Ngành lắp ráp điện tử: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sức khỏe người lao động

Chia sẻ

PNTĐ-Mặc dù các nhà máy đều được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn vận hành an toàn, nhưng nguy cơ bệnh nghề nghiệp vẫn tiềm ẩn trong môi trường làm việc.

 
Lắp ráp điện tử là ngành công nghiệp chủ lực tại các khu công nghiệp, hiện đang thu hút hơn 200.000 lao động, trong đó có tới 85% lao động nữ, độ tuổi từ 18 đến 30. Được làm việc trong phòng kín, “sạch”, điều hòa mát rượi… nhiều người tưởng rằng đó là môi trường lý tưởng, an toàn. Nhưng thực chất, những con chíp điện tử nhỏ xíu cũng hàm chứa nguy cơ đe dọa sức khỏe công nhân vì có chứa hóa chất độc hại.
 
Ngành lắp ráp điện tử: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sức khỏe người lao động - ảnh 1
Môi trường làm việc căng thẳng và thiếu khí trời đang gây ảnh hưởng
tiêu cực đến sức khỏe của người lao động (ảnh minh họa)
 
Những điều bất ngờ từ một cuộc khảo sát
 
Tháng 5/2012, hàng loạt lao động (LĐ) tại công ty Samsung Bắc Ninh ngất xỉu. Vụ việc xảy ra tại Bắc Ninh không phải là hy hữu. Tại một số khu công nghiệp phía Nam, hiện tượng tương tự cũng xảy ra, như sự cố ở nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Việt Nam – Singapore 2, tỉnh Bình Dương - 17 công nhân bỗng dưng ngất xỉu trong giờ làm việc…
 
Từ những hiện tượng lạ trên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) đã tiến hành khảo sát tại một số nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử (sản xuất linh kiện và lắp ráp sản phẩm máy tính, điện thoại, máy in…) và gia công các chi tiết, linh kiện điện tử tại Hà Nội, Vĩnh Phúc… Khác với suy nghĩ của nhiều người, môi trường làm việc với phòng ốc “sạch” chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài. Và, khái niệm “sạch” ở đây chủ yếu là nhằm đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm điện tử.
 
Bà Ngô Vân Hoài – Trưởng nhóm nghiên cứu của CDI cho biết, có nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người LĐ ở nơi làm việc khi họ phải đối mặt với tiếng ồn, ánh sáng, độ rung xóc, điện từ trường, bụi kim loại, hơi khí độc, hóa chất, tia cực tím, phóng xạ... Những yếu tố độc hại này tồn tại trong đa số công đoạn sản xuất. Điều đáng lo ngại hơn cả là tư thế làm việc và cường độ LĐ căng thẳng. Công nhân buộc phải ngồi hoặc đứng ở tư thế tĩnh trong suốt ca làm việc kéo dài tới 12 tiếng đồng hồ. Độ đơn điệu của thao tác “lái” con người hành động như một cỗ máy, đó là chưa kể đến tốc độ thực hiện các thao tác cực nhanh, khiến họ phải tập trung cao độ.
 
Có chi tiết của máy in buộc người LĐ phải thực hiện 500 - 600 động tác/giờ. Các con chíp siêu nhỏ, gắn bằng kính hiển vi, yêu cầu công nhân phải làm việc trên màn hình. Đôi mắt người LĐ khi phải kéo sát linh kiện trong một khoảng cách cố định sẽ gây căng cơ, khiến thị giác của họ luôn ở trong trạng thái căng thẳng. Người LĐ khi tuyển dụng, thị lực bắt buộc phải đạt 10/10 (mắt kém, công ty không nhận) nhưng chỉ sau 8 tháng làm việc, “mắt đã nhức mỏi, chảy nước, kiểm tra lại thì cả hai mắt thị lực chỉ còn 5/10”. Trong khi đó, những công nhân ở bộ phận kiểm tra (test) các chức năng của điện thoại thì một ca làm việc phải liên tục nghe tín hiệu từ 76 sản phẩm.
 
Cùng với cộng sự của mình, trong quá trình khảo sát tại các nhà máy, bà Hoài đã hết sức ngạc nhiên khi “mới 9 giờ sáng mà phòng y tế đã có hàng chục người nằm. Những người này phải tạm ngừng công việc lên phòng y tế nghỉ chừng nửa tiếng, sau đó uống trà gừng, thuốc rồi lại về làm tiếp. Điều rất đáng lo ngại là trong tháng 6/2013, tại một phân xưởng có tới 6 nữ công nhân bị sảy thai, thai chết lưu và 1 trường hợp thai nhi bị u não, phải hút bỏ.
 
Hiện tượng trùng hợp một cách không bình thường này, theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh – Phó trưởng Bộ môn Phụ sản, ĐH Y Hà Nội: “là điều đáng lưu ý”. Theo TS Minh, chắc chắn, môi trường điện tử ít nhiều đều ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào thể trạng, mức độ hấp thụ từ trường của mỗi cá nhân và thời gian tiếp xúc nhiều hay ít.

Sớm công khai danh mục hóa chất
 
Lắp ráp điện tử vẫn được xem là một ngành công nghiệp mới ở nước ta. Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Ngà -  Phó Chủ tịch Hội Y học lao động VN, hiện nay chúng ta xác định tiêu chuẩn nghề độc hại, bệnh nghề nghiệp chưa thật sự phù hợp với thực tế của công việc trong ngành công nghiệp hiện đại, trong đó có ngành lắp ráp điện tử. Mặc dù các nhà máy đều được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn vận hành an toàn, nhưng nguy cơ bệnh nghề nghiệp vẫn tiềm ẩn trong môi trường làm việc. “Nồng độ hóa chất dưới tiêu chuẩn cho phép cũng chưa phải là thật sự an toàn, vì nếu được tích lũy trong thời gian dài thì nó cũng gây nên những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, ngành sử dụng nhiều hóa chất, linh kiện độc hại” – bà Ngà cho biết.
 
Theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tại các doanh nghiệp, việc sử dụng loại hóa chất nào, liều lượng ra sao trong sản xuất thì chỉ có chủ doanh nghiệp mới biết, còn người LĐ hoàn toàn… “mù tịt”. Vì vậy, tổ chức công đoàn mới không có đủ thông tin để nhắc nhở người LĐ tự bảo vệ bản thân mình.
 
Chúng tôi đồng tình với ý kiến của ông Đặng Quang Điều và bà Ngô Vân Hoài: Trong dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐ-TB&XH đang soạn thảo) cần có quy định cụ thể đối với việc công khai thông tin về danh mục hóa chất sử dụng trong các nghành công nghiệp nói chung – nhất là ngành lắp ráp điện tử, để những người có trách nhiệm có cơ sở đề ra phương án chủ động bảo vệ người LĐ.
 
Cần quan tâm hơn nữa đến việc khám sức khỏe cho công nhân, phát hiện sớm những căn bệnh tiềm ẩn do ảnh hưởng của hóa chất, sóng điện từ (như các bệnh về xương khớp, thần kinh, các bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản); đưa ra giải pháp thiết kế hệ thống thông gió đảm bảo độ thông thoáng cho môi trường làm việc; trang bị bảo hộ lao động, luân chuyển vị trí làm việc, tổ chức thể dục giữa giờ…, chủ động phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho người LĐ, nhất là với đối tượng thường xuyên tiếp xúc với linh kiện có chứa hóa chất độc hại.
 
Cần tập trung đánh giá, nghiên cứu toàn diện về an toàn, vệ sinh LĐ trong ngành điện tử, hoàn thiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn an toàn LĐ, sớm đưa nghề sản xuất, lắp ráp điện tử vào danh mục nghề nặng nhọc, nguy hiểm do Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế ban hành, để người LĐ được hưởng phụ cấp độc hại khi đến với nghề lắp ráp điện tử.

Hoàng Đức

Tin cùng chuyên mục

Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

(PNTĐ) - Khi giá nhà đất và chung cư ở nội thành tăng cao, làn sóng đầu tư bất động sản chuyển hướng về vùng ven các huyện ngoại thành khiến giá đất tại đây đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều người đầu tư để lướt lại rơi vào tình cảnh rao bán không ai mua. Nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư thận trọng khi xuống tiền đầu tư đất khu vực này.
“Gỡ khó” trong bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng

“Gỡ khó” trong bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng

(PNTĐ) - Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn do chế độ bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng khác với Luật Đất đai 2013 và các quy định trước đó. Đặc biệt là các trường hợp hỗ trợ bị giảm về không đồng (0 đồng), chênh lệch trên cùng dự án, gây bức xúc trong nhân dân.
10 năm vẫn ngổn ngang gây ô nhiễm môi trường

10 năm vẫn ngổn ngang gây ô nhiễm môi trường

(PNTĐ) - Không chỉ người dân sinh sống ở hai bên đường dọc bờ kênh La Khê, quận Hà Đông mà hàng nghìn người đi qua tuyến đường Ngô Quyền, phường La Khê mỗi ngày đều cảm thấy bức xúc trước tình trạng bụi, rác thải ô nhiễm môi trường và ùn tắc đường kéo dài do công trình thi công dở dang.