Phụ nữ di cư có nguy cơ bị bạo hành cao
“Làm thế nào để tìm được những giải pháp cải thiện cơ chế phối hợp liên ngành trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với lao động nữ di cư?” là chủ đề được chia sẻ và trao đổi tại sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6 - Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn”.
Các đại biểu tham gia tọa đàm tại sự kiện “Bữa sáng Ruy băng trắng”
Chị N, hiện đang tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên kể, từ nhỏ, chị đã ám ảnh bởi việc bố thường xuyên bạo hành mẹ. Năm 2009, chị kết hôn với một người đàn ông trong thôn. Quãng thời gian chung sống, chị thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ và coi thường. Đến năm 2016, khi biết đến một công ty môi giới xuất khẩu lao động, chị nghĩ, đây là cơ hội để mình được đổi đời, nên đã vay mượn để được sang Ả-Rập làm giúp việc gia đình. Tại nơi đất khách quê người, chị tiếp tục bị chủ nhà bạo hành. Chị bị thu hết giấy tờ, ép làm việc nhiều giờ, bị đánh đập và trừ lương. Ở quê, chồng chị liên tục nhắn tin bảo chị gửi tiền về.
“Tôi bế tắc, tưởng chừng như mình có thể chết đi. Nhưng nghĩ đến con và khát vọng ban đầu, tôi đã tìm cách chạy trốn. Khó khăn lắm, tôi mới lấy được giấy tờ tùy thân, rồi hỏi đường ra sân bay, tự mua vé về nước bằng đồng lương ít ỏi cuối cùng. Nhưng chính lúc này, tôi lại rơi vào nghịch cảnh khác là không dám về nhà chỉ vì hết tiền, còn chồng thì luôn miệng chửi bới, dọa đánh đập, dọa đuổi đi…” – chị N nghẹn ngào kể.
Không ít nữ lao động di cư gặp tình cảnh tương tự chị N. Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến năm 2017, cả nước có khoảng hơn 520.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia/lãnh tổ trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2016, Việt Nam đã có 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 37% là lao động nữ.
Bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chia sẻ, từ thực tế hoạt động của Ngôi nhà Bình Yên, trong tổng số 14.000 người tham vấn thì có tới 37% trường hợp liên quan đến di cư an toàn, mua bán người. Hơn 400/1.400 phụ nữ, trẻ em tạm lánh tại 3 Ngôi nhà Bình yên là phụ nữ di cư quốc tế, trong đó 66,2% bị bóc lột, xâm hại tình dục; 13,46% bị mua bán vì mục đích lao động, đặc biệt, có tới 11,2% vừa bị bóc lột tình dục, vừa bị bóc lột sức lao động.
“Phụ nữ di cư lao động phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Ngoài rào cản ngôn ngữ, văn hóa, lao động nữ di cư thiếu cơ hội tiếp cận các kênh chính thức đi làm việc ở nước ngoài; thiếu hiểu biết về các quyền tại nước đến; thiếu thông tin, kỹ năng để có thể phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân để phòng tránh mua bán người và bạo lực giới… Chính vì vậy, một số chị không có hợp đồng lao đồng hoặc hợp đồng lao động mập mờ không chi tiết; Bị chủ lao động bóc lột sức lao động; Bị bạo lực giới (bị chủ quấy rối/ tấn công tình dục hoặc hiếp dâm tại nơi làm việc, nhất là phụ nữ di cư giúp việc gia đình)” – bà Ngọc Linh lo ngại.
Việt Nam có nhiều các chính sách để hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, tuy nhiên chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức trong hiện thực hóa Quyền An toàn của phụ nữ, một trong những thách thức lớn nhất là thiếu cơ chế phối hợp liên ngành đồng bộ thực chất, hiệu quả.
Ông NguyễnThanh Tùng, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, phụ nữ, trẻ em di cư bị bạo lực chủ yếu là các chị xuất khẩu lao động chui tại các công ty không chính thống nên không được đào tạo bài bản từ đầu, dẫn đến việc không biết tiếng, không được hỗ trợ khi gặp sự cố xảy ra. “Khi bị lạm dụng, bạo lực, các chị cần liên hệ với tổ chức của người Việt ở nước sở tại để tìm kiếm sự giúp đỡ” - ông Thanh Tùng nói.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho rằng, lao động nữ di cư đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của quốc gia nhập cư cũng như quốc gia xuất cư, nhưng nhiều người trong số họ vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nếu xảy ra bạo lực, lạm dụng và bóc lột trong toàn bộ chu trình di cư của họ. Phụ nữ di cư thường rất khó tiếp cận các hỗ trợ cần thiết do những rào cản về ngôn ngữ, tình trạng di cư hoặc bị kiểm soát. Để giải quyết những thực trạng, mỗi ngành cần nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong ứng phó với các hình thức bạo lực phụ nữ, trẻ em và mua bán người.
Các cơ quan ban ngành, đóng những vai trò khác nhau để đảm bảo quyền được di cư an toàn và bình đẳng cho phụ nữ. Nếu như thiếu đi sự hợp tác giải quyết của bất kỳ cơ quan nào, vấn nạn sẽ vẫn còn đấy, một số những người phụ nữ vẫn sẽ tiếp tục chịu đựng.
Bài và ảnh Hồng Nhung