Mentor Hoàng Sơn Công: “Cầu nối” giúp các startup đi tới thành công
(PNTĐ) - Tính đến thời điểm này, Mentor Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, gắn liền Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), với hơn 2.000 startup được kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, giáo dục.
Nhân dịp Chương trình giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp xanh và tổng kết khóa đào tạo, được tổ chức bởi CTCP truyền thông Việt Nam Startup TV trong khuôn khổ đề án 844, Mentor Hoàng Sơn Công đã có những chia sẻ về dự định cũng như kế hoạch trong tương lai, nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả của hoạt động hỗ trợ, đào tạo với các startup.
PV: Thưa anh, anh có thể chia sẻ lý do vì sao lại lựa chọn con đường trở thành một chuyên gia tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trẻ của Việt Nam?
Mentor Hoàng Sơn Công: Đến nay, tôi đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong triển khai hoạt động cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ và gần 8 năm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ở quy mô quốc gia. Tôi chính thức giam gia hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp ở quy mô quốc gia từ năm 2018. Nhưng trước đó, từ khi tốt nghiệp đại học năm 2001, tôi đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ sinh kế.
Để nói về lý do vì sao lựa chọn thành chuyên gia tư vấn, trước hết tôi sẽ nói tới quan niệm khởi nghiệp trẻ - theo một cách thông thường là việc các bạn trẻ (là một cá nhân hoặc nhóm cá nhân) chọn một công việc nào đó để khởi nghiệp và khởi sự. Trong xã hội hiện nay, câu chuyện khởi nghiệp này đang phát triển rất nhanh và nóng.
Nhiều startup còn tập trung hướng đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có nghĩa họ đi tìm kiếm giải pháp nhằm thay thế, nâng cấp, giải quyết một vấn đề nào đó trong xã hội. Đương nhiên bất kỳ hoạt động khởi nghiệp nào luôn kèm theo rất nhiều rủi ro. Thay vì chỉ tôn vinh hay thúc đẩy các khởi nghiệp trẻ quá nhiều, tôi nghĩ điều cần thiết hơn cả là phải có những chương trình giúp chia sẻ nguy cơ hoặc những vấn đề mà các startup có thể gặp phải. Có như vậy khởi nghiệp mới bền vững và đi được tới thành công.
PV: Có thể nói, cái tên Mentor Hoàng Sơn Công từ lâu đã trở nên rất quen thuộc trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia. Anh cũng được biết đến như một "ông mai" giúp "se duyên", đưa startup đến với những chương trình đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp. Vậy, làm thế nào để anh và các startup có thể tìm thấy nhau?
Mentor Hoàng Sơn Công: Để tiếp cận với các bạn khởi nghiệp, cá nhân tôi và các đồng sự đã triển khai 4 cách làm. Đầu tiên là chúng tôi công bố các bộ giải pháp mở, để bất cứ ai, bất cứ khởi nghiệp nào cũng có thể sử dụng những cái giải pháp đó làm nền tảng và giải quyết những vấn đề xã hội. Ví dụ như bộ giải pháp về nông nghiệp sạch, môi trường hoặc là vấn đề về tăng khả năng hiệu quả trong giáo dục. Chúng tôi cũng dùng những kênh mã nguồn mở, tư liệu mở mà chúng tôi đã nghiên cứu và công bố cho cộng đồng. Từ những công bố cộng đồng này, tự nhiên sẽ tạo thành những cái nhóm cộng đồng quan tâm.
Kênh thứ hai, chúng tôi lựa chọn khởi nghiệp thuộc các chương trình quốc gia. Bản thân tôi cũng là thành viên Ban giám khảo của nhiều hội đồng đang trong quá trình chấm thi. Tôi thấy là các bạn ấy còn nhiều cái có thể nâng cấp tốt hơn, nhưng đang bị hạn chế do thiếu nguồn lực chẳng hạn, thì chúng tôi sẽ kết nối, hỗ trợ dần đần để phát huy tiềm năng, triển vọng của các bạn.
Kênh thứ ba ở đây đó là kênh về truyền thông, tức là thông qua báo chí, chương trình truyền hình, các cuộc thi. Mà các bạn biết, khi chúng tôi đã có những khởi nghiệp thành công trước đó làm "mẫu" thì sẽ tạo sự lan tỏa rất lớn và có sức hấp dẫn cao. Ngoài ra, chúng tôi vẫn làm 1 động tác thứ tư là kết nối tất cả các khởi nghiệp với nhau thành một hệ sinh thái, và cùng với nhau hoàn thiện, giúp nhau, không bài xích nhau. Đó là 4 kênh tiếp cận mà chúng tôi triển khai.
PV: Vậy ông đã hỗ trợ các bạn khởi nghiệp như thế nào, thưa ông?
Mentor Hoàng Sơn Công: Tôi không chỉ có nhiều kênh mà cũng có rất nhiều cách hỗ trợ các bạn khởi nghiệp. Tôi có thể làm mentor dưới tư cách chuyên gia độc lập cho các cá nhân, qua những vòng thi khởi nghiệp từ chung kết trở lên. Nếu tôi đánh giá thấy bạn nào có yếu tố tác động của xã hội tốt, tích cực thì tôi có thể tương tác, chia sẻ rằng các bạn có thể đặt hàng tôi làm cố vấn. Tuy nhiên nhóm đấy tôi cũng hạn chế mặt số lượng, bởi khi lựa chọn tôi có 1 điều kiện là các bạn phải quay ngược trở lại để phục vụ địa phương.
Ngoài hoạt động độc lập tôi còn những nhóm lớn hơn, là chuyên gia nằm trong tổ chức, chẳng hạn tổ chức NGO. Và kênh thứ 3 là tôi được đặt hàng để cố vấn cho các chương trình quy mô lớn, ví dụ như quy mô của cấp tỉnh. Tại tỉnh Đồng Tháp chẳng hạn, tôi có thể dạy học cho toàn bộ Hội Nông dân tỉnh, rồi Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh. Thông qua đó chúng tôi có thể kết nối một mạng lưới rộng rãi giữa những startup.
PV: Dành nhiều sức lực, trí lực, tâm huyết hỗ trợ các bạn khởi nghiệp. Vậy ông mong muốn đạt được điều gì trên hành trình đồng hành cùng startup? Và những thành tựu bước đầu của ông trên hành trình này ra sao?
Mentor Hoàng Sơn Công: Nói tới mong muốn, tôi chỉ muốn nhấn mạnh 5 chữ, đó là: Nguồn Nhân Lực và Sinh Kế. Còn nói đến thành tựu, thì cũng chưa hẳn là thành tựu. Nhưng việc giúp tôi thấy an ủi và động viên lớn nhất, đó là số lượng học viên của tôi đã vượt 2.000 người; còn khởi nghiệp của chương trình quốc gia cũng khoảng hơn 2.000 người. Trong đó các statup rất đa dạng về ngành nghề, lứa tuổi. Ví dụ như Hội nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ hay Đoàn thanh niên của các tỉnh.
Những chương trình chúng tôi áp dụng đến nay đều đã được ghi nhận, thông qua, thậm chí được văn bản hóa. Cách làm ban đầu của tôi là chọn làm việc với cả tỉnh hoặc nhiều địa phương ở quy mô lớn, sau đó thì lựa chọn lấy một huyện và trong một huyện làm với một xã để đánh giá kết quả. Sau khi đánh giá xong mẫu thì dùng mô hình đó để nhân rộng bằng hai cách song song.
Thực tế tôi đã có nhiều mô hình và startup được hỗ trợ để khởi nghiệp thành công một cách bền vững.
PV: Để giúp đỡ nhiều hơn cho các startup, thời gian tới ông có những kế hoạch, dự định hay mục tiêu mới nào không, thưa ông?
Mentor Hoàng Sơn Công: Thật ra, với công việc hỗ trợ các bạn khởi nghiệp thì chắc làm 100 năm hay lâu hơn nữa cũng không hết việc. Nhưng trong thời gian này, chúng tôi đang tập trung vào một số dự án lớn. Thứ nhất là dự án về hỗ trợ tính tự chủ của nông dân, và chúng tôi chọn địa bàn tỉnh Đồng Tháp với 12 huyện làm mô hình mẫu, từ cấp xã đi lên cấp huyện và bây giờ đã nhân cấp tỉnh, sau đó là nhân rộng toàn quốc. Dự án này được chúng tôi triển khai suốt 2 năm nay.
Dự án thứ hai chúng tôi xây dựng mang tên "Cây nhà lá vườn", và chúng tôi bắt đầu đi từ sinh kế. Những sinh kế này nó sẽ là sinh kế bán lẻ. Chúng tôi nghiên cứu và nâng cấp tất cả những hình thức để tạo ra nguồn thu hằng ngày cho một gia đình, ví dụ như nghề bán trái cây, nước uống trái cây, nước ép trái cây có thể nâng cấp lên thành nước uống, nước ép trái cây, dược liệu hữu cơ; hoặc là từ một nghề làm bánh mì thì nâng cấp thành bánh mì chay và chăm sóc sức khỏe. Mục đích cuối cùng là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, và quay ngược trở lại thì sẽ tạo thu nhập.
Và trong quá trình này, tôi rất mong được đồng hành cùng Công ty Cổ Phần Truyền Thông Vietnam Startup TV thực hiện các hoạt động đào tạo của Đề án 844 về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia để được tiếp cận, hỗ trợ thêm cho nhiều doanh nhân khởi nghiệp trong mọi lĩnh vực.