Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders:

Kỳ 3: Bưng bít thông tin khủng hoảng, có dấu hiệu lừa đảo?

Lan Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Khẳng định luôn đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, nhưng những gì mà hệ thống Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders đang làm lại chứng minh điều ngược lại. Tiếp tục tìm hiểu sự việc, chúng tôi nhận thấy, Trung tâm này có dấu hiệu lừa đảo, cố tình dụ dỗ cha mẹ học sinh nộp tiền học phí ngay giữa lúc đang xảy ra khủng hoảng và chuẩn bị đóng cửa hàng loạt cơ sở.

Kỳ 3: Bưng bít thông tin khủng hoảng, có dấu hiệu lừa đảo? - ảnh 1
Biên lai thu tiền học phí đợt 2 (46 triệu đồng) của chị H.T vào ngày 31/8/2022 khi hệ thống trung tâm tiếng Anh Apax Leaders sắp đóng cửa hàng loạt. Ảnh: NVCC

Nộp học phí xong thì… trung tâm dừng hoạt động
Tiếp tục phản ánh tới Báo Phụ nữ Thủ đô, chị H.T (xin giấu tên), có con học tại trung tâm tiếng Anh Apax cơ sở Nguyễn Thị Thập, quận 7, TP Hồ Chí Minh cho biết: Chị bắt đầu cho con học tại trung tâm từ khoảng tháng 3/2021 với mức học phí đóng vào khoảng 46 triệu đồng cho 18 tháng học. Song, mới học được đến tháng 5 thì vướng dịch Covid-19 nên con chị phải nghỉ tới đầu năm 2022. Sau đó, con chị đi học trở lại tới tháng 8/2022. 

“Ngày 31/8/2022, nhân viên sale của trung tâm đã chủ động mời tôi đóng thêm học phí đợt 2 là 46 triệu đồng dù con tôi vẫn còn 8 tháng nữa mới hết thời gian học đợt 1. Nhân viên này nói trung tâm đang có chương trình hỗ trợ học sinh sau dịch Covid-19. Nếu tôi đồng ý đóng tiền sẽ được trung tâm tặng thêm 12 tháng học, bạn sale sẽ xin chính sách tặng tiếp tôi thêm 3 tháng học nữa. Tổng cộng, con tôi được học 27 tháng tiếng Anh. Tuy nhiên, chương trình sẽ kết thúc vào ngày 31/8 nên tôi phải… đóng tiền ngay mới được hưởng ưu đãi”. Tin lời nhân viên sale, chị H.T đã đồng ý. Do chị bận không đến nộp tiền tại trung tâm được, nhân viên sale này còn đến tận nhà chị, mang theo máy quẹt thẻ để thu 46 triệu đồng học phí đợt 2 của chị qua thẻ ngân hàng. 

Trớ trêu hơn, không chỉ bản thân nộp thêm tiền, chị H.T còn giới thiệu một người bạn nộp 52 triệu đồng học phí cho con cũng để nhận ưu đãi “hỗ trợ sau dịch”. 

Điều khiến chị H.T bất bình chính là vào thời điểm tháng 8/2022, hệ thống tiếng Anh Apax Leaders đã gặp khủng hoảng, nhiều giáo viên, nhân viên không được trả lương, nhiều cha mẹ học sinh đã yêu cầu được trả lại học phí do đóng tiền nhưng con không được học. Tuy nhiên, những thông tin bất lợi này đều bị giấu kín, thay vào đó, nhân viên sale vẫn hối thúc chị H.T nộp tiếp học phí cho cả năm tiếp theo. 

Vài ngày sau khi nộp học phí đợt 2, chị H.T bất ngờ đọc được thông tin trên báo về trung tâm tiếng Anh Apax Leaders cơ sở ở Buôn Ma Thuột đóng cửa. Chị lập tức nhắn tin cho nhân viên sale thì vẫn nhận được những lời an ủi đó chỉ là “sự kiện riêng lẻ và hiểu lầm về thông tin”. Cuối cùng, khi cả hệ thống trung tâm đều “vỡ trận”, chị H.T đã nhắn tin tới nhân viên sale khẳng định nếu biết trước tình hình, chị đã không nộp thêm tiền. Song, nhân viên này không nghe máy và cũng không phản hồi lại. 

Tổng cộng hai đợt, chị H.T đã nộp gần 100 triệu đồng nhưng con mới học được khoảng 10 tháng. Bi đát hơn, đợt 2 dù con chưa học được một buổi nào nhưng chị H.T hiện vẫn đang phải trả góp cho ngân hàng mỗi tháng khoảng 3,8 triệu đồng (đến nay vẫn còn phải trả 7 tháng nữa). Người bạn được chị giới thiệu đóng tiền học cả năm cho con cũng rơi vào tình cảnh như vậy. 

Những bất bình của chị H.T và các cha mẹ học sinh khác là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, những khủng hoảng của hệ thống trung tâm tiếng Anh Apax Leaders không phải là sự cố đột ngột, tức thời. Vậy nhưng, nhân viên của trung tâm vẫn cố tình lôi kéo cha mẹ học sinh nộp tiền.

 Một nạn nhân khác là chị G.Y.B cho biết chị được mời đóng tiền học cho con vào tháng 10/2022 (giai đoạn khủng hoảng cao điểm của trung tâm). Nhân viên sale nói nguyên giá của khóa học 27 triệu, nếu chị đóng luôn thì được giảm còn 22 triệu. Chị đã đồng ý, nhưng tiền vừa đóng, con chị mới học được khoảng 10 buổi thì trung tâm… dừng hoạt động.

 Nạn nhân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Như Báo Phụ nữ Thủ đô đã phản ánh, hiện nay, hàng loạt giáo viên và nhiều gia đình học sinh đang bị trung tâm tiếng Anh Apax Leaders xâm phạm quyền lợi. 

Kỳ 3: Bưng bít thông tin khủng hoảng, có dấu hiệu lừa đảo? - ảnh 2
Khi biết mình bị lừa nộp học phí, cha mẹ học sinh gọi điện tới chất vất thì nhân viên trung tâm đã không nghe điện thoại cũng như trả lời tin nhắn. 
Ảnh: NVCC

Theo luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, với các giáo viên bị nợ lương, về mặt pháp lý, họ đang trong mối quan hệ lao động với Trung tâm Apax thông qua hợp đồng lao động hợp pháp đã ký kết. Nếu người lao động không được trả tiền lương hoặc được trả nhưng không đủ, không đúng thời hạn như thỏa thuận thì có thể sử dụng một trong các cách sau đây để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Đầu tiên, người lao động cần gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của các bên, do đó, mọi vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động giải quyết bằng thỏa thuận là tối ưu nhất. 

Thứ hai, người lao động có thể khiếu nại hành vi không trả lương của người sử dụng lao động tới chính người sử dụng lao động (khiếu nại lần 1) và khiếu nại lên Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (khiếu nại lần 02) theo Điều 5 và Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.

Thứ ba, người lao động có thể khởi kiện ra TAND cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để đòi tiền lương và yêu cầu tính lãi chậm trả đối với tiền lương nợ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động về tiền lương phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Về mặt pháp lý thì việc khởi kiện ra Tòa án và có bản án có hiệu lực pháp luật sẽ có giá trị cao nhất để buộc phía công ty phải trả tiền lương đã nợ. Tuy nhiên thủ tục khởi kiện ra Tòa án mất nhiều thời gian (khoảng từ 6 tháng đến 1 năm) và công sức, quá trình thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn nếu công ty không còn tài sản. Vì vậy, cần thiết phải có sự vào cuộc phôí́ hợp của các cơ quan chức năng về bảo vệ quyền lợi người lao động trong các trường hợp công ty cố tình nợ lương nhiều người lao động trong thời gian dài và thậm chí là cố tình trốn tránh, cắt đứt liên lạc với người lao động.

Đối với cha mẹ học sinh, nếu Trung tâm thu tiền học phí nhưng chưa thực hiện đúng cam kết, thỏa thuận về việc dạy học và đến nay trung tâm đóng cửa, có thể thực hiện những bước sau:
Một là, yêu cầu trung tâm phải có trách nhiệm tuân thủ và thực hiện đúng theo cam kết là mở lớp dạy học. Trường hợp vì lý do khách quan không thể mở lớp thì hoàn tiền học phí theo thỏa thuận/cam kết hoặc đưa ra giải pháp khác để giải quyết vấn đề. 

Thứ hai, nếu Trung tâm không hợp tác, hoặc nếu không đạt được thỏa thuận chung thì phụ huynh có thể khởi kiện ra TAND cấp quận/huyện nơi trung tâm đặt trụ sở. Phụ huynh cần chuẩn bị các tài liệu kèm theo như hợp đồng đăng ký học, biên lai đóng học phí, văn bản thỏa thuận... 

Trường hợp công ty cố tình gây khó khăn thậm chí bỏ trốn và không đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề, hoặc tiếp tục lôi kéo cha mẹ học sinh nộp tiền học phí để chiếm đoạt tiền dù không có kế hoạch và sẽ không mở lớp dạy học cũng như trong khi chưa giải quyết việc hoàn tiền cho phụ huynh trước đó thì hành vi này có dấu hiệu Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174, 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017. Phụ huynh có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan công an có thẩm quyền để đề nghị xem xét, xác minh, điều tra. Trường hợp khởi tố vụ án hình sự thì các phụ huynh đã đóng tiền có thể được xem xét tư cách tham gia tố tụng là bị hại trong vụ án và được giải quyết quyền lợi theo quy định pháp luật.

Ngoài ra phụ huynh làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền về giáo dục, chẳng hạn như Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị tiến hành thanh tra, kiểm tra để xem xét liệu Trung tâm có đủ điều kiện về giấy phép hoạt động đào tạo ngoại ngữ và việc quảng cáo, đưa ra các thông tin, chương trình đào tạo nhằm thu tiền học phí có đúng quy định pháp luật hay không để xem xét xử lý theo quy định pháp luật nếu có hành vi vi phạm.

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.