Phía sau nụ cười là những hiểm hoạ chết người

Chia sẻ

PNTĐ-Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, lực lượng liên ngành tại các quận, huyện liên tục tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh của các quán bar, tụ điểm kinh doanh bóng cười...

 
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, lực lượng liên ngành tại các quận, huyện liên tục tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh của các quán bar, tụ điểm kinh doanh bóng cười và phát hiện nhiều sai phạm với các thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt, trốn tránh các cơ quan chức năng.
 
Phía sau nụ cười là những hiểm hoạ chết người - ảnh 1
Hàng trăm bình khí cười vừa bị cơ quan chức năng Hà Nội thu giữ 

 
Học sinh tiểu học đã tiếp cận bóng cười
 
Bóng cười là loại bóng bay được bơm khí N2O. Khi đi vào cơ thể, khí N2O gây ra cảm giác hưng phấn, khiến người dùng bật cười, tạo cảm giác vui vẻ. Tuy nhiên, đằng sau những nụ cười là những hiểm hoạ rất nguy hiểm. Nhiều bác sỹ lên tiếng cảnh báo việc sử dụng N2O ở nồng độ thấp có thể khiến người dùng bị giảm nhận thức, tầm nhìn và thính giác; lâu dài có thể gây nghiện, tạo ảo giác như ma tuý tổng hợp làm cho người dùng mất kiểm soát, nguy cơ tử vong cao. Trước những hiểm hoạ được báo trước của bóng cười, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng kinh doanh bóng cười.
 
Quận Hoàn Kiếm là một trong những địa bàn có nhiều quán bar và cơ sở kinh doanh bóng cười trái phép. Lần nào cũng vậy, cứ kiểm tra là ra sai phạm. Tối ngày 16/8, tổ liên ngành của quận Hoàn Kiếm kiểm tra tại 2 cơ sở kinh doanh và đều phát hiện vi phạm, trong đó, tình trạng rất đáng lo ngại là người sử dụng bóng cười ngày càng trẻ hoá.
 
Tại quán Analog Coffe - Lounge số 11A Nguyễn Hữu Huân, tổ công tác phát hiện có cả học sinh tiểu học đang sử dụng bóng cười. Thời điểm kiểm tra là gần 24 giờ nhưng trong quán vẫn tấp nập, có 10 khách đang “chơi” bóng cười. Tất cả đều là thanh niên, tuổi đời còn rất trẻ, có người là sinh viên, có người học sinh lớp 11, ít tuổi nhất là một học sinh lớp 5. Thực khách sử dụng bóng cười công khai khi bước vào quán, ai nấy đều phớt lờ với những tờ giấy thông báo “Nghiêm cấm hành vi mua, bán, sử dụng Shisha, “bóng cười”, tem giấy, cỏ Mỹ” được niêm yết công khai. 
 
Dù các cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao, xử lý nghiêm nhưng tình trạng “cấm cứ cấm, bán vẫn bán” diễn ra công khai tại nhiều cơ sở kinh doanh, có nơi bị phạt 2-3 lần vẫn… nhờn thuốc. Như tại quán cà phê Lugar De Cita, số 11 Hàng Tre.
 
Tối 16/8 vừa qua, tái kiểm tra cơ sở này, tổ công tác liên ngành quận Hoàn Kiếm lại tiếp tục phát hiện vi phạm, thu giữ một bình khí cười được cất tại kho của cơ sở kinh doanh. Đây lần thứ 3 quán cà phê Lugar De Cita bị tổ liên ngành phát hiện vi phạm. Tình trạng chấp nhận nộp phạt để tồn tại và tiếp tục vi phạm như trường hợp của quán cà phê Lugar De Cita không phải là ngoại lệ.
 
Theo số liệu tổng hợp của Công an các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa - những địa bàn có nhiều quán cà phê, quán bar núp bóng kinh doanh bóng cười cho thấy, có nhiều cơ sở không được cấp phép đã bị phạt 2-3 lần song chỉ được vài ba tuần là đâu lại vào đó, thực khách có nhu cầu vẫn được cung cấp bóng cười.
 
Triệt phá từ các “kho” cung cấp
 
Lý giải về tình trạng này, đại diện tổ kiểm tra liên ngành quận Hoàn Kiếm cho biết: Một bộ phận những người trẻ hiện nay vẫn coi việc sử dụng bóng cười như cách thể hiện bản thân. Có cung, ắt có cầu, nhất là khi việc kinh doanh bóng cười mang lại lợi nhuận rất lớn. Hiện nay, với số tiền đầu tư cho một bình khí N20 từ 2 - 3 triệu đồng, các cơ sở kinh doanh có thể bơm vào 100 - 150 quả bóng.
 
Theo hoá đơn thu được tại 2 quán cà phê tối ngày 16/8, giá mỗi quả bóng cười là 90.000 đồng; loại bóng nhỏ hơn từ 50.000 - 70.000 đồng/quả. Mỗi bình khí, chủ cơ sở kinh doanh thu về lợi nhuận 2-3 lần so với đầu tư ban đầu. Có lẽ ít ai vào quán chỉ dùng 1-2 quả bóng cười, người nhiều thì 20 -30 quả; đa phần từ 5-10 quả. Vì thế, có những cơ sở kinh doanh mỗi tối có thể bán từ 1 - 3 bình khí N20, khoản lợi nhuận thu được là rất lớn. Do đó, dù chế tài xử phạt nghiêm khắc nhưng các cơ sở đều chấp nhận phạt để tiếp tục kinh doanh. 
 
Để qua mặt các cơ quan chức năng, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng của tổ liên ngành là quản lý thị trường, công an đã phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của cơ sở kinh doanh gây khó khăn cho việc xử lý.
 
Tại quán Lugar De Cita, khi kiểm tra, bình khí được cất giấu trong phòng kín hoặc trong kho; nhân viên quán thoái thác, từ chối mở kho vì khoá kho do chủ quán quản lý hoặc ngược lại, nếu chủ quán có mặt “chuyển bóng” sang cho nhân viên kho cầm chìa khoá. Ở một số cơ sở kinh doanh, khi thấy có đoàn kiểm tra, chủ cơ sở sẽ thông báo trực tuyến qua nhóm kín trên mạng xã hội để “đánh động” tới các cơ sở khác cùng kinh doanh, cùng hệ thống kịp thời tẩu tán bình khí.
 
Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TP, Ban chỉ đạo 197 các quận phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý, tập trung vào các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu nghi vấn, các kho đầu mối để triệt phá nguồn cung; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tác hại của bóng cười để người dân loại bỏ sản phẩm độc hại, đảm bảo an toàn sức khoẻ và tính mạng.
 
 
Nguyễn Vũ 

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.