Bị thu hồi đất sau 31 năm cải tạo:

Người dân kêu cứu!

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được đơn của vợ chồng bà Lê Thị Mỹ (72 tuổi) và ông Nguyễn Đức Tứ (80 tuổi) ở khu 6, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức phản ánh về việc chính quyền thực hiện thu hồi đất của gia đình ông bà đang sinh sống 31 năm, lại còn phạt gần 1 tỷ đồng, gia đình có nguy cơ không còn nơi ở.

Người dân kêu cứu! - ảnh 1
Diện tích trang trại gia đình bà Mỹ, ông Tư canh tác và sinh sống 31 năm nay.

Trong đơn, vợ chồng ông Nguyễn Đức Tứ nêu: “Ngày 26/5/1992, HTX nông nghiệp Giang Xá đã lập biên bản về việc giao quyền quản lý thùng đào hố đấu cho Hội Nông dân thôn Giang Xá, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội), trong đó có khu Đống Sành. Ngày 6/9/1993, Hội Nông dân thôn Giang Xá và ông Nguyễn Đức Tứ đã ký kết văn bản “Biên bản hợp đồng bổ sung 1993” với nội dung: Thanh lý hợp đồng ký ngày 2/9/1992 và giao toàn bộ “các thùng đào hố đấu thuộc khu Đống Sành đã bị bỏ hoang hóa nhiều năm không có cấp nào quản lý” với diện tích là 1 mẫu 6 sào Bắc Bộ cho gia đình ông Nguyễn Đức Tứ quản lý và đầu tư vốn cải tạo phát triển kinh tế nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ. 

Thực hiện chương trình VAC (vườn ao chuồng) thời hạn 5-20 năm, gia đình ông Tứ nhận đất tại khu Đống Sành là đất hoang hoá không phải mặt nước ao hồ có sẵn. Gia đình bà Mỹ, ông Tứ đã phải bán nhà cửa và 272m2 đất thổ cư cùng với vay mượn vốn ngân hàng để đầu tư, đào đắp thành vườn cao, ao sâu theo mô hình VAC.

“Diện tích đất nêu trên được giao cho tôi sử dụng ổn định trước thời điểm Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực (tức trước ngày 15/10/1993). Trong thời gian được giao đất để làm kinh tế nêu trên, tôi nộp thuế đầy đủ đến khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thu thuế nữa”- ông Tứ khẳng định.

Ngày 8/8/1995, UBND huyện Hoài Đức ban hành quyết định thu hồi đất số 228QĐ/UB về việc huỷ hợp đồng, thu hồi đất nông nghiệp giao sai thẩm quyền. Tuy nhiên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thực hiện trên thực tế đối với việc thu hồi đất theo quy định pháp luật. Đồng thời, không tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn gia đình ông Tứ thực hiện quyết định thu hồi nêu trên theo đúng quy định. Vì vậy, gia đình ông Tứ vẫn ở và triển khai mô hình VAC trên diện tích đất khu Đống Sành.

Thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 32, ngày 7/3/2007, UBND huyện Hoài Đức ban hành Thông báo số 53/TB-UBND về việc yêu cầu hộ ông Nguyễn Đức Tứ nhận tiền bồi thường hỗ trợ và tháo dỡ di dời tài sản, cây cối hoa màu trên đất bị thu hồi nằm trong dự án.

Tiếp theo, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32, ngày 23/7/2013, UBND thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức có giấy mời ông Nguyễn Đức Tứ đến UBND thị trấn để nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án. “Đây là gia đình tôi nhận tiền bồi thường hỗ trợ do cơ quan Nhà nước thu hồi một phần diện tích đất nêu trên”- ông Tứ cho hay.

Ngày 18/11/2022, UBND thị trấn Trạm Trôi có giấy mời ông Nguyễn Đức Tứ đến địa điểm diện tích đất nêu trên để cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND thị trấn Trạm Trôi kiểm đếm tài sản, công trình vật kiến trúc trên đất, thực hiện dự án xây dựng tuyến đường nối Quốc lộ 32 - Khu đô thị Cienco 5.

Bà Mỹ, ông Tứ cho rằng, việc thực hiện đền bù khi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đi qua diện tích đất trang trại gia đình ông bà đang sử dụng của UBND huyện Hoài Đức như trên chính là sự thừa nhận của chính quyền địa phương về việc sử dụng đất của gia đình là hợp pháp tại khu Đống Sành trên.

Ngày 7/6/2023, UBND thị trấn Trạm Trôi đã lấy quyết định thu hồi cách đây đã 31 năm để cưỡng chế buộc gia đình phải rời khỏi khu đất đang sinh sống. Bà Mỹ và ông Tứ đã có đơn khiếu nại lên thị trấn Trạm Trôi nhưng 1 năm nay vẫn chưa được giải quyết.

Ngày 1/7/2024, ông bà nhận được Quyết định số 29/53/QĐ-KĐHQ với nội dung cho rằng họ lấn chiếm đất nông nghiệp, đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản thuộc quỹ đất nông nghiệp công ích do UBND thị trấn Trạm Trôi quản lý; xây dựng nhà cấp 4 trái phép và yêu cầu gia đình phải tháo dỡ toàn bộ tài sản ra khỏi khu đất đang sinh sống. Đồng thời, phải nộp số tiền phạt là hơn 986 triệu đồng được gọi là thu lợi bất chính. 

Khẳng định gia đình không chiếm đất. Việc dựng lều tạm trên mảnh đất nêu trên để ở và phục vụ cho mục đích nông nghiệp, bà Mỹ và ông Tứ cho rằng: “Do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về thu hồi đất và không phổ biến pháp luật về vấn đề này cho gia đình tôi. Điều này dẫn đến tình trạng gia đình vẫn tiếp tục sống trên diện tích đất nêu trên vì không còn chỗ ở nào khác. Quyết định buộc phải chịu phạt gần 1 tỷ đồng là quá lớn, gia đình tôi không có đủ khả năng chi trả”. 

Ông Tứ đã 80 tuổi, bà Mỹ 72 tuổi, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn vì hai con trai và con dâu mất sớm, con dâu trưởng lại đang mắc bệnh hiểm nghèo nên mong các cơ quan chức năng xem xét lại các quy định để áp dụng sao cho thấu tình, đạt lý.

Tiếp nhận đơn của gia đình bà Mỹ, ông Tứ, Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ làm việc với các cơ quan chức năng và tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cần chế tài giám sát các trang mạng xã hội

Cần chế tài giám sát các trang mạng xã hội

(PNTĐ) - Công an quận Tây Hồ vừa đưa ra khuyến cáo đối với các gia đình trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phòng tránh xâm hại trẻ em trên mạng. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây.
Sản phẩm Nga Phụ Khang “lột xác” tiếp tục quảng cáo trái phép

Sản phẩm Nga Phụ Khang “lột xác” tiếp tục quảng cáo trái phép

(PNTĐ) - Sau khi Báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh dấu hiệu quảng cáo sai sự thật liên quan sản phẩm Nga Phụ Khang do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu phân phối, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, ngay lập tức, nhãn hàng này lại tiếp tục “lột xác” để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh…
Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô số 44 ra ngày 30/10/2024 có bài “Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?” ghi nhận tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Đến nay, bạn đọc của Báo phản ánh, các cơ sở vi phạm tiếp tục hoạt động rầm rộ, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ“

Hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ“

(PNTĐ) - 14 năm trước, chợ Mai Lĩnh nằm bên đường Quốc lộ 6, gần cầu Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông được đầu tư xây dựng, sau khi đưa vào sử dụng thì lại gặp phải hàng loạt những hạn chế, nhất là không thuận tiện cho việc mua bán của tiểu thương với người dân dẫn đến nhiều diện tích bỏ không, trong khi người dân lại thiếu chỗ họp chợ.
Vi phạm cũ có thể làm ngơ?

Vi phạm cũ có thể làm ngơ?

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài viết Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình? đăng ngày 30/10/2024 về tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Bạn đọc tiếp tục phản ánh, các cơ sở vi phạm hiện đang hoạt động rầm rộ, khiến dư luận bức xúc bởi ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và gây ô nhiễm môi trường.