Sử dụng “giấy thông hành” giả có thể bị xử lý hình sự

Chia sẻ

Gần đây, lợi dụng tâm lý cần “giấy thông hành” đi lại của người dân, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi làm giả, mua bán các loại giấy tờ “thông chốt” kiểm dịch.

Vừa qua, lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh/thành đã phát hiện tình trạng mua bán giấy xét nghiệm Covid-19 giả hay giấy đi đường “khống” để người đi đường có thể qua chốt một cách dễ dàng mà không bị xử lý. Điển hình như vụ việc công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng đã phát hiện 3 thanh niên là T.Đ.L (SN 1993), Đ.V.B (SN 1987) và Đ.H.T (SN 1993) cùng trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã sử dụng giấy đi đường làm giả để qua chốt kiểm soát dịch phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân). Quá trình xác minh, họ khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại cửa hàng cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. 

Sử dụng “giấy thông hành” giả có thể bị xử lý hình sự - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Ngày 11/8, công an TP Bắc Ninh cũng ra lệnh bắt giữ khẩn cấp Trần Tấn Dương (SN 1987), là Giám đốc công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân (phường Vân Dương, TP Bắc Ninh) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức. Tại cơ quan điều tra, Dương khai, do nắm bắt nhu cầu của lái xe cho các công ty trong khu công nghiệp, lái xe đường dài cần phiếu xét nghiệm Covid-19 để đi làm, đối tượng đã làm giả phiếu xét nghiệm Covid-19 để bán kiếm lời. Với thủ đoạn này, Dương đã làm giả và bán khoảng 150 phiếu giả kết quả xét nghiệm Covid-19 với giá 150.000 đồng với phiếu xét nghiệm nhanh và 250.000 đồng với phiếu xét nghiệm PCR.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, mọi trường hợp đi mua, xin giấy tờ không đúng quy định để ra đường có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp các cơ quan, tổ chức cấp giấy đi đường cho người không làm việc tại đơn vị sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống dịch và có thể bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh với mức phạt từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị đó còn có thể bị xử lý hình sự về hành vi giả mạo trong công tác. Trong trường hợp những người mua giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cả người mua và người làm ra giấy này sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Cụ thể, người mua cung cấp thông tin cá nhân có thể xử lý về hành vi giúp sức trong việc làm giả. Nếu người mua đặt vấn đề, khởi xướng việc làm giả giấy tờ thì sẽ bị xử lý là chủ mưu. 

Luật sư Cường khuyến cáo, người dân đừng vì thiếu hiểu biết, cẩu thả hay coi thường pháp luật mà đi mua giấy tờ đi đường, xét nghiệm Covid-19 giả, bởi khi bị phát hiện, hậu quả phải gánh rất lớn, có thể bị phạt tù chứ không chỉ là phạt hành chính. Đối với các cơ quan, tổ chức vì lợi nhuận mà cung cấp, bán giấy tờ không đúng cho người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Nhức nhối bạo lực gia đình nhìn từ vụ nam DJ đánh vợ

Nhức nhối bạo lực gia đình nhìn từ vụ nam DJ đánh vợ

(PNTĐ) - Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007, và tiếp tục được bổ sung nhiều điều khoản trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Thế nhưng, bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau. Điển hình mới đây clip một nam DJ đánh người vợ trẻ mới sinh con được 5 tháng, đã gây căm phẫn cho dư luận.
Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

(PNTĐ) - Khi giá nhà đất và chung cư ở nội thành tăng cao, làn sóng đầu tư bất động sản chuyển hướng về vùng ven các huyện ngoại thành khiến giá đất tại đây đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều người đầu tư để lướt lại rơi vào tình cảnh rao bán không ai mua. Nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư thận trọng khi xuống tiền đầu tư đất khu vực này.