Công ty CP Xây lắp GERVICO:

Vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động

THỂ NY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Anh Vũ Quốc Hiến đi khám bệnh thì bất ngờ phát hiện thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không sử dụng được. Từ đó lại phát hiện việc công ty mình làm lại nợ cả tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động cùng những cái lắt léo của doanh nghiệp trong thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật.

 Nợ đóng BHXH, BHYT cho người lao động

Anh Vũ Quốc Hiến, sinh năm 1979, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội là nhân viên lái xe cho Công ty cổ phần Xây lắp GERVICO (trụ sở tại 13BT2 khu đô thị Pháp Vân, Hoàng Mai) với hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng, từ ngày 10/5/2021 (Hợp đồng số 1005.2021/GVC-HĐLĐ). Khi sắp hết thời hạn hợp đồng, anh Hiến nhận thấy không phù hợp với môi trường làm việc cũng như không thỏa thuận được về quyền, nghĩa vụ với công ty.

Vì vậy, ngày 9/5/2022, anh Hiến làm đơn xin nghỉ việc và báo nghỉ trước 30 ngày với đại diện công ty. Trong đơn này đã có sự xác nhận “đồng ý” của cán bộ hành chính công ty là bà Nguyễn Thị Tý. 

Trong đơn xin nghỉ việc, anh Hiến trình bày: “Tôi thực sự lấy làm vinh dự khi được làm việc tại công ty trong thời gian qua. Trong quá trình làm việc tại đây, công ty đã cho tôi có được may mắn làm việc với những đồng nghiệp cùng một môi trường làm việc tốt. Nhưng rất tiếc, môi trường làm việc đó không còn phù hợp với bản thân tôi cũng như trong thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, tôi làm đơn này xin nghỉ việc từ ngày 10/6/2022”.

Trong thời gian chờ công ty giải quyết chế độ nghỉ việc, anh Hiến xin nghỉ phép để đi khám bệnh vào ngày 3/6/2022. Khi đi khám bệnh, anh được bác sỹ thông báo “Thẻ BHYT không sử dụng được”. Nhận thấy có điều bất thường, anh Hiến liên hệ và làm việc với cơ quan BHXH quận Hoàng Mai thì được biết công ty CP Xây lắp GERVICO đang nợ đóng tiền BHXH và người lao động nên thẻ BHYT không sử dụng được. 

Anh Hiến cũng mang thắc mắc về công ty thì được giải đáp là: “Hợp đồng 1005.2021/GVC-HĐLĐ đến ngày 10/5/2022 đã hết thời hạn và không được ký lại do hai bên không thỏa thuận được các nội dung phù hợp, như vậy được hiểu là hai bên đã chấm dứt hợp đồng nên không phải làm thanh lý hợp đồng”. Còn về chế độ cho người lao động, công ty này cho rằng đã làm đúng, đủ theo quy định. 

Anh Hiến bức xúc khẳng định: “Công ty CP Xây lắp GERVICO đã vi phạm về thực hiện chính sách BHXH cho người lao động vì đã nợ đọng, không đóng BHXH trong thời gian tôi làm việc tại đây”.

Vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động  - ảnh 1
Anh Vũ Quốc Hiến Ảnh: NVCC

Không trả lương và sổ BHXH 

Khi tra sổ BHXH trên hệ thống phần mềm quản lý VssID của BHXH thành phố, anh Hiến còn phát hiện Công ty CP Xây lắp GERVICO đã đóng BHXH cho anh ở mức thấp hơn một nửa so với lương theo hợp đồng đã ký.

Cụ thể, theo Hợp đồng lao động số 1005.2021/GVC-HĐLĐ ký ngày 10/5/2021 giữa công ty CP Xây lắp GERVICO - đại diện là ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc, với anh Vũ Quốc Hiến, ghi rõ về thời gian làm việc, chức danh nghề nghiệp… có quy định rõ về mức lương chính được chi trả là: 10.000.000 đồng/26 công/tháng. Thế nhưng, công ty chỉ đóng BHXH ở mức lương là 4.800.000 đồng/tháng. 

Anh Hiến đã làm đơn gửi đến cơ quan BHXH quận Hoàng Mai thì được xác minh thông tin về việc công ty nợ đóng BHXH cho người lao động, trong đó có anh. Sau khi BHXH quận Hoàng Mai làm việc với công ty, qua 2 lần thanh toán, đến nay công ty đã đóng BHXH cho anh Hiến đến hết tháng 4/2022. Trong khi anh Hiến vẫn còn làm việc ở công ty đến 2/6/2022. 

Đặc biệt, tính đến 6/8/2022, công ty này vẫn chưa trả lại anh Hiến sổ BHXH. Đồng thời, công ty chưa thanh toán tiền lương từ 1/5 đến 2/6/2022. Hơn nữa, công ty vẫn còn giữ giấy tờ cá nhân là hồ sơ gốc bằng lái xe của anh Hiến.

Như vậy, sau hơn 2 tháng không còn làm việc với Công ty CP Xây lắp GERVICO, anh Hiến vẫn chưa được giải quyết dứt điểm các chế độ quyền lợi của người lao động. Anh Hiến cho rằng mình đang bị thiệt đơn, thiệt kép.

Cụ thể, do công ty nợ đóng tiền BHXH, BHYT nên anh không được hưởng quyền lợi chính đáng khi đi khám bệnh, không được chốt sổ BHXH kịp thời cũng như được hoàn trả sổ để thực hiện chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Hiện anh Hiến vẫn còn đang phải chờ phía công ty trả tiền lương hơn 10 triệu đồng và trả lại hồ sơ văn bằng gốc để tiếp tục tìm việc làm.

Nhận thấy việc công ty cố tình chây ỳ giữ lại tiền lương, giữ sổ BHXH và giấy tờ văn bằng gốc của người lao động rõ ràng là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi đối với người lao động, anh Hiến đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng như: Phòng Lao động TBXH, Liên đoàn Lao động, BHXH quận Hoàng Mai cũng như các cơ quan chức năng của Thành phố và cơ quan báo chí để mong sớm được bảo vệ và giải quyết thỏa đáng. 

Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đề nghị các cơ quan chức năng quận Hoàng Mai và Thành phố sớm vào cuộc làm rõ có hay không việc vi phạm về Luật BHXH và Luật Lao động? Có hay không việc chiếm dụng tiền BHXH, tiền công của người lao động?

Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

(PNTĐ) - 16 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ, mắc kẹt trong chính mảnh đất ở, thửa ruộng của mình vì nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư...
Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

(PNTĐ) - Gần 22 năm trước, theo thông báo của địa phương, gia đình bà Lê Thị Nho ở thôn Cát, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cùng 4 hộ gia đình trong thôn đã mua đấu giá 6 thửa đất ở khu Gốc Vờm, Giếng Đá, Gò Bãi, các vị trí đất xen kẹt, giáp khu dân cư với mục đích để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền mua đất, nộp thuế hàng năm, đến năm 2022, gia đình bà Nho xây dựng nhà thì lại bị chính quyền đình chỉ.
Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

(PNTĐ) - Khi Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc tuyến số 2 đi qua địa bàn 2 thôn Long Phú và Hòa Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai triển khai, hàng chục hộ dân có nhà ở trong diện bị thu hồi trở nên hoang mang, lo lắng, bức xúc và kêu cứu đến các cơ quan chức năng vì giá đền bù quá rẻ như mất trắng.