Quá tải trường học:

“Bài toán khó” từ tốc độ đô thị hóa

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống trường học công lập là hệ lụy được báo trước từ sự tăng trưởng “nóng” đô thị thời gian qua. Điều đáng nói là cùng với tốc độ tăng dân số cơ học, các địa phương hoàn toàn bị động khi hạ tầng xã hội không tăng tương ứng.

 “Bài toán khó” từ tốc độ đô thị hóa  - ảnh 1
Tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều chung cư cao tầng dày đặc đã khiến Hà Nội quá tải hệ thống trường học Ảnh: Int

Quỹ đất có hạn trong khi dân số không ngừng tăng lên 
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD-ĐT) cho thấy, tính đến tháng 6/2022, Hà Nội hiện có 2.835 trường với 70.199 lớp với hơn 2 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến phổ thông trung học (PTTH), phổ thông cơ sở (PTCS), 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học. Trong năm học 2022-2023, mặc dù Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng, thế nhưng, tình trạng quá tải trường, lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội. Trong đó, nổi bật nhất là một số quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, tập trung nhiều chung cư cao tầng như tại các quận Hoàng Mai, Hà Đông…

Nguyên nhân chính của tình trạng quá tải trường học được các chuyên gia nhận định là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân số tăng lên hàng năm trong khi quỹ đất có hạn. Cùng với đó, những dự án xây dựng trường học lại rơi vào tình trạng “treo” hoặc chậm triển khai do vướng mắc từ nhiều khâu từ giải phóng mặt bằng, bố trí vốn… 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đối với các dự án chậm triển khai hạ tầng xã hội (trường học) do vướng giải phóng mặt bằng, UBND Thành phố đã giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các chủ đầu tư dự án tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (trong đó ưu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng các khu đất xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học) để đẩy nhanh tiến độ giao đất cho các chủ đầu tư xây dựng đồng bộ dự án. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Trao đổi về tình trạng quá tải trường học tại quận Hoàng Mai, dẫn đến câu chuyện phụ huynh phải bốc thăm suất học cho con tại trường mầm non Hoàng Liệt mới đây, ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch quận Hoàng Mai cho biết: “Dân số của quận Hoàng Mai tính đến 30/6/2022 có 537.908 người, tăng 354.477 người so với thời điểm thành lập quận năm 2003. Bình quân, mỗi năm quận Hoàng Mai tăng tới 17.723 người, mật độ dân số đông với 12.986 người/km2. Trên địa bàn của quận hiện có 270 tòa nhà chung cư cao tầng, 202 nhà chung cư cũ, riêng phường Hoàng Liệt có 85 tòa chung cư và hiện nay đang tiếp tục xây dựng thêm 5 tòa nữa”. 

“Về quy mô mạng lưới trường lớp của quận Hoàng Mai, trong năm học 2022-2023, toàn ngành có tổng số 89 trường học, trong đó có 59 trường công lập, 30 trường ngoài công lập. Hiện có 98.558 học sinh bình quân 4 năm liên tiếp, và từ 2021 đến nay tăng mỗi năm 3.836 học sinh. Chỉ riêng phường Hoàng Liệt, dân số hiện có 92.000 người, mỗi năm tăng dân số tự nhiên khoảng 2.000 trẻ trong độ tuổi mầm non. Số trẻ em từ 0-16 tuổi là 19.327 trẻ, trong đó số trẻ trong độ tuổi đi học trên địa bàn là 8.155 trẻ. Năm học 2022-2023, trường mầm non Hoàng Liệt, quy mô trường chỉ tiếp nhận 1.022 học sinh, đến nay đã tiếp nhận đủ. Riêng đối tượng trẻ từ 3-4 tuổi chỉ có năng lực tiếp nhận 333 học sinh, nhưng có tới 718 học sinh đăng ký”- ông Thái nói.

 Theo ông Thái, với số lượng vượt quá khả năng tiếp nhận của nhà trường, do đó nhà trường đã cùng Đảng ủy, UBND phường Hoàng Liệt họp với phụ huynh học sinh, tổ dân phố, Bí thư các chi bộ xin ý kiến về giải pháp. Và đi đến thống nhất đa số học sinh đồng tình việc bốc thăm để cho con vào trường.  

Nói về khó khăn của việc trường học không “theo kịp” tốc độ gia tăng dân số tại quận Hoàng Mai, ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Trên địa bàn quận Hoàng Mai nói chung và phường Hoàng Liệt nói riêng hiện vẫn còn một số dự án khu đô thị mới, khu nhà ở chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng xã hội, trường học theo quy hoạch dẫn đến tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu về đời sống, sinh hoạt, học tập và vui chơi của người dân. Nhiều dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị, khu nhà ở được chủ đầu tư cấp 1 chuyển nhượng lại cho các chủ đầu tư thứ cấp để triển khai đầu tư xây dựng, nhưng chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng dự án theo quy định. Do vậy chưa thể triển khai đầu tư xây dựng. Nhiều chủ đầu tư thứ cấp không tuân thủ chế độ báo cáo định kỳ tình hình thực hiện dự án, hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung. Vì vậy công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ tại các dự án gặp rất nhiều khó khăn”.

“Bài toán khó” cần lời giải
Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đặt mục tiêu đầu tư mạng lưới trường, lớp đảm bảo cơ cấu hợp lý theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố; xác định và bố trí quỹ đất dành cho mạng lưới trường học theo cơ cấu và loại hình đào tạo. Mạng lưới trường học các cấp, các ngành ở Hà Nội phải đảm bảo khả năng phục vụ học sinh học và hoạt động 2 buổi/ngày tại trường cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và phát triển các trường học có tổ chức bán trú. Giảm dần số học sinh bình quân trên lớp. 

 “Bài toán khó” từ tốc độ đô thị hóa  - ảnh 2
Các chung cư cao tầng mọc lên nhanh chóng nhưng thiếu hạ tầng xã hội đi kèm       Ảnh: Nguyễn Thực

Tuy nhiên, làm thế nào để đáp ứng đủ hệ thống trường học để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong bối cảnh dân số không ngừng tăng lên nhưng quỹ đất có hạn như ở Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn trên cả nước nói chung đang là “bài toán khó” đối với các cấp quản lý. Và để giải được “bài toán khó” này cần rất nhiều phương pháp thì mới có kết quả. 

Ở góc độ ngành Giáo dục - Đào tạo, tại hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề xuất giải pháp cho tình trạng quá tải trường học ở Hà Nội. Đó là Bộ GD-ĐT cùng phối hợp các địa bàn Trung ương nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia. Đồng thời cho phép Hà Nội nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng, sử dụng các tầng hầm dựa trên công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Theo đó, bố trí học sinh ở các tầng thấp, các cán bộ, giáo viên ở tầng cao.

Từ thực trạng quá tải tại quận Hoàng Mai, ông Trần Quý Thái nêu giải pháp thu hút sự đầu tư phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập để giảm tải hệ thống giáo dục công lập. 

Nhìn theo góc độ quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Tình trạng thiếu chỗ học, thiếu nhà trẻ mẫu giáo là hiện tượng và hệ lụy của quá trình đô thị hóa. Vì thế, để giải bài toán quá tải trường học, Hà Nội cần chú ý đến quy hoạch hệ thống trường, lớp cho trẻ em, học sinh trên cơ sở như: Khống chế việc xây dựng các khu cao tầng trên từng khu vực; xem xét một số cơ chế riêng về xây dựng trường, lớp ở những quận khu vực đông dân cư, có thể sử dụng mặt sàn của chung cư để thành lập trường, nhà trẻ; nâng tầng các trường học đối với các trường mầm non, nhà trẻ thay vì chỉ xây 2 tầng thì có thể nâng lên 4-5 tầng (khối hành chính ở tầng trên, trẻ học ở tầng dưới thì không phải mất quỹ đất của trường dành riêng cho khối hành chính)…

Về giải pháp khắc phục, tháo gỡ trong công tác quy hoạch, cũng như việc đôn đốc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trường học, công trình hạ tầng xã hội tại các dự án khu đô thị ở Hà Nội, ông Luyện Văn Phương cho biết: “Trong công tác quy hoạch, UBND Thành phố đã chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung huyện, thị trấn, đô thị vệ tinh đã được phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, đặc biệt tập trung giải quyết các dự án khu đô thị, khu nhà ở đã đầu tư xây dựng trước khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt nhưng chưa đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật”.

Theo ông Cương, đối với công tác quy hoạch trước đây còn tồn tại nhiều bất cập trong nội dung quy hoạch đất trường học vào đất hiện trạng là nghĩa trang, di tích lịch sử… dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng không khả thi, UBND Thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng này. Nhiều quy hoạch tồn tại bất cập này đã được điều chỉnh để dành quỹ đất sạch đầu tư xây dựng trường học. Ví dụ một số trường hợp đã thực hiện điều chỉnh như: Các khu đất trường học tại Khu đô thị mới Thịnh Liệt, khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm… đều đã được điều chỉnh quy hoạch trường học vào quỹ đất sạch, lồng ghép nội dung điều chỉnh, khớp nối đồng bộ tại các quy hoạch phân khu khu vực và điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…