Viết tiếp vụ việc tại trung tâm tiếng Anh Apax Leaders”:

Nhiều giáo viên kiệt quệ vì bị nợ lương

LAN CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Báo Phụ nữ Thủ đô số 08 ra ngày 22/2/2023 đã đăng bài “Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders: Thu tiền học nhưng… không dạy học”, phản ánh sự việc trung tâm tiếng Anh Apax Leaders thu tiền học phí của học viên nhưng không dạy học, cắt đứt liên lạc. Sau bài báo, Báo tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều giáo viên nước ngoài, khẳng định họ cũng đang bị trung tâm này nợ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng tiền lương khiến cuộc sống rơi vào cảnh kiệt quệ.

Phóng viên báo tiếp tục vào cuộc, ghi  nhận sự việc.

Đủ kiểu xoay xở vì bị nợ lương

“Nhiều tháng qua, chúng tôi đã không có tiền ăn, còn không thể trả tiền thuê nhà. Cuộc sống của chúng tôi thực sự khốn cùng…”… Đó là lời  kêu cứu của anh Donavan Schultz, 37 tuổi, đến từ Nam Phi. Anh Donavan cho biết, từ trước Tết âm lịch 2023 về năm 2019, anh dạy tiếng Anh tại một số cơ sở của trung tâm tiếng Anh Apax Leaders tại Quảng Ninh. Theo hợp đồng lao động ký với Công ty cổ phần Anh ngữ Apax Leaders, mức lương hàng tháng của Donavan là khoảng trên 30 triệu đồng, được phụ cấp tiền nhà và được đóng bảo hiểm. “Tuy nhiên, tôi chỉ được nhận lương đầy đủ và đúng hạn trong thời gian đầu. Từ khoảng 1,5 năm gần đây… trung tâm bắt đầu nợ lương của tôi”.

Nhiều giáo viên kiệt quệ vì bị nợ lương - ảnh 1
Anh Donavan khi còn dạy ở trung tâm Apax Leaders

Vì tin tưởng công ty đang gặp khó khăn, chỉ chậm trả chứ không phải… không trả lương, Donavan cho biết, anh vẫn tiếp tục dạy học. Cùng với đó, anh đã liên tục viết email đề nghị sớm được nhận lương nhưng chỉ nhận về những lời hứa hẹn. Sinh hoạt phí hàng tháng, Donavan phải lấy từ  tiền tiết kiệm của cá nhân và một phần nhờ gia đình ở Nam Phi gửi sang trợ giúp.

Cuối năm 2022, Donavan gặp sự cố bị nhiễm trùng một ngón tay và phải vào bệnh viện cứu cứu. Đến lúc này, anh mới tá hỏa biết không thể sử dụng thẻ BHYT vì phía trung tâm nợ lương và cũng không đóng BHYT cho anh. Vì vậy, toàn bộ chi phí điều trị, Donavan phản ánh, anh phải tự chi trả hết khoảng 30 triệu đồng.

Đây cũng là lúc Donavan khốn cùng vì tiền hết, thậm chí, trả phí thuê nhà cũng khó khăn. Cộng với đó, sự kiên trì chờ đợi của anh cũng không còn nên Donavan đã xin nghỉ dạy tại trung tâm Apax Leaders. Tổng cộng số tiền lương bị trung tâm nợ lương, cộng dồn đến nay, theo Donavan lên tới gần 300 triệu đồng.

Theo biên bản làm việc ngày 3/10/2022 lập tại trụ sở Công ty cổ phần Anh ngữ Apax tại Láng Hạ, Hà Nội giữa Donavan và bà Ngô Thị Chi, Phó Phòng phúc lợi và đánh giá, đại diện công ty, Apax Leaders đã xác nhận tổng lương, thưởng, lãi suất tính đến ngày 3/10/2022 là 230.653.223 đồng và cam kết số tiền này sẽ được thanh toán định kỳ 10% mỗi tháng cho đến khi  hết. Trong đó, khoản thanh toán đầu tiên sẽ được chi trả trước  ngày 8/10/2022. Song, Donavan bức xúc cho biết, Apax Leaders mới chỉ chi trả một lần là 23 triệu rồi dừng. Do Donavan tiếp tục dạy thêm một số tháng về sau nên số tiền nợ lương lại tiếp tục tăng lên mức nợ khoảng 288 triệu đồng.

“Chúng tôi phải xa quê hương, gia đình, một mình sang đây đi làm kiếm sống. Thế mà tiền lương không được nhận, bảo hiểm không được đóng. Trung tâm mời chúng tôi làm giáo viên nhưng không trả lương và cũng không cần quan tâm chúng tôi sống chết ra sao”, Donavan cho biết.

Nhiều giáo viên kiệt quệ vì bị nợ lương - ảnh 2
Quá bức xúc, anh Donavan (ngoài cùng bên trái) và nhiều giáo viên khác giăng biểu ngữ yêu cầu được Trung tâm trả lương

Điều đáng nói, ngoài Donavan, hàng loạt giáo viên khác tại nhiều hệ thống của Apax Leaders trên cả nước cũng đang kêu cứu vì “đi làm nhưng không được nhận lương”.

Cô K.T (xin viết tắt tên) đến từ Nam Phi cũng nằm trong nhóm này. Bắt đầu đi dạy tại Apax Leaders, trụ sở tại Thái Bình vào năm 2019, sau đó, có thời gian, K.T về nước nhưng vẫn tiếp tục dạy online cho trung tâm. Theo phản ánh, cuối năm 2020, cô K.T lại sang Việt Nam, dạy tại cơ sở Uông Bí, Quảng Ninh, sau đó chuyển tới dạy tại cơ sở ở Đồng Hới, Quảng Bình. Tuy nhiên, cô dạy học thì liên tục nhưng lương thì của cô bắt đầu bị nợ. Thay vào đó, Trung tâm gửi thư đề nghị được thông cảm và kêu gọi giáo viên nghĩ tới các học sinh sẽ buồn như thế nào nếu không được tiếp tục học.

“Kể từ khi Apax Leaders dừng trả lương, tôi đã phải chi tiêu tăn tiện, dừng mọi hoạt động đi nghỉ, ăn ở bên ngoài và chỉ mua những thứ thực sự cần thiết. Tôi thường chọn mua thịt và rau rẻ nhất ở chợ. Tôi cũng phải đi làm thêm ở một trường mẫu giáo địa phương để có tiền tồn tại”, cô K.T chia sẻ.  “Hiện nay tôi đã nghỉ ở Apax Leaders , tổng số lương tôi bị nợ là 237 triệu đồng không biết bao giờ mới được nhận”, cô K.T buồn bã cho biết.

Còn anh Octavio Munoz, đến từ Mexico, dạy tiếng Anh tại trụ sở của trung tâm ở Láng Hạ, Hà Nội cũng phản ánh đang bị trung tâm Apax Leaders nợ trên 160 triệu đồng tiền lương và đang phải sống bằng tiền tiết kiệm của cá nhân.

Cũng như nhiều giáo viên khác, Octavio đã đề nghị được trả lương thông qua các cuộc gặp trực tiếp lẫn gửi đi nhiều email. Song, đến nay, yêu cầu chính đáng của anh vẫn chưa được đáp ứng.

“Thay vào đó, trung tâm chỉ trả một khoản tiền nhỏ giống như hỗ trợ “tiêu vặt” và cũng không đều đặn như có tháng được nhận 3 triệu, có tháng 1,7 triệu chứ không trả toàn bộ lương cho tôi”, anh cho biết.

Quá bức xúc, nhiều các giáo viên đã quyết định “giăng biểu ngữ” yêu cầu Apax Leaders phải trả lương và không đồng ý tiếp tục giảng dạy nếu không được nhận lương.

Thiếu tôn trọng nhân viên, phụ huynh học sinh

Theo các giáo viên, cha mẹ học sinh- những người có quyền lợi liên quan trực tiếp tới trung tâm tiếng Anh ApaxLeaders, điều họ rất bất bình chính là khi xảy ra sự cố đã không nhận được sự hợp tác và tôn trọng của ban lãnh đạo hệ thống Apax Leaders. Thay vì được trực tiếp gặp gỡ hoặc nhận thông báo chính thức từ trung tâm, các giáo viên, cha mẹ học sinh... đã bị đơn vị này bỏ mặc một cách không thương tiếc.

Nhiều giáo viên kiệt quệ vì bị nợ lương - ảnh 3
Những tin nhắn liên tiếp thông báo dừng hoạt động của trung tâm Apax Leaders, thậm chí giáo viên sau đó cũng nghỉ dạy khiến cha mẹ học sinh không biết "bấu víu" vào đâu

Vào tháng 11/ 2022, trung tâm Apax Leaders đột nhiên đăng một thông cáo báo chí trên trang web. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng Giám đốc công ty CP Anh ngữ Apax khẳng định, do đại dịch có diễn biến phức tạp và kéo dài, Apax cũng chịu những gánh nặng rất lớn về chi phí mặt bằng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên... Để nâng cao chất lượng giảng dạy và duy trì sự ổn định trong hoạt động của hệ thống nhằm đảm bảo quyền lợi học tập đã cam kết với phụ huynh và giữ vững chất lượng hàng đầu về đào tạo Anh ngữ, Apax sẽ tiến hành kế hoạch tái cấu trúc chung cho hệ thống kể từ 25/11/2022 và dự kiến kết thúc vào hết quý I năm 2023.

Sau khi đưa ra một số giải pháp, ông Thủy khẳng định Ban Lãnh đạo Apax cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng của học viên và phụ huynh. Trung tâm sẽ trực tiếp liên hệ và trao đổi thêm với Quý phụ huynh về các giải pháp cụ thể.

Đối với đối tác, nhà cung cấp, các phụ huynh đã cho con nghỉ học và các bên thứ ba khác, Apax sẽ lên phương án và thương thảo các lộ trình thực hiện liên quan tới các nghĩa vụ tài chính cũng như chuyển đổi hợp tác giữa các bên sau khi Apax kết thúc quá trình tái cấu trúc hệ thống. 

“Đối với cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Apax, chúng tôi sẽ đảm bảo các chế độ đãi ngộ phù hợp. Đối với các cán bộ, nhân viên đã nghỉ việc, chúng tôi sẽ có các kế hoạch xử lý hồ sơ và chế độ sau khi Apax kết thúc quá trình tái cấu trúc hệ thống”, thông cáo cáo chí viết.

Tuy nhiên, theo chị Lê Thị Hiền, người đã bị trung tâm chiếm dụng khoảng 60 triệu học phí mà hai con chưa được học một buổi nào trong suốt 1,5 năm vừa qua, nếu căn cứ theo ngày đưa ra thông cáo báo chí này thì cũng đã nhiều tháng trôi qua nhưng chị chưa hề được một đại diện có trách nhiệm nào liên lạc để chính thức thông báo và thống nhất hướng giải quyết. Không những thế, các phương thức liên lạc của chị với trung tâm cũng đều đã bị cắt đứt. Nhiều cha mẹ học sinh khác cũng chỉ nhận được nhiều tin nhắn khất lần, xin lỗi, mong thông cảm của giáo viên trung tâm.

Từ việc bị “thất hẹn” nhiều lần, anh Donavan Schultz, giáo viên, cũng cho biết đã không còn tin vào lời hứa của phía trung tâm. “Apax chỉ tung ra một thông cáo báo chí chung chung trên trang web để dẹp yên dư luận chứ trên thực tế, không hề có một động thái nào chứng tỏ nỗ lực đảm bảo quyền lợi của giáo viên”.

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.