Xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm, Hà Nội):

Xử lý “nửa với” vi phạm ở bãi tập kết than, cát

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Liên quan đến vấn đề vi phạm trong sử dụng đất đai và tự ý thành lập bến, bãi trung chuyển cát, than, vật liệu xây dựng tại xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm (Hà Nội), ngày 27/6/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài: “Siết chặt quản lý đất nông nghiệp vùng bãi ở Gia Lâm”. Gần đây, người dân tiếp tục phản ánh bãi than lại có dấu hiệu hoạt động trở lại.

Xử lý “nửa với” vi phạm ở bãi tập kết than, cát - ảnh 1

Khu vực bãi than có diện tích rộng khoảng 10.000m2 nằm ở bãi bồi ven sông Đuống, thuộc địa phận xã Trung Mầu này trước đây UBND xã Trung Mầu đã cho Công ty TNHH Linh Giang (Công ty Linh Giang) thuê lại để triển khai dự án (đất thuộc UBND xã Trung Mầu quản lý). Đến năm 2016, UBND xã Trung Mầu đã có quyết định về việc chấm dứt hợp đồng cho thuê đất với Công ty Linh Giang, còn hiện tại ông Lương Văn Hậu đứng ra quản lý. 

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mầu Tạ Bá Doanh,  cho biết, bãi tập kết than này hiện không được cấp phép hoạt động, tháng 7/2020, UBND xã đã thực hiện thanh lý hợp đồng thuê đất đối với ông Lương Văn Hậu thuê đất ở vị trí B15, xã Trung Mầu. 

Mới đây, sau khi báo chí nêu, UBND huyện Gia Lâm đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh nội dung thông tin và có chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Viết Cường về việc tăng cường công tác quản lý về đất đai, thuỷ lợi, đê điều, khắc phục tồn tại trên đất công, đất nông nghiệp. Theo đó, tại Văn bản số 1861/TNMT ngày 4/7/2024 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm nêu rõ kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện, cụ thể chỉ đạo UBND xã Trung Mầu: “Tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm của Công ty Linh Giang tại vị trí B15 và các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP thuê của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân tự khắc phục các vi phạm trước ngày 30/6/2024, trình cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định, hoàn thành việc tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trước ngày 25/7/2024”. 

Ông Tạ Bá Doanh cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Trung Mầu đã thông báo đến các hộ, cá nhân vi phạm. Công ty Điện lực Gia Lâm cũng đã thực hiện ngừng cung cấp điện đối với khu vực bãi tập kết vật liệu xây dựng, nghiền than, cát tại khu vực bãi bồi sông Đuống, thuộc xã Trung Mầu do ông Lương Văn Hậu đang sử dụng.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 3 tháng, ngày 12/10/2024, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô tiếp tục nhận được tin báo của người dân địa phương về việc khu vực bãi tập kết vật liệu xây dựng, nghiền than lại tiếp tục hoạt động, thậm chí lần hoạt động trở lại này các đối tượng còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và vi phạm quy định của Luật Điện lực.

Người dân đã ghi được hình ảnh tại khu vực bãi nghiền than, tập kết xây dựng nêu trên, các đối tượng có dấu hiệu khai thác tài nguyên đất và trung chuyển bằng các loại xe tải trọng lớn (cụ thể như xe biển kiểm soát 99C-194.xx…) sang khu vực sản xuất gạch của Công ty gạch Đại Hưng gần đó để tiêu thụ.

Trước diễn biến bất thường về việc bãi tập kết vật liệu xây dựng, nghiền than ở vị trí B15, xã Trung Mầu lại có dấu hiệu được cấp điện và hoạt động trở lại.

Theo ông Tạ Đình Tuyến, Chủ tịch UBND xã Trung Mầu, phản ánh về việc hoạt động trở lại của bãi than mà người dân nêu thì chỉ là dọn dẹp vụn đất xung quanh, còn họ muốn hoạt động thì phải chờ đấu thầu. 

Thông tin thêm về phản ánh của người dân liên quan đến việc hoạt động trở lại của bãi tập kết vật liệu xây dựng, nghiền than, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mầu Tạ Bá Doanh cho biết, sau khi tiếp nhận nội dung phản ánh trên, Đội Công an Kinh tế huyện cũng đã đến kiểm tra, lập biên bản sự việc trên. Theo đó, thời điểm kiểm tra, ghi nhận quanh khu vực đó các đối tượng có “vun những đống đất nhỏ” lại, nhưng không phải là khai thác tài nguyên đất như phản ánh… Ông Doanh nhấn mạnh rằng “ngay sau đó lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng mọi hoạt động”.

Liên quan đến vấn đề cấp điện hoạt động trở lại đối với công trình vi phạm sử dụng đất đai, cũng như tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại bãi vật liệu xây dựng, nghiền than sau khi đã có quyết định cưỡng chế, ông Tạ Bá Doanh cho biết: “Không có việc cấp điện trở lại. Nhưng trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện các đối tượng “câu điện” từ lều lán gần đó để hoạt động. Việc câu điện như vậy cũng là sai”. 

Từ sự việc trên có thể thấy, sau khi báo chí phản ánh và chỉ ra những vi phạm về việc sử dụng đất đai tại khu vực bãi bồi sông Đuống, vị trí B15 khu vực bãi ven sông thuộc xã Trung Mầu; UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Trung Mầu đã nhanh chóng vào cuộc xử lý vi phạm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng huyện Gia Lâm cần xem xét lại việc xử lý vi phạm tại khu vực trên. Đặc biệt là xem xét việc xử lý còn mang tính “nửa vời” nên công trình vi phạm tiếp tục hoạt động sau khi cưỡng chế?

Đây cũng là việc thể hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương huyện Gia Lâm trong việc thực hiện đúng theo Văn bản chỉ đạo số 2727/UBND-TNMT của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý, sử dụng đất ven sông làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố. Cùng đó, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội cũng cần thanh tra, kiểm tra đối với tình trạng cấp điện tại các khu vực bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu không phép, đặc biệt là tại khu vực bãi ven sông Đuống, thuộc xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm mà Báo Phụ nữ Thủ đô đã phản ánh trước đó.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan

Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan

(PNTĐ) - Hàng chục hộ dân làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế nhà lạnh bảo quản hoa xây dựng trên đất nông nghiệp. Các hộ dân ở đây mong muốn được cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ tạo điều kiện cho giữ lại những cơ sở thiết yếu nhất để được ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản hoa khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.
Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?

Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?

(PNTĐ) - Dù chưa được cấp phép hoạt động, nhưng tại khu vực bãi sông thuộc thôn Hoà Bình, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (còn được gọi là cảng Hòa Bình) có tới 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn, vẫn đang diễn ra hoạt động tập kết, trung chuyển than, cát rầm rộ gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận.
Quyết định hành chính sai, người dân và doanh nghiệp lao đao!

Quyết định hành chính sai, người dân và doanh nghiệp lao đao!

(PNTĐ) - 16 năm trước, dự án Nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đồng Quang thuộc địa bàn 2 xã Đồng Quang và Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội từng được gọi là “siêu dự án” với kỳ vọng đổi thay diện mạo cả vùng. Song đến nay, dự án này vẫn đang dang dở, nhiều vướng mắc liên quan đến các sai phạm chưa được tháo gỡ, còn người dân thì thắt lòng chờ đợi “bờ xôi ruộng mật” nay để hoang phế.
Vấn đề thiếu điện của trường học ở Hoài Đức đã được khắc phục

Vấn đề thiếu điện của trường học ở Hoài Đức đã được khắc phục

(PNTĐ) - Ngày 11/9/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô có bài viết nhan đề “Hàng nghìn thầy và trò ở các trường học khốn khổ vì thiếu điện” phản ánh về việc hai Trường mầm non A và Trường Tiểu học Vân Côn trên địa bàn xã Vân Côn, huyện Hoài Đức bị thiếu điện. Ngày 19/9/2024, Công ty Điện lực Hoài Đức đã có Công văn số 2753 trả lời nội dung phản ánh của Báo Phụ nữ Thủ đô.