Người dân Sóc Sơn “khát” nước sạch

Chia sẻ

Hàng nghìn hộ dân ở 18 xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội đang chịu cảnh thiếu nước sạch trầm trọng. Trong khi vào mùa hè, nhu cầu cung cấp nước sạch của người dân tăng cao thì 2 đơn vị được UBND thành phố giao triển khai việc cấp nước cho người dân từ năm 2017 đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại nhà bà Phan Thị Thanh Tùng, khu dân cư Kim Anh, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Bà Tùng pha trà rồi rót vào chậu nước được bơm lên từ giếng khoan, rót trà vào đến đâu thì nước đổi màu tím ngắt đến đó, chỉ vài giây sau cả chậu nước đã đen kịt. Bà Tùng cho biết: “Nhà tôi dùng nước nấu ăn phải lọc qua 3 lần bể, từ bể lọc cát sỏi, để lắng, đến bể lọc cát than hoạt tính và lọc tiếp qua máy RO. Nước tưới cây, sinh hoạt khác vẫn phải dùng nước giếng khoan lọc qua 1, 2 lần. Dù lọc nhiều lần nhưng khi sử dụng chúng tôi vẫn rất lo nước không đảm bảo an toàn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe”. Bà Tùng cho rằng nhà mình vẫn còn may vì có nước giếng khoan để dùng. Nhiều nhà dân khác ở đây khoan sâu cũng không có nước. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương để được cấp nước sạch nhưng chưa được giải quyết.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Chu Văn Phương, Phó Bí thư Đảng ủy UBND xã Thanh Xuân cho biết, toàn xã Thanh Xuân có gần 4.000 hộ dân với 15.000 người ở 10 thôn. Người dân chủ yếu sử dụng nước ngầm từ giếng khoan và giếng khơi. Tuy nhiên, 2/3 số hộ gặp khó khăn về nước. Đặc biệt có 6 thôn thiếu nước sạch trầm trọng là Kim Anh, Đồi Cốc, Bãi Thượng, Chợ Nga, thôn Na, Thanh Nhàn do đa phần không khoan được giếng. Nhiều nhà khoan sâu đến hơn 30m vẫn không có nước. Ngoài ra, ông Phương cũng bày tỏ lo ngại về nước sông Cà Lồ bị ô nhiễm bởi nhiều khu công nghiệp gần đó xả thải trực tiếp ra sông cũng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Bà Phan Thị Thanh Tùng ở khu dân cư Kim Anh, xã Thanh Xuân rót nước trà mạn vào chậu nước giếng khoan, nước nhanh chóng đổi màu tím đen.Bà Phan Thị Thanh Tùng ở khu dân cư Kim Anh, xã Thanh Xuân rót nước trà mạn vào chậu nước giếng khoan, nước nhanh chóng đổi màu tím đen.

Theo ông Phương, chính quyền xã Thanh Xuân đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, kể cả qua các lần tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND huyện Sóc Sơn, Thành phố về tình trạng người dân trên địa bàn bị thiếu nước sạch trầm trọng. Hiện 100% người dân xã Thanh Xuân có nhu cầu dùng nước sạch. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã vào khảo sát song đều không có phản hồi trở lại. “Theo quyết định của Thành phố thì cuối năm 2020, chúng tôi sẽ được sử dụng nước sạch do Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư thi công. Thời gian quá hạn đã lâu, chúng tôi kiến nghị UBND huyện đôn đốc đơn vị này, hoặc có đơn vị khác thay thế chứ không nên để người dân mong mỏi bao năm như vậy”, ông Phương nhấn mạnh.

Tương tự, người dân ở xã Xuân Giang cũng nhiều năm phải chịu cảnh “khát” nước sạch. Nhiều người dân bức xúc chia sẻ, biết là nước đang dùng không đảm bảo chất lượng, nhưng họ không còn cách nào khác vì sinh hoạt, ăn uống hàng ngày không thể không dùng nước.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết, toàn xã có 4.000 hộ dân đều có nhu cầu sử dụng nước sạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. "Việc sử dụng nước ngầm vừa ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường đất, khoáng sản vừa không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân. Theo quyết định của UBND Thành phố, xã chúng tôi có nước sạch vào năm 2020, vậy mà đến nay chủ đầu tư vẫn không thực hiện. Chúng tôi cũng đã kiến nghị huyện có phương án thay thế chủ đầu tư để giải quyết dứt điểm vấn đề nước sạch cho dân” - ông Hòa nêu kiến nghị.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn Trịnh Văn Duy, toàn huyện Sóc Sơn mới chỉ có 8/26 xã, thị trấn là có nước sạch, còn 18 xã chưa được cung cấp nước sạch từ nguồn nước tập trung. Toàn huyện mới có 20% số dân được dùng nước sạch, 80% số dân còn lại có nhu cầu rất bức thiết dùng nước sạch bởi một số nơi không khoan được giếng và nước giếng khoan bị ô nhiễm.

Lý giải về việc người dân khát nước sạch, ông Duy cho biết, tại Quyết định số 3846 QĐ/UBND ngày 24/6/2017, UBND TP Hà Nội đã giao liên danh Công ty CP Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống thực hiện dự án phân phối nước sạch cho 18 xã trên địa bàn Sóc Sơn. Theo kế hoạch, hết năm 2019 phải xây dựng hoàn thiện hệ thống phân phối nước sạch cho 7 xã, hết năm 2020 hoàn thiện nốt 11 xã còn lại. Mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo của HĐND, UBND thành phố, UBND huyện Sóc Sơn đã phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tổ chức nhiều buổi làm việc, liên tục có các văn bản đốc thúc chủ đầu tư, nhưng không hiểu vì lý do gì suốt 4 năm nay, các đơn vị này vẫn chưa triển khai thi công tại 18 xã nói trên.

Để đáp ứng nguyện vọng được dùng nước sạch của người dân trên địa bàn, ông Trịnh Văn Duy cho biết, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản báo cáo, đề xuất với các ngành chức năng và UBND TP không gia hạn đối với các đơn vị đã không triển khai thực hiện theo quyết định số 3846/QĐ-UBND. Đồng thời, giới thiệu các đơn vị có quan tâm và cam kết đầu tư cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn Sóc Sơn, đáp ứng chủ trương của UBND thành phố và chỉ tiêu của HĐND thành phố đề ra.

Mong rằng, với các động thái này, người dân tại 18 xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn sẽ sớm không còn phải chịu cảnh thiếu nước sạch, nhất là khi mùa hè đã tới.

Bài và ảnh: VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

(PNTĐ) - 16 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ, mắc kẹt trong chính mảnh đất ở, thửa ruộng của mình vì nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư...