Ô nhiễm trầm trọng chưa có lời giải
Ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô tại làng nghề tạc tượng gỗ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức cho thấy tình trạng ô nhiễm bủa vây, hàng vạn người dân làng nghề loay hoay chưa tìm được lối thoát.
Công đoạn xẻ gỗ vừa gây tiếng ồn vừa bụi mịn khiến không khí làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng
Quan sát tại cơ sở Nguyễn Viết Cường, ở khu vực ngã tư Sơn Đồng, bên ngoài là cửa hàng trưng bày bán sản phẩm, những bàn thờ, tủ thờ… kê dọc hai bên, lối nhỏ ở giữa đi vào, qua một cánh cửa là xưởng sản xuất với các thợ đang xẻ gỗ, kế bên là các công đoạn đục đẽo, mài. Bụi gỗ bay dày đặc khắp không gian chừng hơn 200m2, kế bên là gian nhà để gia đình sinh hoạt.
Theo anh Cường, các hộ làm nghề ở đây hầu hết đều phải tận dụng diện tích ba trong một, vừa bán hàng, vừa sản xuất vừa sinh hoạt ăn ngủ của cả gia đình. Với điều kiện như vậy thì việc sống chung với ô nhiễm không khí, tiếng ồn là điều hiển nhiên. Anh Cường bày tỏ, đây là nghề truyền thống cha ông truyền lại, họ giữ gìn và phát triển nên dù ô nhiễm cũng đành chịu đựng vì mưu sinh.
Bên cạnh ô nhiễm không khí và tiếng ồn, người dân nơi đây còn phải hứng chịu cả mùi hôi thối nồng nặc từ dòng nước đen kịt của con kênh T2 chảy qua địa bàn xã. Nhiều người còn cho rằng, nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng.
Với đặc thù làng nghề tạc tượng, làm bàn thờ, hoành phi, câu đối, đồ thờ bằng gỗ, nhu cầu về mặt bằng của các hộ sản xuất cần diện tích rộng. Vì vậy, người dân làng nghề đã nhiều lần đề nghị TP quy hoạch cụm công nghiệp để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu vực dân cư, song nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết. Còn dòng nước ô nhiễm chảy qua thì người dân đã nhiều lần kiến nghị cũng không được cải thiện.
Lý giải về vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Viết Hùng cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề là vấn đề khó khăn lớn nhất của xã trong nhiều năm qua. Làng nghề làm điêu khắc tượng gỗ, sơn son thiếp bạc, thiếp vàng được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Tây Âu phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài. Mặc dù đem lại lợi ích về kinh tế song sản xuất đã gây ra nhiều ô nhiễm như tiếng ồn, không khí bụi và rác thải ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà trực tiếp là hệ hô hấp. Hiện nay, hơn 70% hộ gia đình ở địa phương tham gia sản xuất kinh doanh đồ tượng, đồ thờ và chủ yếu vẫn phải tận dụng diện tích nhà ở, vừa sản xuất, kinh doanh do thiếu mặt bằng. Vì vậy, nhu cầu đưa sản xuất ra khu vực cụm công nghiệp ngày càng bức thiết. Tuy nhiên, dù xã đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh lên huyện, thành phố, song đến nay Sơn Đồng vẫn chưa có quy hoạch.
Trước đây, tỉnh Hà Tây đã có quy hoạch làng nghề tập trung với diện tích 45ha (trong đó có 6ha dùng để bảo tồn). Dự kiến các hộ sản xuất sẽ được chuyển về khu vực riêng, có hệ thống xử lý chất thải tập trung. Tuy nhiên, từ khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội thì các dự án này đang bị dừng lại.
Ông Hùng cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất đến huyện, thành phố mong được giải quyết về mặt bằng sản xuất cho làng nghề hơn 400 hộ sản xuất kinh doanh”. Xã cũng nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan cấp trên nhằm tìm giải pháp tháo gỡ cho thực trạng ô nhiễm không khí ở làng nghề nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể.
Về nguồn nước thải đen kịt, nhiều rác ở kênh T2 chảy qua địa bàn xã Sơn Đồng, ông Hùng cho hay, đây là do dòng chảy từ các làng nghề sản xuất miến dong ở các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế chảy qua đã ô nhiễm nghiêm trọng.
Như vậy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề Sơn Đồng thì cần đến sự vào cuộc của cấp huyện, thành phố trong việc quy hoạch cụm công nghiệp để giải quyết mặt bằng sản xuất làng nghề tập trung, cũng như có phương án xử lý bụi, mùi sơn và nguồn nước thải chảy qua cũng như những bất cập nội tại của làng nghề.
Bài và ảnh Hoàng Việt