Nỗ lực mới của ngành vận tải hành khách công cộng

Chia sẻ

PNTĐ-Tổng Công ty Vận tải Hà Nội vừa đưa thêm một tuyến xe buýt vào hoạt động. Đó là tuyến xe buýt số 86 chạy từ Ga Hà Nội đến nhà ga T1,T2, sân bay quốc tế Nội Bài.

 
 Tuyến xe buýt chất lượng cao này thể hiện quyết tâm của TP Hà Nội trong việc triển khai các giải pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
 
Nỗ lực mới của ngành vận tải hành khách công cộng - ảnh 1
Hành khách đi sân bay Nội Bài bằng xe buýt được hưởng
nhiều tiện ích. Nguồn: internet
 
Nhiều xe nhưng khó chọn
 
Hiện nay có nhiều loại hình vận tải đang khai thác chở khách từ trung tâm TP ra sân bay Nội Bài như: xe taxi, xe buýt, xe hợp đồng… với hàng trăm chuyến mỗi ngày. Trên hành trình này, không thể nói là khan hiếm xe, nhưng hành khách thì chưa thực sự hài lòng.
 
Anh Nguyễn Văn Thành ở chung cư 151 Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai cho biết: “Mỗi lần đến sân bay bằng taxi, tôi mất gần 600.000 đồng - số tiền khá lớn, có thể đủ để mua một tấm vé máy bay giá rẻ”.
Anh Thành và nhiều hành khách khác có thể lựa chọn đi xe khách hoặc xe hợp đồng để tiết giảm chi phí. Mức giá 40.000 – 60.000 đồng/người/lượt, xe khách chạy theo một lộ trình nhất định, không dừng, đỗ đón trả khách một cách “ngẫu hứng” nhưng lại không tiện cho khách vì chỉ đón ở một điểm cố định, không đón/trả khách vào các khung giờ muộn. Một số tuyến vẫn sử dụng xe nhỏ (16 chỗ, 24 chỗ) nên cũng hạn chế về diện tích để vali, hành lý, trong khi đặc thù khách đi sân bay thường mang theo nhiều đồ.
 
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã sớm tham gia vận chuyển hành khách trên hành trình này với việc đưa vào sử dụng 2 tuyến xe buýt (số 7 và 17) với giá vé thấp nhất trên thị trường: 9.000 đồng/người/lượt. Thế nhưng, sau nhiều năm khai thác, khi đánh giá hiệu quả của hai tuyến buýt trên, ông Nguyễn Tiến Trung – Phó Tổng GĐ Tổng Công ty Vận tải Hà Nội thừa nhận, hiệu quả vận chuyển không như mong đợi. Nhóm đối tượng hành khách có nhu cầu đi máy bay sử dụng xe buýt rất thấp do nhiều bất tiện: xe không có chỗ để hành lý (theo quy định, hành khách đi xe buýt không được mang hành lý quá 10kg hoặc kích thước lớn hơn 30x40x60cm), xe phải dừng đỗ tại nhiều điểm để đón trả khách (từ 17 -19 điểm) khiến thời gian đi lại trên tuyến kéo dài gấp đôi, thậm chí là gấp ba lần so với di chuyển trên các phương tiện khác.
 
Đơn cử, xe buýt tuyến số 07 xuất phát từ bến xe Cầu Giấy đến sân bay Nội Bài, trên quãng đường dài khoảng 30km mất gần 2 giờ đồng hồ. Thời gian này có thể kéo dài hơn nếu xe di chuyển trong giờ cao điểm, đường đông và ùn tắc.

Cải tiến chất lượng, gia tăng tiện ích
 
Nhận rõ những bất cập trên, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã đề nghị đưa thêm một tuyến buýt mới vào hoạt động. Tuyến này phải đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe như: thuận tiện cho hành khách, xe đảm bảo chất lượng, tiện nghi hiện đại, thời gian di chuyển nhanh, có chỗ để hành lý, giá vé rẻ để đông đảo hành khách có khả năng tiếp cận, TP không phải bù thêm ngân sách trợ giá. Giải được bài toán này không phải dễ, bởi quy định hiện hành đang có một số điều vướng. Đơn cử quy định về hành lý, nếu là xe buýt hành khách không được mang quá 10kg hành lý, nhưng theo quy định của hàng không, mỗi hành khách lên máy bay có thể mang tối thiểu 15 – 30kg tùy loại vé.
 
Sau một thời gian tìm hiểu, cân đối, những ngày đầu tháng 5/2016, được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, tuyến xe buýt chất lượng cao của TP được đưa vào vận hành với giá vé 30.000đ/người/lượt. Mức giá này chỉ bằng 1/8 taxi, rẻ hơn xe khách mà hành khách lại được sử dụng nhiều dịch vụ tiện nghi: truy cập internet miễn phí, sàn xe thấp vừa để khách dễ chuyển hành lý vừa tiện cho người khuyết tật di chuyển; đặc biệt có chỗ dành riêng ưu tiên cho người già, phụ nữ, trẻ em…
 
Lịch trình chạy xe cũng được điều chỉnh hợp lý, xe không chạy trong các tuyến phố trung tâm có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông mà men theo đường ven đô Yên Phụ - Nghi Tàm để ra cầu Nhật Tân, nên khoảng cách được rút ngắn (30km) và thời gian di chuyển nhanh (từ 50 – 55 phút). Toàn chặng, xe chỉ dừng lại ở 8 điểm để đón trả khách, những điểm này đều có kết nối với nhiều tuyến buýt khác trên địa bàn TP để hành khách tiện nối tuyến.  
 
Để đón xe từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài, hành khách có thể ra ga Hà Nội – điểm xuất phát của hành trình. Thời gian mở bến của tuyến này từ 5h30 - thời gian đóng bến vào hồi 22h30. Đây là điểm cạnh tranh hơn hẳn so với các loại hình xe khách và xe buýt có thời gian đóng bến sớm. Ở chiều ngược lại, từ Nội Bài về trung tâm TP, xe mở và đóng bến muộn hơn 1 giờ đồng hồ. Tại khu vực đón trả khách của nhà ga T1 và T2, Tổng Công ty Vận tải đều bố trí các quầy vé để hành khách có thể mua vé, tham khảo lộ trình hoặc phản ánh, góp ý…
 
Một điểm đặc biệt hành khách cần chú ý để không bị lỡ xe là lịch chạy xe điều chỉnh theo lịch hạ cánh các chuyến bay trong ngày. Trong các khung giờ nhu cầu bình thường (có dưới 10 chuyến bay hạ cánh/giờ trong các khung giờ 8h30 – 11h30 và 16h30 – 17h30) cứ 30 phút sẽ có 1 chuyến xe xuất bến. Còn trong các khung giờ có nhu cầu cao (có trên 10 chuyến bay hạ cánh/giờ trong các khung giờ 11h30 - 16h30 và 11h30 – 23h30) thì cứ 20-25 phút có 1 chuyến xuất bến.

Hoàng Đức

Tin cùng chuyên mục

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

(PNTĐ) - 16 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ, mắc kẹt trong chính mảnh đất ở, thửa ruộng của mình vì nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư...
Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

(PNTĐ) - Gần 22 năm trước, theo thông báo của địa phương, gia đình bà Lê Thị Nho ở thôn Cát, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cùng 4 hộ gia đình trong thôn đã mua đấu giá 6 thửa đất ở khu Gốc Vờm, Giếng Đá, Gò Bãi, các vị trí đất xen kẹt, giáp khu dân cư với mục đích để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền mua đất, nộp thuế hàng năm, đến năm 2022, gia đình bà Nho xây dựng nhà thì lại bị chính quyền đình chỉ.
Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

(PNTĐ) - Khi Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc tuyến số 2 đi qua địa bàn 2 thôn Long Phú và Hòa Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai triển khai, hàng chục hộ dân có nhà ở trong diện bị thu hồi trở nên hoang mang, lo lắng, bức xúc và kêu cứu đến các cơ quan chức năng vì giá đền bù quá rẻ như mất trắng.