Starlink sắp hiện diện tại Việt Nam: Cơ hội bứt phá cho kết nối số và chuyển đổi số quốc gia

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Việt Nam đang tiến đến một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực viễn thông khi chuẩn bị cấp phép cho dịch vụ Internet vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO), mở đường cho hệ thống Starlink của tỷ phú Elon Musk chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam ngay trong quý IV năm nay.

Đây được xem là tín hiệu tích cực không chỉ đối với hạ tầng kết nối của quốc gia, mà còn là cú hích lớn trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại những khu vực còn hạn chế về mặt hạ tầng viễn thông truyền thống.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ, phía SpaceX – công ty mẹ của Starlink – còn cam kết đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD vào Việt Nam. Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng chủ yếu để đặt hàng các doanh nghiệp trong nước sản xuất thiết bị đầu cuối cho Starlink, từ đó góp phần vào việc phát triển chuỗi cung ứng công nghệ cao tại Việt Nam. Động thái này cho thấy SpaceX không chỉ muốn cung cấp dịch vụ, mà còn đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với hệ sinh thái công nghệ Việt Nam.

Starlink sắp hiện diện tại Việt Nam: Cơ hội bứt phá cho kết nối số và chuyển đổi số quốc gia - ảnh 1
Starlink của tỷ phú Elon Musk cam kết đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD vào Việt Nam

Tuy nhiên, để có thể triển khai chính thức, SpaceX cần hoàn tất một loạt thủ tục pháp lý theo quy định của Việt Nam. Trước hết, công ty phải tiến hành thành lập pháp nhân tại Việt Nam và đăng ký dự án đầu tư với Bộ Tài chính. Ngay sau khi hoàn tất, doanh nghiệp này sẽ nộp hồ sơ xin cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính đang hướng dẫn SpaceX thực hiện các bước này để có thể đưa Starlink vào hoạt động sớm nhất có thể.

Một bước tiến đáng chú ý đã diễn ra vào tháng 3/2025 khi Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, đã trao Quyết định số 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép SpaceX triển khai thử nghiệm dịch vụ viễn thông bằng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam. Theo quyết định này, quá trình thí điểm sẽ kéo dài tối đa 5 năm kể từ khi doanh nghiệp được cấp phép, và phải kết thúc trước ngày 1/1/2031. Đây là bước đi cụ thể trong lộ trình hiện thực hóa chiến lược ứng dụng công nghệ không gian vào chuyển đổi số quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long, nếu quá trình chuẩn bị được triển khai đúng tiến độ, việc chính thức cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam hoàn toàn có thể bắt đầu từ quý IV/2025. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng việc cấp phép sẽ được tiến hành theo hướng “thí điểm có kiểm soát”, nhằm đảm bảo tính tương thích với hạ tầng viễn thông trong nước và giữ vững an toàn thông tin.

Hiện tại, mặc dù các cơ quan chức năng chưa nêu đích danh SpaceX, nhưng với những tín hiệu rõ ràng về chính sách, có thể thấy Việt Nam đang chủ động chuẩn bị cho sự xuất hiện của Starlink – hệ thống Internet vệ tinh đã có mặt tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Với mô hình kết nối từ vệ tinh ở quỹ đạo thấp, Starlink có khả năng mang lại Internet tốc độ cao cho những nơi hạ tầng truyền thống chưa phát triển, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Starlink sắp hiện diện tại Việt Nam: Cơ hội bứt phá cho kết nối số và chuyển đổi số quốc gia - ảnh 2

Song song với cơ hội, vẫn còn không ít câu hỏi đặt ra về mô hình kinh doanh của Starlink tại Việt Nam. Hiện nay, chưa có thông tin chính thức nào về mức giá thuê bao, cơ chế phân phối thiết bị đầu cuối, hay các chính sách bảo mật thông tin sẽ được áp dụng. Những yếu tố này đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo tính bền vững của dịch vụ và khả năng tiếp cận của người dân Việt Nam – một thị trường còn nhiều đặc thù về thu nhập và hạ tầng.

Một khía cạnh quan trọng khác là sự phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trong nước. Dù hiện tại Viettel là đơn vị duy nhất công bố đang nghiên cứu về vệ tinh tầm thấp, nhưng dự án vẫn đang trong giai đoạn đầu và chưa có kết quả cụ thể. Trong tương lai, sự tham gia sâu hơn của các nhà mạng nội địa sẽ là yếu tố cần thiết để đảm bảo hiệu quả triển khai dịch vụ Starlink trên quy mô lớn, từ việc xây dựng trạm mặt đất, tích hợp hệ thống đến việc vận hành dịch vụ khách hàng.

Đáng chú ý, trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Bộ KH&CN đã xác định lĩnh vực hàng không – vũ trụ là một trong 11 nhóm công nghệ chiến lược. Trong đó, các sản phẩm như vệ tinh viễn thám, vệ tinh viễn thông tầm thấp, thiết bị bay không người lái (UAV) và hệ thống điều khiển trạm mặt đất đều là trọng điểm đầu tư trong giai đoạn tới. Điều này cho thấy Việt Nam đang nghiêm túc hướng tới việc làm chủ không gian công nghệ cao.

Starlink sắp hiện diện tại Việt Nam: Cơ hội bứt phá cho kết nối số và chuyển đổi số quốc gia - ảnh 3
Vệc cấp phép cho Starlink triển khai dịch vụ Internet vệ tinh quỹ đạo thấp tại Việt Nam đang được kỳ vọng không chỉ mang lại giải pháp kết nối hiệu quả, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo đánh giá của chuyên trang công nghệ TechCrunch (Mỹ), sự hiện diện của Starlink tại Việt Nam không chỉ là một thương vụ kinh doanh, mà là bước đi chiến lược nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của SpaceX tại Đông Nam Á – khu vực đang có nhu cầu bùng nổ về Internet tốc độ cao và cơ sở hạ tầng số.

Vệc cấp phép cho Starlink triển khai dịch vụ Internet vệ tinh quỹ đạo thấp tại Việt Nam đang được kỳ vọng không chỉ mang lại giải pháp kết nối hiệu quả, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong nước và cả SpaceX, để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích công nghệ và chủ quyền thông tin quốc gia.

Tin cùng chuyên mục

Luật Dữ liệu đi vào đời sống, trở thành khung pháp lý toàn diện về dữ liệu để vận hành quốc gia

Luật Dữ liệu đi vào đời sống, trở thành khung pháp lý toàn diện về dữ liệu để vận hành quốc gia

(PNTĐ) - Luật Dữ liệu (Luật số 60/2024/QH15) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật này quy định về dữ liệu số, bao gồm xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý và sử dụng dữ liệu số, cùng các quy định liên quan đến Trung tâm dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Có thể nói, lần đầu tiên Việt Nam có một bộ công cụ pháp lý đồng bộ cho dữ liệu, vừa kịp thời, vừa đúng thời điểm.
Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là một hoạt động chuyên môn, mà còn là sứ mệnh chính trị - xã hội của ngành Giáo dục trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước kế thừa và phát triển trong thời đại mới, nơi tri thức, kỹ năng số trở thành công cụ tối quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.
Khi công nghệ “vào cuộc” chống nạn hàng giả

Khi công nghệ “vào cuộc” chống nạn hàng giả

(PNTĐ) - Hàng giả, hàng nhái đang ngày càng trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý và tạo tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Trước thực trạng này, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở thành một yêu cầu cấp thiết, có vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Định hướng đúng AI để không làm lu mờ sáng tạo của con người

Định hướng đúng AI để không làm lu mờ sáng tạo của con người

(PNTĐ) - Một báo cáo mới công bố của Ủy ban UNESCO Đức có tên "Approaches to an ethical development and use of AI in the Cultural and Creative Industries" (tạm dịch: Định hướng phát triển và ứng dụng AI một cách có đạo đức trong công nghiệp văn hóa – sáng tạo) đã cảnh tỉnh rằng AI - nếu không được kiểm soát bằng những nguyên tắc đạo đức và pháp lý rõ ràng, có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền sáng tạo, bản sắc văn hóa và sinh kế của hàng triệu người làm nghệ thuật trên toàn cầu.