Người dân Chương Mỹ "khát" nước sạch
Mặc dù nước bị nhiễm khuẩn coliforms, E.coli, trạm cấp nước xuống cấp, hệ thống lọc thô sơ, đường ống cũ và thiết bị hoen rỉ… song người dân thôn An Phú, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ vẫn mua nước với giá 5.000 đồng/m3 và Trạm cấp nước An Phú chạy hết công suất cũng chỉ đáp ứng chưa được 50% số hộ trong thôn.
Mất tiền mua nước… nhiễm khuẩn
Ông Trịnh Hữu Hạ, người vận hành Trạm cấp nước thôn An Phú vừa xoay ống xả nước, vừa giới thiệu cho chúng tôi về nhà máy nhỏ và thô sơ này. Nhà máy được xây dựng và vận hành từ năm 1998 với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 226 hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, hiện chỉ cung cấp được cho 110 hộ.
Quan sát thực tế, nhà máy xây dựng trên diện tích nhỏ, phòng nhỏ hẹp xuống cấp, trang thiết bị thô sơ, đường ống hoen rỉ và hệ thống lọc chỉ là cát, sỏi, thạch anh; bể chứa nước nứt nẻ, nắp không có khóa an toàn; không có hệ thống giàn mưa… Hơn nữa, nguồn giếng khai thác nước ngay cạnh đường đi, liền kề đường cống rãnh xóm.
Ông Hạ cho biết, gia đình ông mỗi tháng sử dụng khoảng 15-20m3 nước với chi phí khoảng 75.000-100.000 đồng (5.000 đồng/m3) cũng chỉ để rửa chứ không dùng ăn uống. “Do nước ở nhà máy này chưa bảo đảm chất lượng nước sạch nên chúng tôi chủ yếu vẫn sử dụng nước ăn uống là nước mưa, hoặc có nhà vẫn mua nước này nhưng phải trang bị thêm hệ thống lọc nước. Nhiều năm nay chúng tôi đã có ý kiến mong được cấp nước sạch mà vẫn chưa được”- ông Hạ nói.
Cũng trong tâm trạng mong muốn nhà nước hỗ trợ để sớm có nước sạch, gia đình bà Lê Thị Lơ (thôn An Phú) có tới 7 nhân khẩu, mỗi tháng sử dụng từ 20-30m3 nước với chi phí 100.000-150.000 đồng nhưng vẫn phải đầu tư hệ thống lọc nước để ăn uống.
Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Chúc Sơn Trịnh Tiến Hòa cho biết, năm 2020 chưa kiểm nghiệm nước, còn kết quả năm 2019 thì các chỉ số nhiễm khuẩn cao như: Coliforms, E.coli, Pecmanganat (tạp chất hữu cơ)… Vì vậy, địa phương đã khuyến cáo người dân chỉ sử dụng nước này để sinh hoạt trừ ăn uống. Nếu sử dụng trong ăn uống thì phải có thêm hệ thống lọc của gia đình để đảm bảo an toàn trước khi sử dụng.
Trạm cấp nước thôn An Phú, thị trấn Chúc Sơn
Lý giải về mong muốn của nhân dân thôn An Phú, ông Nguyễn Xuân Canh Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn cho biết, tình trạng người dân “khát” nước sạch ở thôn An Phú đã diễn ra nhiều năm nay. Bởi trạm cấp nước được xây dựng từ năm 1998 từ nguồn vốn hỗ trợ của UNICEF và kinh phí đóng góp của nhân dân nay đã xuống cấp; công suất thiết kế là 96m3/ngày đêm thì nay chỉ đạt 40m3/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 110 hộ dân trong tổng số 226 hộ.
Theo ông Nguyễn Xuân Canh, để đảm bảo chất lượng nước cho toàn bộ các gia đình ở thôn An Phú nói riêng, toàn thị trấn Chúc Sơn nói chung, UBND thị trấn đã có đề nghị UBND thành phố sớm cấp nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm cấp nước An Phú và sớm đấu nối được với nguồn nước sông Đà.
Ngoài Trạm cấp nước An Phú, trên địa bàn thị trấn Chúc Sơn còn có Trạm cấp nước Chúc Sơn do Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư, vận hành và quản lý trong quá trình chờ đấu nối nguồn nước sông Đà hiện đã đi vào hoạt động cung cấp nước cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, hiện tại mới có 1.640 hộ/3.243 hộ (chiếm 50,57%) được sử dụng nước máy.
Nhu cầu bức thiết
Mặc dù nước chưa đảm bảo tiêu chuẩn sạch song người dân thị trấn Chúc Sơn vẫn là một trong 6 xã, thị trấn (với 6.318 hộ dân, đạt 7,61% số hộ dân toàn huyện) được gọi là đã được sử dụng nước sạch tập trung. Trong khi toàn huyện Chương Mỹ còn đến 26/32 xã với hơn 76.000 hộ (chiếm 92,39%) chưa được sử dụng nước sạch tập trung.
Ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ cho biết, toàn huyện có 13 trạm cấp nước thì chỉ còn 5 trạm cấp nước tập trung song chủ yếu được xây dựng từ năm 1998 đến 2015, có 5 trạm xây dựng dang dở và 3 trạm ngừng hoạt động do hư hỏng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến, trên cơ sở thực tiễn, qua khảo sát, đánh giá các trạm cấp nước trên địa bàn, huyện đã đề xuất UBND thành phố hỗ trợ 92 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trạm cấp nước đang bị dừng hoạt động do đầu tư dở dang và xuống cấp. Đồng thời, huyện cũng đề nghị thành phốđôn đốc chủ đầu tư là Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện dự án cấp nước sạch cho 12 xã, thị trấn, nhằm nhanh chóng đáp ứng cấp nước sạch cho gần 50% số hộ dân trên địa bàn huyện.
Trước nhu cầu bức thiết của hơn 76.000 hộ dân huyện Chương Mỹ, rất mong các cơ quan chức năng và UBND thành phố sớm giải quyết cho người dân có nước sạch sinh hoạt.
Bài và ảnh HOÀNG NGUYÊN