, cùng 25 cán bộ lãnh đạo tỉnh đã bị tuyên án phạt tù trong đại án bán rẻ 188ha "đất vàng" cho tư nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước, xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2). 

Ngày 4/8 vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên phạt hai cựu lãnh đạo là ông Phan Hòa Bình, cựu Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu và ông Trương Văn Trí, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - mỗi người 18 tháng tù treo trong vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và "sử dụng trái phép tài sản" xảy ra tại dự án Trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp (Metropolitan, phường 11, TP Vũng Tàu) do Công ty cổ phần địa ốc An Khang (Công ty An Khang) làm chủ đầu tư. 

Ngày 2/8 vừa qua, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang (51 tuổi) cùng ông Trần Công Thiện (57 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” có vụ liên quan chuyển nhượng giá rẻ đất công ở dự án khu dân cư Phước Kiển, diện tích 32ha tại huyện Nhà Bè và 169.229m2 đất tại dự án Khu dân cư Ven Sông phường Tân Phong (Quận 7) gây thất thoát hơn 700 tỷ đồng của Nhà nước. Trước đó, ngày 9/6, trong vụ án xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) - công ty con của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn nhà nước), ông Tất Thành Cang đã bị tuyên án 8 năm 6 tháng tù cũng về tội danh trên. 

Đã thấy nhãn tiền, vẫn “nóng” khiếu kiện đất
Đất đai là lĩnh vực luôn “nóng”, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, không chỉ các đại án mà ở khắp nơi từ cấp thôn, xã, huyện, quận, tỉnh thành, đâu đâu cũng có rất nhiều những vi phạm về đất và có hàng trăm cán bộ, đảng viên đã “nhúng chàm”. 

Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 cho thấy, đã có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Riêng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Luật Đất đai năm 2013, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại, bất cập. 

Điển hình là đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo, lên đến hơn 60%. Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên hơn 80% năm 2020. Số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số vụ án. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều đối tượng… Các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp.

Riêng tại Hà Nội, đánh giá trong giai đoạn 2016-2021, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; số việc khiếu nại, tố cáo tăng khoảng 8,1% so với giai đoạn 2010-2015. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp vẫn còn phát sinh; một số đoàn đông người có biểu hiện lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để tạo áp lực với cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh trật tự. Giai đoạn 2016-2021, UBND Thành phố Hà Nội đã thụ lý 9.459 vụ việc khiếu nại, đã giải quyết 9.134 vụ (tỷ lệ 96,5%). Trong đó, 70% số vụ việc khiếu kiện kéo dài và phức tạp của thành phố liên quan đến đất đai.

 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã lưu ý các địa phương cần chú trọng giải quyết những vụ việc phức tạp ngay từ ban đầu, đặc biệt liên quan đến giải phóng mặt bằng khi xây dựng tuyến Vành đai 4, tranh chấp tại các tòa nhà chung cư... “Đây là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nên các địa phương cần quan tâm giải quyết, trong đó chú trọng củng cố và xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội tại đây”- ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.