Bạo lực học đường gây tổn thất lớn cho giáo dục

Chia sẻ

PNTĐ-Đã đến lúc, các nhà trường cần cùng nhau giáo dục cho HS không chỉ kiến thức về ôn hòa, tôn trọng, bình đẳng mà còn cả về bạo lực giới để từ đó bạo lực sẽ được chấm dứt...

  
Trong bối cảnh bạo lực học đường đang có xu hướng tăng cao, Bộ GD-ĐT, tổ chức ChildFund Việt Nam và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa tổ chức Hội thảo - Tập huấn công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh phổ thông. Tại đây, những tác hại của bạo lực học đường gây ra cho các nạn nhân, những khó khăn yếu kém trong việc phòng chống bạo lực học đường đã được thẳng thắn nêu ra.
 
Bạo lực học đường gây tổn thất lớn cho giáo dục - ảnh 1
Sự thấu hiểu, sẻ chia giữa các học sinh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường

 
Cảnh báo hành vi lệch chuẩn trong học sinh
 
Theo ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ GD Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT, hiện nay, không ít những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hiện đại đang xâm nhập vào tư tưởng đạo đức, lối sống... của một số bộ phận học sinh (HS) như: hành vi bạo lực, tính vị kỉ, thái độ thờ ơ trước nỗi đau của người khác; tình trạng HS nói tục, chửi thề; thiếu tôn trọng thầy cô giáo, người lớn tuổi không còn cá biệt. Ngoài ra, còn là những hiện tượng không phù hợp với chuẩn mực đạo đức truyền thống như: quan hệ tình dục sớm, chụp ảnh khỏa thân rồi tung lên mạng xã hội để “khẳng định” mình hoặc đe dọa bạn bè; nhiều học sinh kết bạn trên mạng rồi hình thành các băng nhóm ở tuổi vị thành niên, rủ nhau bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, sống quần hôn, say xỉn, đua xe… 
 
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ GD Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT cho biết, tình trạng bạo lực học đường trong các trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Một nghiên cứu do UNESCO tiến hành về bạo lực giới ở trường học tại 6 tỉnh ở ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam vào năm 2015 cho thấy, có tới trên một nửa số HS tham gia nghiên cứu cho biết từng là nạn nhân của ít nhất một hành vi bạo lực trong vòng 6 tháng trước đó, trong đó HS các lớp đầu cấp II là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất. “Bạo lực giới ở trường học không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý, khiến các nạn nhân tự ti, trầm cảm, có trường hợp dẫn đến mang thai và nhiễm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV, tăng nguy cơ bỏ học”. 
 
Bà Elisa Fernandez Saenz, trưởng văn phòng UN Women tại Việt Nam cũng cho rằng, phân biệt và bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt trong môi trường giáo dục là điều đáng lo ngại. HS phải đối mặt với nguy cơ bị phân biệt đối xử và bạo lực ngay tại trường học, nơi các em được dạy kiến thức và lòng nhân ái hàng ngày. Đối với một số HS, trường học lẽ ra là một không gian an toàn nhưng tại đây, các em lại phải trải nghiệm sự bắt nạt, quấy rối, xâm hại hoặc tệ hơn nữa.
 
Vị đại diện đến từ tổ chức quốc tế cũng cung cấp thông tin, theo các ước tính gần đây bạo lực giới ở trường học gây tổn hại tương đương với chi phí cho một năm học ở bậc tiểu học - khoảng 17 tỷ USD/năm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Con số này cao hơn tổng số tiền mà nước ngoài tài trợ hàng năm cho các can thiệp giáo dục tại các nước nước này.
 
Thiếu công cụ chống bạo lực học đường 
 
Kết quả cuộc khảo sát gần đây do Bộ GD-ĐT tiến hành trên một số trường THCS,THPT, ĐH ở Hà Nội, Hải Dương cho thấy phần lớn (82,31% học sinh được hỏi) đều có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân. Cũng theo kết quả khảo sát, đa phần HSSV mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống. 
 
Tuy nhiên, theo ông Doãn Hồng Hà, dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng nhìn chung, công tác tư vấn tâm lý  học đường vẫn chưa thật sự được chú trọng. Thực tế cho thấy, HS vẫn đang thiếu “người bạn, người thầy” để chia sẻ. Cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường phần lớn là kiêm nhiệm nên không có chuyên môn phù hợp, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và tài liệu nên chất lượng công tác tư vấn chưa cao. Mặt khác, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác tư vấn tâm lý cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Đa phần cơ sở giáo dục chưa có phòng tư vấn tâm lý riêng nên HS còn e ngại khi đến gặp thầy, cô để chia sẻ những tâm sự của mình… Đây cũng chính là những bất cập mà ngành GD sẽ phải từng bước giải quyết. 
 
Cũng theo ông Hà, từ nay tới năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung triển khai công tác tư vấn tâm lý và các vấn đề xã hội trong nhà trường tập trung vào các nội dung như: Tư vấn các mối quan hệ xã hội; Tư vấn những vấn đề tâm lý lứa tuổi thanh niên; Tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản; Tư vấn tâm lý gia đình…
 
Bà Elisa Fernandez Saenz cho rằng, đã đến lúc, các nhà trường cần cùng nhau giáo dục cho HS không chỉ kiến thức về ôn hòa, tôn trọng, bình đẳng mà còn cả về bạo lực giới để từ đó bạo lực sẽ được chấm dứt. 
 
 
 
Thử nghiệm công cụ mới phòng chống bạo lực học đường tại Hà Nội
 
Ngay tại Hội thảo, các chuyên gia đã công bố một công cụ mới, được kỳ vọng sẽ giúp giảm tình trạng bạo lực học đường. Với tên gọi “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng: Ngăn ngừa bạo lực giới học đường”, bộ công cụ được biên soạn trên cơ sở nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm từ nhiều chương trình ở các nước khác nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ công cụ sẽ hướng dẫn giáo viên tổ chức các hoạt động được thiết kế nhằm khuyến khích các mối quan hệ mang tính xây dựng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các học sinh ở lứa tuổi 11-14. Bộ tài liệu do trường đại học Melbourne xây dựng với sự hỗ trợ của Nhóm công tác Khu vực về Bạo lực giới ở trường học. Bộ tài liệu tới đây sẽ được thử nghiệm tại các trường THCS thuộc 7 tỉnh, thành trong đó có Hà Nội.
 
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.