Luật Dữ liệu đi vào đời sống, trở thành khung pháp lý toàn diện về dữ liệu để vận hành quốc gia
(PNTĐ) - Luật Dữ liệu (Luật số 60/2024/QH15) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật này quy định về dữ liệu số, bao gồm xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý và sử dụng dữ liệu số, cùng các quy định liên quan đến Trung tâm dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Có thể nói, lần đầu tiên Việt Nam có một bộ công cụ pháp lý đồng bộ cho dữ liệu, vừa kịp thời, vừa đúng thời điểm.
Song hành cùng tiến trình tổ chức lại bộ máy, cùng thời điểm này, Luật Dữ liệu chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025, được kỳ vọng trở thành trụ cột pháp lý quan trọng để quản lý, chia sẻ và khai thác dữ liệu - yếu tố then chốt trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Luật Dữ liệu được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 (Luật số 60/2024/QH15) gồm 5 chương và 46 điều, quy định về xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số... Đây là lần đầu Việt Nam ban hành một đạo luật chuyên biệt về dữ liệu, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để phát triển kinh tế số và xã hội số.
Trong đó có việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, đồng thời khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ dữ liệu số. Theo đó, cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia được thiết kế, xây dựng, sử dụng đáp ứng các yêu cầu: bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về trung tâm dữ liệu; yêu cầu kỹ thuật quốc tế; phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông; bảo đảm chống bom đạn, khủng bố, thiên tai; bảo vệ môi trường; tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, có giải pháp bảo đảm an ninh, bảo mật để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tấn công, đột nhập, phá hoại; bảo đảm mức độ sẵn sàng của hệ thống, thiết kế hệ thống với mức dự phòng nhằm sẵn sàng trong trường hợp mở rộng khi cần thiết.

Đặc biệt, luật quy định sử dụng định danh cá nhân thay thế mã số thuế và nhiều thủ tục khác, giúp chuẩn hóa xác thực điện tử, “làm sạch” dữ liệu cá nhân và giảm gian lận trong giao dịch trực tuyến. Luật áp dụng cho tất cả tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xử lý dữ liệu liên quan đến Việt Nam. Trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, an ninh quốc gia, các cơ quan chức năng có quyền yêu cầu cung cấp dữ liệu mà không cần sự đồng ý của chủ thể, bảo đảm ứng phó kịp thời nhưng vẫn trong khuôn khổ pháp luật.
Luật Dữ liệu chính thức có hiệu lực cùng lúc với 4 văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một bộ khung pháp lý toàn diện về dữ liệu. 4 văn bản đó bao gồm:
Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Dữ liệu: Làm rõ phạm vi áp dụng, trách nhiệm, quy trình tổ chức và phối hợp triển khai giữa các bộ, ngành, địa phương;
Nghị định về Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia: Tạo nguồn lực tài chính minh bạch, hiệu quả để hỗ trợ hạ tầng, nhân lực, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ dữ liệu;
Nghị định quy định hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản phẩm dịch vụ về dữ liệu: Định hướng phát triển ngành công nghiệp dữ liệu như một lĩnh vực kinh tế mới;
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng: Xác lập nền tảng cho công tác quản lý, bảo vệ, chia sẻ và khai thác dữ liệu mang tính sống còn.
Sự đồng bộ và kịp thời của 4 văn bản này không chỉ đảm bảo Luật Dữ liệu đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cả nước tái cơ cấu đơn vị hành chính. Khi các địa phương sáp nhập, dữ liệu dân cư, đất đai, tài chính, y tế, giáo dục, an sinh... cần được chuẩn hóa, kết nối và chia sẻ. Nếu thiếu hành lang pháp lý, hệ thống sẽ khó có thể vận hành nhuần nhuyễn, thậm chí gây gián đoạn dịch vụ công và bất ổn xã hội.

Việc có đầy đủ cơ sở pháp lý ngay từ ngày đầu triển khai giúp các bộ, ngành, địa phương không còn phải vừa làm vừa đợi hướng dẫn, mà có thể lập tức tổ chức thực hiện, đảm bảo sự liền mạch, nhất quán trong quản lý và khai thác dữ liệu. Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cũng được tiếp cận rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, cơ chế hỗ trợ và môi trường pháp lý an toàn khi tham gia vào hệ sinh thái dữ liệu quốc gia.
Có thể nói, lần đầu tiên Việt Nam có một bộ công cụ pháp lý đồng bộ cho dữ liệu, là bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của dữ liệu trong hành trình kiến tạo quốc gia số, chính phủ số và kinh tế số của đất nước.