Định hướng đúng AI để không làm lu mờ sáng tạo của con người
(PNTĐ) - Một báo cáo mới công bố của Ủy ban UNESCO Đức có tên "Approaches to an ethical development and use of AI in the Cultural and Creative Industries" (tạm dịch: Định hướng phát triển và ứng dụng AI một cách có đạo đức trong công nghiệp văn hóa – sáng tạo) đã cảnh tỉnh rằng AI - nếu không được kiểm soát bằng những nguyên tắc đạo đức và pháp lý rõ ràng, có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền sáng tạo, bản sắc văn hóa và sinh kế của hàng triệu người làm nghệ thuật trên toàn cầu.
Theo báo cáo, AI đã hiện diện trong ngành công nghiệp văn hóa từ lâu, trước cả khi các công cụ tạo sinh như ChatGPT trở nên phổ biến. Trong thực tiễn, AI giúp đơn giản hóa nhiều khâu như dịch thuật, hậu kỳ phim ảnh, phân phối nội dung, số hóa di sản, tiếp thị hay lưu trữ dữ liệu. AI mở ra khả năng sáng tạo mới, phá vỡ các rào cản kỹ thuật và ngôn ngữ, đồng thời giúp người nghệ sĩ tiếp cận công chúng rộng hơn. Tuy nhiên, sự phát triển thần tốc của công nghệ này cũng đặt ra nhiều hệ lụy lớn. Hàng trăm nghìn việc làm thuộc các lĩnh vực sáng tạo như phiên dịch, diễn viên phụ, biên tập viên hay họa sĩ minh họa đang đứng trước nguy cơ bị thay thế hoàn toàn. Các hệ thống AI lớn hiện nay thường được đào tạo trên dữ liệu thu thập từ internet mà không xin phép người sở hữu nội dung, vi phạm bản quyền ở quy mô lớn.

Trước thực tế đó, UNESCO kêu gọi cần khẩn trương xây dựng một khuôn khổ đạo đức cho việc phát triển và sử dụng AI trong ngành công nghiệp văn hóa. Báo cáo đề xuất bốn hướng hành động chủ chốt.
Thứ nhất, bảo vệ bản quyền và cải thiện chất lượng dữ liệu đầu vào. Các hệ thống AI phải được gắn nhãn dữ liệu huấn luyện một cách minh bạch, có cơ chế rõ ràng để người sáng tạo có thể từ chối cho AI sử dụng tác phẩm của mình, đồng thời đầu ra của AI, như hình ảnh, âm thanh, văn bản tổng hợp, cũng cần được ghi chú rõ là sản phẩm do máy tạo ra. Các chính phủ cần hỗ trợ xây dựng những kho dữ liệu công cộng, đại diện, có chất lượng cao để giảm sự lệ thuộc vào các tập dữ liệu thiên lệch và không minh bạch hiện nay.
Thứ hai, UNESCO nhấn mạnh việc đào tạo kỹ năng AI cho người làm nghệ thuật là cấp thiết. Việc sử dụng AI một cách hiệu quả và có đạo đức đòi hỏi người sáng tạo phải được trang bị kiến thức về công nghệ, bản quyền, pháp lý và đạo đức kỹ thuật số. Báo cáo khuyến nghị đưa kỹ năng AI vào chương trình đào tạo nghệ thuật và sáng tạo, từ các trường đại học đến các khóa đào tạo nghề, đồng thời tổ chức các chương trình tập huấn dành cho nghệ sĩ, tổ chức văn hóa, doanh nghiệp nhỏ và người làm nghề tự do.
Thứ ba, cần thúc đẩy hợp tác liên ngành giữa giới sáng tạo và giới công nghệ. UNESCO cho rằng hiện nay khoảng cách giữa hai giới này vẫn còn khá lớn, khiến tiềm năng ứng dụng AI trong lĩnh vực văn hóa chưa được khai thác đúng mức, và thị trường bị chi phối bởi một số ít nền tảng công nghệ lớn. Báo cáo đề xuất xây dựng các mạng lưới chia sẻ dữ liệu và thực hành tốt, khuyến khích mô hình “nghệ sĩ cư trú tại doanh nghiệp công nghệ” như chương trình STARTS của EU, và thiết kế các chương trình tài trợ không phân biệt rạch ròi giữa nghệ thuật và công nghệ, qua đó khuyến khích những sáng tạo giao thoa, liên ngành.
Thứ tư, báo cáo nhấn mạnh vai trò then chốt của AI trong việc bảo vệ, hoặc phá hủy, sự đa dạng văn hóa toàn cầu. Hiện nay, phần lớn các mô hình AI được phát triển và kiểm soát bởi các tập đoàn công nghệ từ Bắc Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, với dữ liệu huấn luyện mang nặng tư duy và thẩm mỹ của các nền văn hóa thống trị. Điều này khiến các nền văn hóa nhỏ bị mờ nhạt hoặc biến mất khỏi không gian số. UNESCO khuyến nghị cần có chính sách thúc đẩy sản xuất dữ liệu địa phương, hỗ trợ mô hình AI bản địa tại các quốc gia đang phát triển, xây dựng hạ tầng kỹ thuật số công bằng và thiết kế AI lấy con người làm trung tâm, tôn trọng quyền con người, bản quyền và đặc tính văn hóa riêng biệt của từng cộng đồng.
“AI không tự động mang lại tương lai tốt đẹp, mà chính con người sẽ quyết định điều đó”- báo cáo viết. Trong ngành công nghiệp văn hóa, nơi mỗi tác phẩm gắn liền với bản sắc, cảm xúc và quyền được thể hiện, AI cần được nhìn nhận không chỉ là công cụ, mà còn là một thách thức đạo đức lớn của thời đại.